Đến Campuchia, dễ dàng bắt gặp những thiếu nữ xinh đẹp múa điệu apsara bên các ngôi đền cổ, bên các dòng sông hay cung điện tráng lệ. Người dân Campuchia đã có truyền thống múa apsara lâu đời, mà nổi bật vào thế kỷ XII, thời vua Jayavarman VII có tới 3.000 vũ nữ apsara.
Tháng 12-1995, điệu múa đã được thế giới ghi nhận tại quần thể đền Angko, như một biểu tượng của tình yêu và hòa bình.
Theo truyện kể dân gian, apsara là các nàng tiên mây và nước. Khi các nàng đùa giỡn, ca múa, cỏ cây, muông thú sinh sôi, nảy nở, vì vậy người dân Campuchia đã tôn apsara là Nữ thần Thịnh vượng. Những nàng tiên đẹp nhất là Uvasi, Menaka, Ramba và Tilotama thường xuất hiện trong nhiều tác phẩm thơ, nhạc, họa Campuchia. Các nàng cũng là chủ của những cung cấm và chuyên múa hát phục vụ các nam thần trong những buổi tiệc mừng chiến thắng ma quỷ. Mỗi lần, có tới 26 nàng cùng múa hát.
Học theo động tác múa huyền bí của tiên nữ, người dân Campuchia đã sáng tạo nên điệu múa tiên nữ apsara biểu diễn vào những ngày lễ ca ngợi công đức của các vị thần và Hoàng gia. Điệu múa trong nhiều thế kỷ đã trở thành điệu múa cung đình, và rồi thành điệu múa quen thuộc của các thanh nữ trong những dịp lễ tết, hội hè và cưới hỏi, là điệu múa cổ điển, êm ái nổi tiếng về sự thanh nhã, cao quý, với các tư thế, cử chỉ hiền dịu. Apsara đến nay là tài sản, linh hồn quốc gia Campuchia. Người có công lớn bảo tồn và phát triển apsara là Công chúa Buppha Devi. Bà đã múa từ khi 8 tuổi trong Hoàng cung, và đã mang điệu múa Tiên nữ trắng giới thiệu khắp thế giới.
Ra đời từ cách đây ít nhất 2.000 năm, những hình ảnh đầu tiên của điệu múa còn thấy trên nhiều phù điêu trang trí ở các ngôi đền cổ kính nhất Campuchia, như quần thể đền Angko – di sản văn hóa thế giới được xây dựng khoảng thế kỷ thứ VIII, đỉnh cao của Vương triều Angko, sánh ngang với Kim Tự Tháp (Ai Cập), trên những tường thành và hào dài từ trăm mét đến hàng nghìn mét của đền cũng như nhiều công trình tôn giáo khắp cả nước.
Các tư thế, đường cong của cánh tay, thân thể vũ nữ, cũng như vũ phục bằng vàng, bạc, châu ngọc, hoa lá trong điệu múa đều được phát sinh từ các hình vẽ trong những ngôi đền cổ, miêu tả sử thi Ấn Độ Ramayana hoặc là cuộc chiến giành lấy bình cam lộ giữa quỷ và thần gồm 100 tiết điệu gợi cảm, ý nghĩa. Qua điệu múa, người dân Campuchia muốn nói lên ước mong về một cuộc sống thanh bình, thịnh vượng, ca ngợi vẻ đẹp của thiên nhiên đất nước, thần thánh và công đức của người xưa. Ngoài ra là những câu chuyện xúc động về sinh, bệnh, lão, tử… bốn giai đoạn cuộc đời phải trải qua, để thế hệ sau đượcthấu hiểu, chiêm nghiệm và gìn giữ những giá trị văn hóa, tinh thần to lớn của dân tộc.
Mỗi năm, nhờ Hoàng gia bảo trợ, các nghệ sĩ apsara lưu diễn khắp nơi. Nhằm duy trì và phát triển điệu múa cổ truyền, đều đặn có các đoàn nghệ thuật đến từng trường học cơ sở tuyển các em gái nhỏ, đặc biệt là các em mồ côi hoặc nhà nghèo học múa. Các em 8 – 9 tuổi đã được học múa và luyện tập ở trường, ở cung điện, tập nhiều tư thế hấp dẫn, nhất là múa với đôi bàn tay mềm dẻo kỳ lạ, ngón tay có thể gập ra sau sát với cổ tay, đôi chân có thể đá cao, gối có thể vắt ra sau lưng. Vào mỗi buổi chiều, các thiếu nữ lại ra múa hát, vui chơi ở các đền đài trước những phù điêu apsara, lôi cuốn rất nhiều du khách chiêm ngưỡng.
Hiện nay, ngoài phục vụ cung đình, có đến 300 vũ nữ apsara biểu diễn ở các khách sạn, nhà nghỉ và nhà hát Chatomuk gần Hoàng cung, trong tiếng nhạc rộn ràng với trang phục rực rỡ, duyên dáng.