#1
Chùa Trình (Quảng Ninh), lễ giỗ Trần Nhân Tông, đêm cuối tháng âm lịch, đèn nến sáng lập lòe. Các phật tử đi lại nhộn nhịp trong sân chùa tìm chỗ ngồi, thì thầm bàn tán về một điệu múa cổ mà họ sắp được chiêm ngưỡng….Ba tiếng chuông ngân nga vang lên báo hiệu đã đến giờ biểu diễn, đoàn vũ công tỏa ra từ sau tấm rèm. Trong đêm tối, đôi đèn hoa sen trên vai các vũ công lung linh tỏa sáng, chiếc quạt trong tay họ lúc mở lúc khép đầy biến ảo. Hai mươi thanh thiếu nữ xếp thành đội hình, nhẹ nhàng xoay chuyển theo tiếng đàn hát, đưa người xem trở lại không gian huyền bí, vừa mang tính lễ nghi thần thánh, vừa duyên dáng hút hồn của hàng trăm năm trước. Đó chính là điệu múa bài bông, báu vật của nghệ thuật ca trù, tưởng như đã biến mất vĩnh viễn.
#2
Sự trở lại của nghệ sỹ múa bài bông cuối cùng
Múa bài bông là một điệu múa sang trọng và độc đáo của nghệ thuật ca trù. Tác giả Đỗ Bằng Đoàn – Đỗ Trọng Huề trong cuốn Việt Nam ca trù biên khảo khẳng định điệu múa được dùng trong những dịp đại lễ, thường được dùng vào việc tế thần, đào kép phải luyện tập công phu, tốn phí rất nhiều. Theo nhà nghiên cứu trẻ Trần Ngọc Linh, chỉ có giáo phường nào lớn mạnh hay được đi hát thờ ở mỗi dịp tế lễ ở đình, ở dinh quan, hay vào kinh hát chầu ngự vua mới có được một đội múa Bài Bông. Sau một thời gian tìm hiểu tại những địa phương nơi điệu múa bài bông tồn tại (Huế, Thanh Hóa, Nam Định, Hà Tây, Hà Nội), Trần Ngọc Linh cho biết chỉ còn lại một nghệ sỹ ca trù am hiểu tường tận và có thể biểu diễn lại điệu múa này theo đúng tính chất sang trọng, gần với múa bài bông từng được diễn trong chốn cung đình xưa kia, đó chính là NSƯT Phó Kim Đức.
NSƯT Kim Đức là con gái quản ca Phó Đình Ổn của giáo phường ca trù Khâm Thiên nức tiếng Hà Nội đầu thế kỷ 20. Kim Đức bắt đầu học hát từ năm bảy tuổi, đến năm 13 tuổi bắt đầu được ra nghề. Năm 1945, khi đào nương Kim Đức mới 15 tuổi, giáo phường Khâm Thiên dựng điệu múa bài bông tham buổi diễn quyên tiền cứu đói của giới nghệ sỹ Hà Nội tại nhà hát Lớn, và đó cũng lần cuối cùng bà biểu diễn điệu múa này. Thời chiến tranh loạn lạc , ca trù không còn đất sống, Kim Đức phải vất vả tìm nghề mưu sinh..Năm 1960, bà được nhận vào làm việc tại Đài Tiếng nói Việt Nam, trở thành nghệ sỹ có giọng ngâm thơ và hát chèo quyến rũ được nhiều người nghe đài ái mộ. Dù vậy, ít ai biết NSƯT Kim Đức có gốc gác ca trù cha truyền con nối. Vốn tính kín đáo, lại không có điều kiện phát huy vốn liếng ca trù, bà chưa muốn bộc lộ khả năng của mình.
Sau khi về hưu (năm 1986), NSƯT Kim Đức trở lại với ca trù,dành nhiều thời gian nghiền ngẫm tư liệu, nhưng tính bà không thích khoa trương, lại thẳng thắn, bà từ chối mọi lời mời giảng dạy và biểu diễn “cấp tốc” vì cho rằng việc học ca trù cần nhất cái tâm sáng và sự kiên trì khổ luyện từ đầu chí cuối, không lướt nhanh, học ẩu. Nghệ sỹ Kim Đức ít khi xuất hiện tại những nơi ồn ào, song vẫn theo sát mọi hoạt động liên quan đến ca trù. Để khỏi thất truyền, bà chỉ nhận dạy một vài học trò. Sáu bảy năm gầy đây, bà thường nói với học trò: “Ca trù còn có điệu múa bài bông hay lắm, mà không có điều kiện để dựng lại…”
Một năm trước, nhóm ca trù Tràng An của NSƯT Kim Đức và các học trò ra đời, trở thành một địa chỉ sinh hoạt thanh lịch và tinh tế dành cho người thực sự yêu thích ca trù. Một người tham gia sinh hoạt trong nhóm ca trù Tràng An là nhà văn, nhà nghiên cứu trẻ Trần Ngọc Linh đã nghe nghệ sỹ Kim Đức kể về điệu múa bài bông. Thật tình cờ, khi Ngọc Linh đến viết bài về khu di tích Yên Tử, đại đức Thích Thanh Quyết trụ trì các chùa thuộc khu di tích Yên Tử đã bộc lộ với anh ý định tổ chức một đội nhạc lễ cho nhà chùa, Ngọc Linh bèn giới thiệu với Đại đức về điệu múa bài bông. Đại đức lập tức mời NSƯT Kim Đức phục dựng lại điệu múa cho kịp ra mắt vào dịp khai hội xuân Yên Tử 2008. Cơ hội lưu giữ điệu múa xưa đã tới, nghệ sỹ Kim Đức đã bước sang tuổi 77 cùng với các học trò bắt tay vào việc.
#3
Phục lại vốn cổ
Cùng nhau, thầy trò đã vượt qua nhiều khó khăn trong công việc. Khó khăn đầu tiên là tìm vũ công. Vũ công xưa tuổi tầm 12, 13, vừa biết hát vừa biết múa.Ngày nay, người yêu ca trù còn hiếm, huống gì người ở lứa tuổi thiếu nữ. Nhờ vả, thuyết phục mãi, nghệ sỹ Kim Đức,các học trò và nhà chùa (khu di tích Yên Tử) mới vận động được hơn 20 người, đa số là học sinh, sinh viên, là con cháu trong họ hàng, hiểu biết rất ít về ca trù. Múa bài bông tuy đơn giản về động tác, nhưng người múa phải thuộc lời hát để khớp đúng động tác với từng câu hát, rất khác so với múa thông thường khi vũ công chỉ cần nghe nhạc là có thể múa được. Lời bài hát xưa được viết bằng tiếng Hán, rất khó học thuộc, nhưng rồi dần dần, giá trị của điệu múa đã chinh phục được các bạn trẻ. Trương Thúy Mai, sinh viên năm thứ tư khoa Quản lý văn hóa chuyên ngành Múa, Đại học Văn Hóa Hà Nội, một thành viên của đội múa, đã chọn múa bài bông làm đề tài cho khóa luận tốt nghiệp, kể:
“Một, hai buổi đầu học múa, em thấy động tác đơn giản, dễ học, nhưng cứ nghĩ đến lời hát là…chán. Chúng em phải học thuộc lời hát bằng tiếng Hán mà không hiểu gì cả. Nhưng rồi, trong khi học, bà Đức (NSƯT Kim Đức – PV), chị Dương (học trò của NSƯT Kim Đức -PV), anh Linh (Trần Ngọc Linh) giải thích về nguồn gốc điệu múa cho bọn em, bọn em hiểu hơn và hứng thú hơn. Khi đội múa nhận được sự quan tâm của phóng viên, em mới thực sự nhận biết được giá trị của múa bài bông. Thêm vào đó, được học múa trong không gian linh thiêng của nhà chùa, được nghe các vị sư giảng giải về cuộc sống, em thấy mình sống tốt hơn. Lần biểu diễn vừa rồi ở Yên Tử trong lễ giỗ vua Trần Nhân Tông, em có cảm xúc rất khác lạ, một niềm tự hào dâng lên tràn ngập trong lòng, không phải ai cũng may mắn được tham gia vào việc giữ gìn điệu múa như em”.
Việc phục dựng múa bài bông không chỉ cần đúng động tác, thuộc lời hát, mà còn phải đúng về trang phục. May trang phục là cả một quá trình gian nan. NSƯT Kim Đức rất kỹ tính, bà và các học trò tìm đến một nhà thiết kế ở Hà Nội đặt may trang phục, hướng dẫn cách thêu, cách đính từng chi tiết trang trí trên áo, trên mũ. Áo biểu diễn gồm hai lớp, lớp trong là bộ áo dài trắng, lớp ngoài gọi là áo nậu, không tay, có đường nẹp áo, chân tà áo kết chân chỉ hạt bột. Mũ bài bông thêu hình rồng bay, gắn quả bông phía trước, một hàng cườm vòng quanh trán, chụp tóc bằng vải thêu được ghim lại bằng trâm cài. Với chừng ấy chi tiết cầu kỳ, các thợ may đã phải làm đi làm lại. Tổng cộng hơn bốn mươi bộ trang phục qua hai lần may đã phải bỏ đi vì không được NSƯT Kim Đức “duyệt”. Đến lần thứ ba, bà mới tạm hài lòng. Những chiếc mũ cũng vậy, phải làm đi làm lại, cả đội múa được huy động để chỉnh sửa từng chi tiết trang trí cho sắc sảo, tinh tế. Những chiếc chụp tóc cũng phải làm lại toàn bộ vì bị sai lệch vỏn vẹn…2cm so với yêu cầu của NSƯT Kim Đức.
Để tập trung được đội múa trong giờ luyện tập (thường vào buổi tối để tránh giờ đi học, đi làm), một số thành viên trong đội phải lặn lội từ Yên Tử (cách Hà Nội hơn 100 km) phải đi xe đò lên Hà Nội từ chiều, tối tập và ngủ lại, sáng sớm hôm sau quay về Yên Tử. Cứ như thế, hai đến ba buổi tập mỗi tuần, mỗi buổi từ 7g30 tối đến 10g30, thậm chí 11g đêm mới nghỉ trong hơn bốn tháng, điệu múa mới được đem ra mắt.
Đêm giỗ Trần Nhân Tông, sau khi điệu múa kết thúc, NSƯT Kim Đức nhận được rất nhiều lời cảm ơn của người xem. Đến lượt bà, bà cũng muốn cảm ơn một người. Ngồi đối diện với đại đức Thích Thanh Quyết bên ấm trà tỏa hương ngào ngạt, NSƯT Kim Đức nói: “Cảm ơn Thầy, không có Thầy thì không thể có ngày hôm nay. Tôi không ngờ rằng sẽ có lúc múa bài bông được dựng lại. Được như thế này đã là quá sức tưởng tượng của tôi”.
Đại đức Thích Thanh Quyết nói: Điệu múa hội ngộ giữa tinh thần Việt Nam gắn liền với văn hóa Phật giáo, hòa nhập với sự phát triển của thiền phái Trúc Lâm. Bởi vậy, chúng tôi đã quyết định bảo tồn ngay lập tức. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ động viên các phật tử học múa để lưu giữ lại, sau đó, mong rằng các cơ quan, đơn vị nghệ thuật nhà nước sẽ tham gia bảo tồn cùng với chúng tôi. Trước mắt, vì bài múa đi liền với sự phát triển của nhà Trần, chúng tôi sẽ sử dụng vào các dịp lễ mừng lớn nhất của Yên Tử”. Theo kế hoạch, Múa bài bông sẽ tái xuất chính thức vào lễ khai hội Yên Tử mùa xuân năm 2008.
#4
#5
#6
#7
#8
#9
#10
#11
Box: Gốc tích điệu múa 700 năm tuổi:
Múa bài bông được cho là có nguồn gốc từ thời nhà Trần. Theo nhà nghiên cứu trẻ Trần Ngọc Linh, có một số cách giải thích về sự ra đời của điệu múa. Tương truyền rằng điệu múa Bài Bông do Trần Quang Khải dựng ra để ca múa trong ngày lễ Thái Bình diên yến do vua Trần Nhân Tông tổ chức sau khi đánh thắng quân Nguyên – Mông lần thứ 3. Trong sách Tuyển tập thơ Ca trù, nhà thơ, nhà nghiên cứu Ngô Linh Ngọc viết rằng: Múa Bài Bông do Chiêu Văn Vương Trần N:hật Duật dựng nên. Trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên – Mông xâm lược lần thứ 2, nhà Trần bắt được con hát Tuồng tên là Lý Nguyên Cát trong đám loạn quân của Toa Đô, sau đó Lý Nguyên Cát tự nguyện xin ở lại và dạy hát Tuồng, trong đó có vở Vương mẫu hiến đào được các con em vương hầu tranh nhau học. Múa bài bông có giai điệu ảnh hưởng nhạc Tuồng mang ý chúc thọ với động tác thể hiện cảnh hiến đào, dâng tửu.Vậy mới có căn cứ để nói rằng múa bài bông có tuổi đời đã 700 năm.
Bài: UYÊN LY
Ảnh: NA SƠN
Báo Tuổi Trẻ Xuân Mậu Tý