Mọi người đọc xong cái tít trên thì đừng giật mình. Em Linh Nga hiến mình cho “Vũ”, ấy là cho nghệ thuật múa mà em và gia đình em ấy tôn thờ bấy lâu nay, chứ không phải cho anh nào có tên như vậy hết.
Quả thực là tôi không định đi xem chương trình này, bởi lâu nay múa may của nước mình chán quá. Nhưng một đồng nghiệp kiên quyết dúi vé vào tay và bắt phải đi xem. “Chắc chắn là ông sẽ thích” – chị quả quyết như vậy. Tôi đành chậc lưỡi đồng ý.
Lúc nhận được vé thì thấy chỗ ngồi trên tận tầng 3 Nhà hát Lớn Hà Nội, cao vòi vọi, xa tít tắp. Bèn gọi điện lại cho đồng nghiệp để phàn nàn. Chị nói: “Ông yên tâm, có mấy hàng đầu tiên ở tầng 1 là vé mời. Dân mình thà bỏ tiền triệu ra mua vé, chứ nhất định không chịu đi vé mời. Cho nên thể nào tầng 1 cũng còn nhiều chỗ trống, nhảy vào đó mà ngồi”.
Nhưng sự tình lại không đúng như vậy. Tôi đến đúng lúc mở màn, tiến thẳng vào tầng 1. Nhưng than ôi, toàn bộ tầng 1 đã chật cứng người. Chuyện tương tự chỉ thấy trong các chương trình đỉnh như “Những ngày văn hóa Nga tại Việt Nam” hay cây độc tấu dương cầm trẻ Trung Quốc Liang Liang biểu diễn. Đành lên tầng 3 và cũng không được ngồi chính diện sân khấu.
Và đây, Linh Nga múa. Những màn đầu chưa thấy thuyết phục lắm, nhất là cái “Phật Bà nghìn mắt nghìn tay” của Trung Quốc. Các cô gái khiếm thính của Trung Quốc đã trình diễn cái này siêu quá rồi. Cả “Thập diện mai phục” cũng thế. Có thể Chương Tử Di (và các nghệ sĩ múa thế cho cô trong phim này) cũng chỉ giỏi cỡ Linh Nga là cùng, nhưng mà ngôn ngữ điện ảnh của Trương Nghệ Mưu đã làm cho họ trở nên khó quên. Thế nên điệu múa “Thập diện mai phục” tại Nhà hát Lớn Hà Nội đêm 17.1 lại là nơi phô diễn của hai nam vũ công Trung Quốc là Lục Đông và Lục Hiểu Minh, chứ không phải của Linh Nga.
Cô thực sự hiện ra với tư cách là vũ công đẳng cấp trong điệu múa “Ngắm mình dưới trăng”. Trên nền một mặt trăng khổng lồ hiển thị trên phông hậu của sân khấu, Linh Nga đã bộc lộ một bản ngã và triết lý múa sâu sắc. Điệu múa đó không thể thực hiện hoàn hảo đến như vậy, nếu như người múa không có một thời gian dài khổ luyện, không chỉ đổ mồ hôi sôi nước mắt, mà còn nhấn chìm mình trong cái thế giới mà múa được coi là đạo.
Tôi đặc biệt thích phần hai của chương trình với những điệu múa dựa trên chất liệu âm nhạc dân gian và dân vũ của Việt Nam. Linh Nga biến hóa tài tình trong “Đào Liễu”, mạnh mẽ, phóng khoáng và gợi cảm trong “Cầu mưa”. Mỗi tác phẩm đều được xử lý thành một vở kịch với cao trào đầy kịch tích, khiến Linh Nga không những bộc lộ được hết những kỹ thuật múa rất khó, mà còn chứng mình được mình là một nghệ sĩ diễn xuất thực thụ với gương mặt biểu cảm của một ngôi sao điện ảnh.
Toàn bộ chương trình được thực hiện trên nền nhạc hay. Duy chỉ có điều đáng tiếc là hai video clip “tư liệu” ở phần hai hơi dài.
Màn kết của Linh Nga cũng cho khán giả thấy một thứ văn hóa khác. Cũng là cảm ơn cha mẹ, người thân đấy, nhưng cái cách mà cô làm khiến cho người ta xúc động và tin rằng đó là những tình cảm chân thật, chứ không phải một sự trình diễn.
Tôi có may mắn đã được xem đôi ba chương trình độc diễn của những nghệ sĩ múa hàng đầu thế giới. Cuối chương trình họ ngập chìm trong hoa và tiếng vỗ tay không dứt của khán giả. Linh Nga cũng ngập chìm trong tiếng vỗ tay, nhưng cô lại mải miết đi tặng hoa cho những bạn đồng nghiệp đã đóng góp công sức làm nên live show đầu tiên của cô. Đó cũng là một nét đẹp văn hóa mà không phải nghệ sĩ (thậm chí nghệ sĩ lớn) cũng ý thức và làm được.
Sao nhỉ? Linh Nga, một cô gái trẻ 25 tuổi, xa cha mẹ từ năm 12 tuổi để học nghề đằng đẵng 10 năm ở xứ người. Nay cô trở lại và chứng minh cho mọi người thấy rằng hoàn toàn có thể đưa múa trở thành bộ môn nghệ thuật có thể thu hút khán giả chật khán phòng.
Với những gì hiện có, với tố chất và bản ngã nghệ sĩ cùng tài năng được khổ luyện, chắc chắn Linh Nga sẽ trở thành một trong những nghệ sĩ đương đại lớn của Việt Nam.