19/7 là ngày sinh của nữ diễn viên ba lê Nga lừng danh Natalia Bessmertnova. Bessmertnova sinh ra ở Matxcơva năm 1941 và theo học Trường Múa Matxcơva trong những năm 1953 -1961. Thời gian đó Natalia Bessmertnova đã từng học với các giáo viên Maria Kozhukhova, Sofia Golovkina, và muộn hơn là Marina Semyonova. Vào năm 1961 Natalia Bessmertnova trở thành diễn viên múa ba lê của Nhà hát Lớn.
Những đường nét hơi kéo dài của cơ thể, mái tóc đen buộc lại đơn giản, khuôn mặt trái xoan chuẩn mực, những động tác nhảy ba lê cao và rất nhẹ nhàng… Nhưng đó không phải là những gì khiến khán giả kinh ngạc nhất. Nghệ thuật tạo hình mới lạ – đó là điều mà tất cả các khán giả và nhà phê bình đều nhận thấy khi xem “Giselle” (nhạc sĩ A.Adan) và “Ivan Lôi đế” (nhạc sĩ S.S.Prokofiev), “Spartacus” (nhạc sĩ A.Khachaturian) và “Angara” (nhạc sĩ A.A.Eshpai), “Thế kỷ vàng” (nhạc sĩ D.D.Shostakovich) và “Raymonda” (nhạc sĩ A.Glazunov)… Có lẽ, điều quan trọng nhất là Bessmertnova không chỉ trữ tình, bi thảm đến nhói tim cả những khán giả điềm tĩnh nhất, mà còn rất táo bạo. Rất dũng cảm và quyết đoán – trên sân khấu. Và luôn luôn không một khiếm khuyết.
Cùng M.Lavrovsky trong “Hồ thiên nga”
Natalia Bessmertnova có một sự nghiệp nghệ thuật hạnh phúc: trên sân khấu Nhà hát Lớn nữ diễn viên đã đóng rất nhiều vai chính trong di sản ba lê cổ điển – “Giselle” (nhạc sĩ A.Adan), “Hồ thiên nga”, “Chàng cắn hồ đào”, “Người đẹp ngủ trong rừng” (nhạc sĩ P.I.Tchaikovsky), “Raymonda” (nhạc sĩ A.Glazunov), “Don Quixote” (nhạc sĩ L.Minkus). Là vợ và nàng thơ của Yuri Grigorovich, Bessmertnova đóng vai chính trong tất cả các vở ba lê do ông dàn dựng: Katerina trong “Bông hoa đá” (nhạc sĩ S.S.Prokofiev), Shirin trong “Truyền thuyết về tình yêu” (nhạc sĩ A.Melikov), Phrygia trong “Spartacus” (nhạc sĩ A.Khachaturian), Juliet trong “Romeo và Juliet” (nhạc sĩ S.S.Prokofiev), Anastasia trong “Ivan Lôi đế” (nhạc sĩ S.S.Prokofiev), Rita trong “Thế kỷ vàng” (nhạc sĩ D.D.Shostakovich). Bạn diễn của Bessmertnova là các vũ công hàng đầu của Nhà hát Lớn: Mikhail Lavrosky, Alexandr Lavreniuk, Yuri Bogatyrev, Yuri Vladimirov, Alexandr Godunov, Maris Liepa.
“Giselle”
Nhân kỷ niệm ngày sinh của Bessmertnova, kênh truyền hình “Kultura” thực hiện chương trình truyền hình “Các nữ nhân vật của Natalia Bessmertnova“. Mở đầu chương trình là khúc biến tấu từ vở ba lê “Giselle” – vở ba lê cổ điển yêu quý nhất của Bessmertnova. Những động tác nhảy nhẹ nhàng như bay trong không khí, động tác quay uyển chuyển, các tư thế duyên dáng, pas de bourree hết sức kỹ thuật và nhẹ nhàng… Sự chính xác của điệu múa kinh viện và chất thơ của hình tượng đã khiến cho tất cả những ai đã nhìn thấy Bessmertnova trong vai diễn đó phải nhớ mãi. Mikhail Lavrovsky, bạn diễn của Bessmertnova kể: “Tôi và Natasa quen nhau từ khi lên 10, từ lúc chúng tôi vào học ở Trường Múa Matxcơva. Ngay từ khi đó các thầy cô giáo đã nhận xét rằng Natasa có cá tính nổi bật. Natasa có cái gì đó như là một sự đứt gẫy, điều thường có ở những người được số phận lựa chọn, và đặc điểm ấy của Natasa đặc biệt thể hiện rõ trong hình tượng Giselle. Trong nghệ thuật ba lê, cô ấy có thể làm được tất cả: cả trữ tình lẫn bi kịch“.
Trên sàn tập “Ivan Lôi đế” cùng biên đạo múa Yuri Grigorovich
Mikhail Lavrosky gọi phong cách của Bessmertnova là impressionism – vũ điệu-ấn tượng: “Natalia Bessmertnova – một nữ diễn viên ba lê phi thường! Hiện nay nhiều nghệ sĩ ba lê có kỹ thuật múa rất tốt, và trên sân khấu dường như mọi cử động của họ đều đúng, chẳng chê được điều gì, nhưng … sự trình diễn của họ không cuốn hút được. Còn với Bessmertnova, mỗi vai đều trở thành một sự kiện rực rỡ khiến người ta phải nhớ. Vũ điệu của Bessmertnova như là lôi cuốn, mê hoặc khán giả, như ấn tượng mà các huyền thoại ba lê Pavlova, Spessivtzeva, Ulanova … đã để lại. Nếu như Natalia Bessmertnova sống vào thời của Petrarca, thì hẳn là các thi sĩ đã viết sonet về cô ấy“.
Nữ diễn viên ballet huyền thoại Nga Natalia Bessmertnova trong một buổi tập 04-04 2003, tại nhà hát Bolshoi-Moscow.
Bessmertnova đã đi vào lịch sử nghệ thuật Nga như một nghệ sĩ múa xuất sắc. Hoạt động nghệ thuật của bà đã gây ảnh hưởng đến nghệ thuật biểu diễn của nhiều nghệ sĩ trên toàn thế giới. Natalia Bessmertnova là người nhận Giải thưởng Lenin, Giải thưởng Quốc gia Liên Xô, giải thưởng Anna Pavlova của Viện Nghệ thuật Múa Paris và là người nhận nhiều giải thưởng quốc tế.
Natalia Bessmertnova qua đời ngày 19/2/2008 ở Matxcơva, thọ 67 tuổi sau một thời gian bệnh nặng.
Nguồn: http://nuocnga.net
Những khoảnh khắc đáng nhớ trong cuộc đời nghệ thuật của Natalia Bessmertnova (1941-2008)