Home / Nghệ Sĩ / Vũ kịch Kẹp hạt dẻ trở lại

Vũ kịch Kẹp hạt dẻ trở lại

Cùng với “Hồ thiên nga” và “Người đẹp ngủ trong rừng”, “Kẹp hạt dẻ” của Tchaikovsky – một trong những nhà soạn nhạc tiêu biểu nhất của thời kỳ âm nhạc lãng mạn – nằm trong số các tác phẩm âm nhạc cho ballet nổi tiếng nhất của Nga và của nền nghệ thuật ballet thế giới. Trong suốt hơn nửa thế kỷ qua, câu chuyện “Kẹp hạt dẻ và vua chuột” của nhà văn E.T.A. Hoffmann với phần âm nhạc của Tchaikovsky đã có rất nhiều phiên bản biên đạo múa khác nhau, trong đó có phiên bản của Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ kịch TP.HCM (HBSO).

“Kẹp hạt dẻ” thường được khắp nơi trên thế giới trình diễn vào dịp giáng sinh bởi màu sắc cổ tích, lung linh, cuốn hút và kịch tính
Giống như kết thúc có hậu của chính vở ballet, mỗi lần “Kẹp hạt dẻ” tái diễn lại đánh dấu một sức sống mới của HBSO. Lần đầu tiên trình diễn với khán giả thành phố, vở diễn chỉ gói gọn trong vài trích đoạn, trình diễn trong khuôn khổ một liên hoan âm nhạc cổ điển, rồi thành một vở diễn hoàn chỉnh với phần âm nhạc thu sẵn. Và lần này là trình tấu trực tiếp phần âm nhạc.

Nhân dịp này, Nhạc trưởng Trần Vương Thạch – Giám đốc HBSO có cuộc trao đổi với VietNamNet– Ông suy nghĩ thế nào về những lần tái xuất của “Kẹp hạt dẻ”?

Ballet cổ điển là loại hình đòi hỏi cao nhất về trình độ chuyên môn và những chuẩn mực cao nhất trong biên đạo, dàn dựng và tổ chức. Môn nghệ thuật đã hình thành và phát triển tại Châu Âu hơn 500 năm. Vở ballet “Kẹp hạt dẻ” là một trong những tác phẩm kinh điển và nổi tiếng nhất thế giới. Biểu diễn trọn vẹn những tác phẩm lớn như “Kẹp hạt dẻ” là mong muốn và cũng là mục tiêu của Nhà hát.

Thời gian đầu, Nhà hát dàn dựng và biểu diễn một số trích đoạn hay từ vở vũ kịch. Năm 2011, chúng tôi đã mời được nhà biên đạo khá nổi tiếng người Na Uy Johanne Jakhelln Constant dàn dựng toàn bộ vở vũ kịch, chương trình biểu diễn trên nền nhạc của vở kịch đã được thu âm nhưng đã mang lại thành công rất lớn, thu hút được sự quan tâm của đông đảo khán giả. Năm nay, chúng tôi tiếp tục đầu tư để thực hiện biểu diễn với phần âm nhạc do dàn nhạc giao hưởng và hợp xướng của Nhà hát biểu diễn, mang đến khán giả một chương trình vũ kịch hoàn chỉnh với sự sống động và xúc cảm mạnh nhất.

NSƯT Trần Vương Thạch
Tuy mới hoạt động biểu diễn gần 20 năm nhưng Nhà hát luôn mở rộng hợp tác và tổ chức biểu diễn toàn bộ vở ballet “Kẹp hạt dẻ” là môt nỗ lực rất lớn, một bước khẳng định được nội lực và vị thế của Nhà hát trong lĩnh vực hoạt động. Để thực hiện được chương trình, Nhà hát cũng nhận được hỗ trợ rất nhiều từ các cá nhân và tổ chức khác nhau, đặc biệt là Bộ ngoại giao Na Uy, Đại sứ quán Na Uy, tổ chức MIC, đảo Kim Cương, các cơ quan, ban, ngành liên quan trong nhiều năm qua.

– Số lượng nhân viên, diễn viên, nhạc công… cho toàn bộ vở diễn là bao nhiêu? Với số lượng yêu cầu như vậy, nhân lực của nhà hát là không đủ và phải cần sự trợ giúp từ các nghệ sĩ quốc tế?

Để thực hiện một chương trình biểu diễn Vũ kịch “Kẹp hạt dẻ” cần một dàn nhạc giao hưởng khoảng 60 nghệ sĩ, dàn hợp xướng 20 nghệ sĩ, khoảng 30 nghệ sĩ múa và một bộ máy tổ chức khoảng 20 người. Như vậy cần đến khoảng 130 người với khả năng chuyên môn tốt trong lĩnh vực của mình cho một chương trình biểu diễn nghệ thuật đỉnh cao như thế này.

Về số lượng không phải vấn đề lớn, sự tham gia của các nghệ sĩ quốc tế nhằm tăng cường nhiều hơn nữa chất lượng nghệ thuật cho chương trình biểu diễn, mang lại giá trị thưởng thức cao cho công chúng. Phần biên đạo chính là một yếu tố rất quan trọng cho sự thành công của vở diễn. Là người biên đạo, bà J.Jacklen hiểu rõ những mặt mạnh yếu của từng diễn viên chúng ta và từ đó bà đã dàn dựng nên một phiên bản rất phù hợp và phát huy được hết những năng lực của nghệ sĩ múa Việt Nam.

Vở diễn cần khoảng 130 người với khả năng chuyên môn tốt trong lĩnh vực của họ.
– Nhìn trên bước tiến của Kẹp hạt dẻ, HBSO hiện đã có thể dàn dựng được một vở vũ kịch hoàn toàn toàn bằng nội lực của mình?

Bằng nội lực của mình, chúng tôi đã dàn dựng những vở vũ kịch: “Carmen”, các trích đoạn của “Hồ thiên nga”, … các vở vũ kịch Việt Nam như “Ngọc trai đỏ”, “Chuyện tình non sông”… Về thực chất, nội lực của một nhà hát nằm ở chính đội ngũ nghệ sĩ, diễn viên trên sân khấu và năng lực tổ chức thực hiện chuyên nghiệp.

Trong chương trình “Kẹp hạt dẻ” lần này toàn bộ các nghệ sĩ múa là nghệ sĩ của Nhà hát. Dàn nhạc giao hưởng có thêm một số nghệ sĩ khách mời quốc tế, vừa nhằm nâng cao chất lượng biểu diễn vừa nằm trong mục đích giao lưu, tiếp cận để nâng cao trình độ cho các nghệ sĩ của Nhà hát. Như vậy, để thực hiện biểu diễn một vở vũ kịch hoàn toàn bằng nội lực là điều trong tầm tay HBSO.

Chương trình vừa có bán vé vừa có tài trợ. Phải có cả hai nguồn này thì chương trình mới có thể xuất hiện được?

Để tổ chức biểu diễn được một trong những tác phẩm lớn nhất trong nghệ thuật ballet như “Kẹp hạt dẻ” cần đầu tư kinh phí rất lớn cho tổ chức, mời nghệ sĩ … Nguồn thu từ bán vé cũng góp phần quan trọng bù đắp cho kinh phí thực hiện chương trình.

Vở ballet “Kẹp hạt dẻ” là câu chuyện xảy ra vào đêm giáng sinh ở gia đình Silberhaus, nơi mọi người cùng tụ họp để trang hoàng cho bữa tiệc và tặng quà cho nhau. Cô bé Clara, con gái của chủ nhà mê mẩn vì món đồ chơi là chiếc kẹp hạt dẻ bằng gỗ do người cha đỡ đầu Drosselmeyer tặng. Câu chuyện bắt đầu đan xen giữa hư và thực khi Clara mang theo chiếc kẹp vào trong giấc ngủ, nơi lũ chuột cùng vua của chúng xuất hiện chiến đấu với những món đồ chơi khác của cô bé và chiếc kẹp hạt dẻ hóa thành chàng hoàng tử giúp sức Clara đánh thắng lũ chuột.

Minh Chánh

Check Also

Nhảy múa cùng Lois Greenfield

Trong các loại hình nghệ thuật của thế giới thì múa là một nghệ thuật …