Home / Nghệ Sĩ / NSND Vũ Việt Cường: Chân lý giản dị để hạnh phúc tràn đầy

NSND Vũ Việt Cường: Chân lý giản dị để hạnh phúc tràn đầy

Ngồi trò chuyện với ông, nhắc lại một thời gian khổ trong khói lửa của cuộc chiến đấu giải phóng miền Nam, đang vui ông bỗng quay ra rít thuốc liên tục, điều thuốc lá trên môi ông đỏ rực và khói thuốc toả ra kín cả một góc sân, ánh mắt ông đượm buồn nhìn sâu vào khoảng trống vắng… Ông đang nhớ về đồng đội, nhớ những người thầy, người anh, người chị, người bạn đã cùng ông trong Đoàn ca múa Giải phóng hành quân vào miền Nam năm 1965, nhưng nay có người còn, có người mất, có người hy sinh ngay khi đất nước chưa hát vang bài ca thống nhất…

Nói về Múa, ông rất hồ hởi

Chàng trai trẻ thành Nam 15 tuổi suốt ngày say mê với trái bóng tròn trên sân cỏ ấy chưa một lần mơ ước để trở thành nghệ sĩ… Nhưng rồi một hôm, đang đá bóng thì thấy có đoàn về tuyển học sinh múa, thấy tò mò, chàng trai nhảy đại vào thi cho… vui. Ai dè thi thử lại trúng thật. Thế là anh nhập học khoá đầu tiên của trường múa Việt Nam năm 1959, lúc vào trường lại được thầy cô giáo là người Liên Xô (cũ) trực tiếp giảng dạy đó là cô Irina Brunak và thầy giáo Mustaiev, nên nghệ thuật múa cuốn hút anh ngay từ đầu, những bài múa phong cách cổ điển châu Âu do các thầy cô người Nga giảng dạy đã chiếm lĩnh tuyệt đối vị trí của “trái banh tròn” trong niềm say mê của chàng trai trẻ. Sau 4 năm học tập, khi tốt nghiệp anh ở lại trường phụ giảng và làm đội trưởng Đội kịch múa thể nghiệm (tiền thân của Nhà hát nhạc Vũ kịch Việt Nam hiện nay). Ngày ấy, có 3 vở bale về múa, đó là vở: “Xô Viết Nghệ Tĩnh” (của Kim Tế Hà chuyên gia Triều Tiên); “Tấm Cám” (chuyên gia Triều Tiên) và vở “Bả Khó” (của cố Giáo sư – NSND Thái Ly). Anh là vai chính trong vở “Bả Khó” vở Bale đầu tiên của Việt Nam và cũng là solit đầu tiên trong các vở múa…

Nhắc về đồng đội, ông trầm tư rít thuốc lá nhả khói mù mịt

Nghệ thuật múa trong anh đang bừng sáng cũng là lúc chiến trường miền Nam đang bước vào cuộc chiến đấu cam go, ác liệt. Giặc Mỹ thất bại nặng nề trong nhiều trận đánh đã điên cuồng leo thang đánh phá ra cả miền Bắc XHCN… Nhưng Đảng và Nhà nước ta đã chuẩn bị kĩ lưỡng cho công cuộc chiến đấu giải phóng miền Nam – Tất cả vì miền Nam thân yêu. Quân ta không chỉ tung vào chiến trường miền Nam các lực lượng chiến đấu chủ lực, mà còn tung vào miền Nam cả các lực lượng văn nghệ sĩ, báo chí, điện ảnh… để vừa phục vụ bộ đội ở chiến trường, vừa chuẩn bị sẵn sàng cho ngày vui đại thắng. Chàng trai trẻ thành Nam lúc này là nghệ sĩ múa Việt Cường có tên trong danh sách đoàn cán bộ văn nghệ sĩ tung vài chiến trường miền Nam (đi B). Tháng 11/965, tập trung tại Trường Tuyên giáo TƯ ở Cầu Giấy để lên đường đi B, đoàn có 22 người do nhạc sĩ Lưu Hữu Phước làm trưởng đoàn (nhạc sĩ Lưu Hữu Phước là một nhạc sĩ lớn, tác giả của những bản hùng ca, giải phóng; tác phẩm của ông luôn gắn với những sự kiện lịch sử trọng đại của dân tộc; Ông là Giáo sư, Viện sỹ, Nhà lý luận âm nhạc; giữ nhiều chức vụ quan trọng của ngành văn hóa đất nước). Trong đoàn vào chiến trường B ấy, riêng các nghệ sĩ múa gồm có 5 người, đó là: Nghệ sĩ Thái Ly (là một nghệ sĩ lớn, một trong những người đặt nền móng cho nghệ thuật múa Việt Nam, là Giáo sư, là NSND phong tặng đợt 1 năm 1984; là cá nhân duy nhất trong ngành múa được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật đợt 1 năm 1996); Nghệ sĩ múa Minh Nguyệt (sau này là Hiệu trưởng Trường múa Tp HCM); Nghệ sĩ Bích Thuỷ; Nghệ sĩ Tôn Thất Hồng Vân và Việt Cường…

Đầu năm 1966, đoàn vào đến Làng Ho (Km số O đường mòn Hồ Chí Minh 1959) ở Quảng Bình. Theo dọc dãy Trường Sơn đoàn hành quân 6 tháng liên tục thì vào đến Bình Long – Bình Phước, trên chặng đường gian khổ ấy đã có một số nghệ sĩ hy sinh như nhạc sĩ Hoàng Việt, nhạc sĩ Vĩnh Bảo, hoạ sĩ Núi… Riêng Việt Cường vào đến nơi cuối cùng là căn cứ “R” ở Bình Phước thì bị sốt sét ác tính rất nặng, nhà văn Nguyễn Quang Sáng và nghệ sĩ Thái Ly đã đưa Việt Cường vào trạm giao liên để điều trị. Nhìn học trò gầy quắt, xác xơ và lịm đi, nghệ sĩ Thái Ly đã lặng lẽ thay quần áo mới có đính kim tuyến cho Việt Cường – thầy đã tính đến chuyện để nếu có chết thì sau này sẽ tìm lại được dễ dàng vì áo quần áo có đính kim tuyến là của lính văn công… Khi Việt Cường tỉnh lại, thầy Thái Ly và anh em trong đoàn đã cho Việt Cường ngồi trên xe đạp và đẩy đi theo…

Ông rất vui vì có công lao đóng góp cho nghệ thuật múa

Trong khói thuốc mù mịt, nhớ lại thầy cô giáo, ông trầm xuống xúc động: “Các thầy cô giáo đối với tôi là ấn tượng sâu nặng nhất trong cuộc đời này. Các thầy, các cô như thầy Đoàn Long, Thái Ly, Hoàng Điệp, cô Sa Kim Đoá, Hồng Quỳ, Ngân Quý… Các thầy cô đều học ở Trung Quốc đến năm 1959 thì về nước và dạy khoá I. Thế hệ này các thầy cô không chỉ dạy học trò nghệ thuật mà còn dạy các học trò làm người, dạy sống phải biết yêu thương, biết hy sinh, biết sống vì đồng nghiệp… Nên thế hệ chúng tôi toả sáng khắp đất nước, góp phần làm nên nền văn công cách mạng của đất nước cho đến nay…”. Nhớ lại chặng đường hành quân vào Nam, ông tâm sự: “Thầy Thái Ly hành quân đến đâu thì lại tự sáng tác và tự múa phục vụ bộ đội đến đó, thầy múa không cần nhạc vì có nhạc đâu ra mà cần… Thầy rèn quân từ nếp ăn, nếp uống đến nếp ngủ, nghỉ, rèn cả những nếp sinh hoạt nhỏ nhất trong cuộc sống hàng ngày…”…

Sau khi hành quân vào đến miền Nam, năm 1969 đến 1972, Việt Cường được điều về khu vực đồng bằng sông Cửu Long mở trường Ca múa nhạc ở miền Tây trên rừng U Minh Thượng để đào tạo các học viên hạt nhân văn nghệ nòng cốt về sáng tác ca múa nhạc dân tộc… Thời kì này, trong anh ấp ủ và thai nghén nhiều đề tài để sau này anh cho ra đời những tác phẩm múa nổi tiếng, gặt hái nhiều Huy chương vàng, bạc trong các kì liên hoan, hội điễn. Đến cuối năm 1974, nhà thơ Tố Hữu vào Nam đưa cả đoàn ra Bắc biểu diễn, khi đó Việt Cường là phó trưởng đoàn kiêm Bí thư chi bộ, ra Bắc rồi sang Trung Quốc biểu diễn một tháng và tiếp tục sang Liên Xô (cũ) biểu diễn một tháng nữa… Đến năm 1975 đoàn lại hành quân vào Nam.

Vào năm 1968, sau một trận càn khốc liệt của địch, khoảng 8 giờ tối, anh em mở đài rađio thì rất tình cờ nghe tiếng nói trong trẻo chúc Tết của một cô gái đại diện cho lưu học sinh Việt Nam đang học ở Liên Xô gửi đến các chiến sĩ miền Nam qua sóng của đài phát thanh. Việt Cường nhớ mãi giọng nói ấy… Cho đến năm 1974 khi được trở ra miền Bắc, Việt Cường kể lại “ấn tượng” đẹp ấy và rất tình cờ lại gặp Kim Quy, cô gái chúc Tết năm nào. Lúc này Kim Qui đang là “ngôi sao” của Nhà hát nhạc Vũ kịch Việt Nam với vai chính trong các tác phẩm: “Giselle”; “Hồ Thiên nga”; “Vợ chồng A Phủ”… Thế là Việt Cường quyết tâm phải “tấn công”. Từ lúc làm quen, cho đến tỏ tình và đến “cưa đổ” rồi cưới chỉ vỏn vẹn có… 3 tháng.

Nói về đội ngũ biên đạo và nghệ sĩ múa ngày nay ông lại… im lặng rít thuốc

Đất nước thống nhất, năm 1976 kết hợp hai đoàn ca múa Nam và Bắc thành đoàn Bông Sen. Đến năm 1977 Việt Cường được điều ra Bắc học văn hóa, học ngoại ngữ để năm 1979 sang Liên Xô học tập. Sau 5 năm tu nghiệp ở Nga đến 1985 anh về nước vào thẳng Tp Hồ Chí Minh. Anh có công lao rất lớn từ việc bắt tay xây dựng Nhà hát giao hưởng Tp Hồ Chí Minh từ con số “O” tròn trĩnh cho đến một Nhà hát hoạt động lớn mạnh như ngày nay. Cuộc đời, sự nghiệp và cả tình yêu, hạnh phúc của Việt Cường đều có nét tương đồng giống nhau. Ông ghi nhớ và tạc sâu trong lòng những điều mà các thầy cô giáo đã dạy: “Sống phải biết yêu thương, biết hy sinh, biết sống vì đồng nghiệp…”. Rồi ông luôn coi những điều đó là chân lý để sống, để phấn đầu – một chân lý giản dị nhưng rất thanh cao. Chỉ sống và làm được bấy nhiêu thôi con người đã có thể hạnh phúc tràn đầy trong cuộc đời. Đến nay, với ông không chỉ có người vợ cũng là Nghệ sĩ nhân dân múa, mà ông còn có cậu “quí tử” đang rất trẻ nhưng đã là một nghệ sĩ đầy triển vọng – nghệ sĩ Việt Anh ở Nhà hát giao hưởng được bạn bè đồng nghiệp ở Tp Hồ Chí Minh đánh giá cao.

NSND Vũ Việt Cường, sinh năm 1944, Biên Đạo múa. Các tác phẩm tiêu biểu: “Mâm vàng Cửu Long” (Solo, 1991); “Bài ca chim G’rứ” (Solo, 1991); “Huyền thoại Gò Công” (Thơ múa, 1995); “Ngày ấy Sài gòn” (Thơ múa, 1995); “Ngọc Trai Đỏ” (Vũ kịch, 1998); “Lục Vân Tiên – Kiều Nguyệt Nga” (Vũ kịch, 2000); “Ánh Sáng và con đường” (Vũ kịch, 2000); “Sự ân hận muộn màng” (Vũ kịch, 2003); “Tiếng cồng vượt thác” (Ca cảnh, 2005); “Chuyện tình non sông” (Vũ kịch, 2006); Giải thưởng Quốc gia về Văn học Nghệ thuật và Nghệ sĩ Nhân Dân năm 2001.

Check Also

Nhảy múa cùng Lois Greenfield

Trong các loại hình nghệ thuật của thế giới thì múa là một nghệ thuật …