NSND Trần Bình nổi tiếng bởi nhiều mối tình với các giai nhân, nhiều giai thoại, kỳ tích. Có lần từ một người giàu, anh thành tay trắng đến mức quyết lao xuống sông Hồng tự tử. Anh từng là diễn viên múa nổi tiếng và cũng là ông bầu ca nhạc tạp kỹ đầu tiên ở Việt Nam.
25 năm Nhà hát ca múa nhạc nhẹ Việt Nam, cũng là chừng ấy thời gian Trần Bình giúp hàng trăm nghệ sỹ có được mức thu nhập cao trong thời bao cấp và cả trong thời tăng giá hiện tại. Anh luôn cười hiền: Tôi chỉ là chủ gánh hát, lấy đàn ca sáo nhị làm vui.
Nghề gánh hát
Nhắc tới anh là người ta nhớ đến một ông bầu làm gala ca nhạc tạp kỹ đầu tiên ở Hà Nội. Anh kể về những năm đó được không?
Trước khi ly dị Hồng- người vợ đầu tiên, tôi giàu lắm, có cả xe Con lợn 125 phân khối (xe Nhật, dáng giống Harley Davidson). Hà Nội bấy giờ chỉ có 2 chiếc là của tôi và anh Biên ở phố Hai Bà Trưng. Sau ly dị, tôi chẳng còn gì.
Rồi khi chia tay Ái Vân, tôi cũng trắng tay. Tôi vay tiền bạn bè, mở quán bar ở 22 Hai Bà Trưng, có cả múa bikini. Tình cờ, phát hiện anh T quản lý bar lấy trộm tiền của tôi. Nửa đêm 30 Tết năm 1990, tôi đến nhà T. Anh ta quỳ xuống lạy, nhưng không còn tiền để trả lại tôi.
Rời nhà T lúc tảng sáng mùng 1 Tết, tôi lao xe về nhà, bật hết đèn lên, gọi thằng Vũ (con chung với Ái Vân) dậy. Móc hết túi này túi kia, tôi đưa cho Vũ 5 ngàn đồng: “Năm mới đã đến, bố mừng tuổi con”. Thằng Vũ phần vì nhớ mẹ, phần trách tôi bỏ nó ở nhà cả ngày 30. Nó ném tiền vào mặt tôi.
Tôi bảo bà giúp việc: “Bác chọn đồ đi. Tất cả là của bác đấy”. Rồi chở con trai ra phố, phóng như điên lên cầu Chương Dương. Tôi đã vào số một rồi, trình độ lái xe phân khối lớn của tôi rất khá, nên chỉ vài động tác là có thể lao xe qua thành cầu xuống sông Hồng. Thằng Vũ đang nằm trên bình xăng, bỗng nhiên nó nhỏm dậy quay lại ôm bụng tôi: Bố ơi, con lạnh lắm. Bố con mình về nhà đi. Tôi dừng xe, nước mắt cứ thế tuôn như mưa.
Tôi lại vay tiền, được 6 triệu đồng. Cục Âm nhạc và Múa hỗ trợ 5 triệu nữa. Tôi vào Nam mang theo 11 triệu đồng, mời Ngọc Sơn với giá 120.000 đồng/đêm, mời Cẩm Vân, Ngọc Ánh, Thi Nga ra Hà Nội biểu diễn. Tôi đặt chỗ Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội 45 ngày đêm. Đêm đầu tiên, chỉ có 1/3 lượng khán giả đến, đêm thứ hai có một nửa khán phòng.
Tôi nghĩ: Chắc chết rồi, không thể đứng dậy nữa. Nhưng đêm thứ tư, khán giả đông bất ngờ. Thắng lớn. Tôi nâng giá Ngọc Sơn lên 200.000 đồng/đêm, mà vẫn lãi hơn 110 triệu đồng. Cứ 15 giờ hàng ngày tôi lại phóng xe đến cổng Cung Văn hóa ôm bọc tiền về, có lúc ra cửa hàng vàng cạnh đấy mua mấy chục cây. Vàng lúc đó 100.000 đồng/chỉ. Tôi đá phốc Con lợn 125, mua luôn xe 400 phân khối. Rồi kéo quân xuống Hải Phòng 7 ngày, vào Đà Nẵng 10 ngày. Ở Đà Nẵng tôi mua ô- tô luôn.
Hai lần cháy ô tô vì đi diễnNăm 2010 anh là chiến sỹ thi đua toàn quốc duy nhất của ngành, trước đó từng được trao Huân chương Lao động hạng Nhất. Trong 25 năm Nhà hát Nhạc nhẹ VN, NSND Trần Bình là người để lại dấu ấn sâu đậm nhất. Anh nhớ những gì về ngày ấy?
5 năm đầu nhà hát không có giám đốc. Từ đội trưởng đội múa, tôi lên làm phó giám đốc năm 1991, rồi quyền giám đốc năm 1994. “Cu” lâu nhất, vì chưa phải đảng viên. Ngày 14 – 4 tới, trong ngày kỷ niệm, sẽ có những gương mặt một thời của nhà hát như Quang Thọ, Ái Vân, Quang Huy, Thanh Lam, Mỹ Linh, Hồ Quỳnh Hương, Việt Hoàn. Mỗi lần tập chương trình, nghe những câu hát “tóc không còn xanh, da không còn hồng, môi không còn tươi”, tôi lại khóc thầm.
Từ rất sớm, anh đã có lối nghĩ và cách làm rất thị trường, khiến nghệ sỹ có một đời sống tốt hơn giữa thời bao cấp ảm đạm.
Từ năm 1979, tôi đã xin phép đoàn tổ chức đi diễn. Cứ chiều thứ sáu kéo xuống Hải Phòng đặt sân, bán vé. Tối thứ sáu diễn 2 suất, ngày thứ bảy diễn 5 suất, chủ nhật 6 suất. Tuần sau lại đi Quảng Ninh, 10 suất. Hồi đó diễn sướng thật. Vì đông khách.
“Tôi đã vào số một rồi, trình độ lái xe phân khối lớn của tôi rất khá, nên chỉ vài động tác là có thể lao xe qua thành cầu xuống sông Hồng. Thằng Vũ đang nằm trên bình xăng, bỗng nhiên nhỏm dậy quay lại ôm bụng tôi: “Bố ơi, con lạnh lắm. Bố con mình về nhà đi”. Tôi dừng xe, nước mắt cứ thế tuôn như mưa.“ |
Nói thế thôi cũng cực khổ lắm. Phải cử một người đi trước tiền trạm, đặt sân bãi, hội trường. Cả đoàn vào sau chia nhau bán vé, bảo vệ, dựng sân khấu. Chiếc xe cà tàng chở nghệ sỹ lẫn với loa đài, máy móc, nhạc cụ. Lối đi giữa xe dựng lên một bức tường thành toàn đạo cụ với âm ly, xăng dầu. Người ngồi hai bên không thể nhìn và nói chuyện với nhau suốt cuộc hành trình.
Hai lần cháy ô tô ở đèo Hải Vân và Đà Lạt. Xe yếu, lại leo đèo nhiều, đi số 1 nhiều quá, nên cháy từ máy. Vẫy ô tô đi nhờ thì chả xe nào dừng. Nhìn lại, hóa ra mặt mũi ai cũng đen thui nhem nhuốc như kẻ cướp ven đường. Sau đó, bảo Ái Vân và các diễn viên múa ra vẫy thì có xe dừng ngay.
Anh gặp Ái Vân như thế nào?
Ái Vân lúc đó là ca sỹ, về nhà hát năm 1979 sau khi tốt nghiệp Nhạc viện Hà Nội. Quang Thọ, Quang Huy cũng từ Nhạc viện về. Thực ra, từ năm 1971, khi có đài truyền hình, bọn tôi và Ái Vân thân nhau vì thường làm kịch ngắn cho đài. Sau đó, Ái Vân vào Nam, tham gia đoàn ca múa Bông Sen, kiêm phát thanh viên của đài phát thanh Giải Phóng.
Bẵng đi một thời gian không liên lạc mấy. 1976, Ái Vân ra học Nhạc viện Hà Nội rồi về nhà hát. (Trầm ngâm) Lẽ ra không được phép, vì 1978 tôi đã cưới vợ- chị Hồng, diễn viên, rất đẹp. Kể chuyện cũ chẳng sao cả. Nhưng còn vợ tôi hiện nay (vợ thứ ba-PV), còn những đứa con đang ở tuổi đi học và đứa bé gái 4 tuổi nữa. Để chúng đọc những bài báo kể chuyện quá khứ buồn của bố, không hay. Hãy cho phép tôi dành chuyện này cho dịp khác.
Vợ anh hiện tại cũng là dân múa phải không?
Trang cũng là diễn viên múa ở nhà hát, sau khi sinh con cho tôi, cô ấy ít diễn hơn, làm quản lý đội múa. Chúng tôi cách nhau bằng một thế hệ, nhưng có nhiều điểm chung về quan niệm xã hội, về nghệ thuật và cách nuôi dạy con cái ăn học.
Thế hệ sau như chúng tôi chưa từng được xem anh múa, chỉ nghe tiếng thôi. Hẳn múa mang lại cho anh nhiều huy hoàng lắm?
Tôi là nghệ sỹ múa hiếm hoi biểu diễn đến tận tuổi 45. Năm 1982, tôi đoạt huy chương vàng toàn quốc về múa ít người. Lúc đó tôi là múa chính, solist của nhà hát. Trước khi đi thi, nhà hát chọn ra 6 đôi, thi nội bộ để chọn ra 2 tiết mục dự thi, trong đó tôi là đứa vét đĩa, phải tự đi tìm lấy người múa cùng.
Tôi bé, chỉ hơn 1m60, trong khi những đôi kia lừng lững 1m75, 1m80 như tượng Hi Lạp. Hội đồng nghệ thuật và 200 người ngồi xem, cuối cùng họ bảo tôi diễn lại lần nữa rồi quyết định giao cho Trần Bình cả hai tiết mục.
Tôi thích múa bởi sự biểu cảm của nó dữ dội cháy bỏng. Chẳng được ai dạy múa đôi, tôi chỉ học qua băng đĩa. Hết giờ ở trường, tôi lại lên rạp xiếc tập thể lực thể hình. Gánh tạ. Nên khi múa, tôi có thể nhảy 200 cái trong khi mọi người nhảy 10- 15 cái là thở dốc.
Lúc ấy, trong số nghệ sỹ múa có 3 người to đùi nhất, là Quốc (con trai nghệ sỹ kịch nói Hoàng Uẩn) với vòng đùi 61cm, tôi và Bằng Thịnh (anh ruột ca sỹ Bằng Kiều) đều có vòng đùi 58,5cm. Bằng vòng eo của cô người mẫu Naomi Campbell.
Năm 1985, đoàn nghệ sỹ VN sang Nga biểu diễn. Tôi diễn tiết mục múa sạp, nhảy lên thật cao khi sạp đóng vào, và rơi xuống khi sạp mở ra. Trên không, hai chân và hai tay tôi xoạc thẳng ra tạo thành hai đường thẳng song song. Ôi trời, người ta vỗ tay thôi rồi. Bây giờ, nghệ sỹ múa nam không ai làm được.
Cảm ơn anh.
Doanh thu 20 tỷ đồng
Nhà hát chúng tôi luôn được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch giao khoán cao nhất. Khi các nhà hát được giao 200- 300 triệu đồng/năm, thì riêng chúng tôi là 1 tỷ. Khi họ 500 triệu thì nhà hát tôi 2 tỷ. Doanh số của tôi cứ lên theo cấp số nhân.
Thưởng tết cho anh em thấp nhất như bảo vệ cũng 9 triệu đồng. Năm nay, doanh thu sẽ từ 20 tỷ trở lên, 132 đơn vị nghệ thuật còn lại trong nước (không kể khối lực lượng vũ trang), ai làm được thế?
Chương trình Lối cũ ta về của nhạc sỹ Thanh Tùng tháng 4 này, tôi bán hết vé từ nhiều ngày trước. Chương trình Trịnh Công Sơn tháng 3 bán vé hết trước nửa tháng. 3 năm nay, Bộ thấy làm ăn tốt đẹp nên cắt bớt ngân sách, chỉ còn 4,2 tỷ đồng, trong khi các nhà hát và đơn vị khác được cấp 7 tỷ đồng trở lên.
Từ ngày 1- 1- 2012, Bộ dự kiến để Trần Bình tự trả lương cho nhân viên, nghệ sỹ thuộc nhà hát. Ai cũng biết rằng, đến một lúc nào đó, nhà nước không thể oằn lưng nuôi các nhà hát hàng trăm tỷ đồng mỗi năm mà hiệu quả xã hội không cao.
Trần Thanh