Trong quá trình phát triển nghệ thuật múa đương đại, đã có nhiều tác phẩm thành công, đó là những tác phẩm có sự tìm tòi sáng tạo mới với xuất phát điểm là lấy cảm hứng từ nghệ thuật truyền thống nhưng phù hợp với thị hiếu thẩm mỹ của người Việt đương đại.
NSND Hà Thế Dũng – Hiệu trưởng Trường Múa TP.HCM, Chủ tịch Hội nghệ sĩ Múa TP.HCM từng đến với múa rất ngẫu nhiên, cũng có thể là do cái số nó thế. Khi còn là cậu bé tình cờ thấy thông báo dán trên tường (trụ sở UBND tỉnh Hà Tây cũ) của trường Nghệ thuật Quân đội tuyển sinh, Dũng tặc lưỡi “thử xem sao”, thế rồi trúng tuyển. Vào nghề này cũng là động viên của ông bố (làm Phó Ty Công an Hà Tây): “Thằng này hay quậy, cho vào môi trường quân đội để họ rèn”.
Sau khi “rèn” 4 năm (1976 – 1984), tốt nghiệp Trung cấp múa Trường NTQĐ, anh tiếp tục được cử sang Trường Múa Việt Nam để nâng cao trình độ do giáo viên Liên Xô hướng dẫn. Lúc này, tài năng của Dũng được phát hiện, đó là vai diễn chính đầu tiên trong vở Spartacut.
Và cũng từ đó, trên sân khấu opera diễn viên solist Hà Thế Dũng, Kiều Ngân đã có mặt trong nhiều vở kịch múa: “Giselle”, “Hồ Thiên Nga”, “Faust”, “Kẹp hạt dẻ”, “Huyền thoại mẹ”, “Trương Chi”… rất được yêu mến và trở thành ngôi sao ballet của Việt Nam.
Từ năm 1987 – 1991, Hà Thế Dũng tiếp tục đi học ở Trường ĐH Văn hóa Leningrad (Nga). Về nước anh tiếp tục là diễn viên, rồi Trưởng Đoàn múa ballet của Nhà hát Nhạc Vũ kịch VN. Năm 2000 – 2003, Dũng tiếp tục sang Paris thực tập tại Trung tâm Đào tạo Múa hiện đại (CNDC – Pháp), rồi sau đó, nghệ sĩ đến tuổi này, chắc ai cũng phải nghĩ nên chuyển sang một công việc khác, thế là về nước anh đầu quân cho Trường Múa TP.HCM. Hà Thế Dũng là người VN đầu tiên được Chính phủ Pháp trao bằng cao nhất về đào tạo giảng viên múa đương đại.
Hôm rồi gặp Hà Thế Dũng tại một quán nhỏ trên đường Nguyễn Thị Diệu Q.3, nom Dũng vẫn vậy, rất điển trai, sành điệu toàn chơi hàng hiệu. Dù ăn nói nhỏ nhẹ, chắc do nghề giáo tạo nên, nhưng thực chất là người có cá tính mạnh, lý trí. Tôi hỏi: “Ông đi học ở nước ngoài nhiều, cái gì thấy được nhất?“. Dũng vỗ nhẹ vào bụng: “Thời bao cấp, nghề múa mất nhiều sức, tôi gầy như xác ve. Ông biết không, sang Nga tôi tăng được 9 ký, cao thêm 7 phân, có bơ sữa có khác chứ”.
Qua câu chuyện được biết, Hà Thế Dũng đã được nước Nga đào tạo múa ballet một cách rất cơ bản, một nền tảng khá vững chắc cho nghề nghiệp sau này. Còn ở Pháp là đào tạo múa hiện đại, lại một chuyên ngành khác, chưa có hệ thống nên làm mới mình lên. Thêm nữa múa hiện đại do có bản chất phóng khoáng, tự do, ngẫu hứng thế nên có cơ hội cho người ta sáng tạo. Dũng kể, cách đây mấy năm có ra Huế để thực hiện đề tài cho một kỳ Festival, đúng mùa mưa dầm dề, trời đất thì âm u, lạnh lẽo.
Thế là nằm miết trong phòng khách sạn, đầu thì tắc tị không ra được ý tưởng, đúng lúc đó bà chuyên gia múa hiện đại người Pháp Resgine Chopinot mách nước: “Cậu đi dạo thành phố một vòng, rồi cho tôi biết là đã nhìn thấy cái gì?“. Dũng ra đường, dõi nhìn những cô gái Huế mặc áo dài cầm dù che mưa bên dòng Hương, những người đạp xích lô gồng mình đầy nhẫn nại, rồi bà bán cơm hến bày bán dưới một mái hiên trên phố… Những hình ảnh rất đời thường này, Dũng và bà Resgine Chopinot đã ra ý tưởng múa “Ánh mắt” cho kỳ liên hoan ấy rất thành công.
Mấy năm nay, NSND Hà Thế Dũng tập trung cho lĩnh vực múa hiện đại, anh có 4 vở thơ múa, tổ khúc múa và kịch múa mang màu sắc hiện đại như: “Màu xanh bất diệt”, “Ô cửa sổ”, “Không gian sống và không gian chết”, “Những điệu múa gió mùa”, các tác phẩm này đoạt được nhiều giải thưởng ở các kỳ liên hoan, hội diễn. Những “Nỗi đau da cam”, “Tự tình mưa nắng”, “Những dòng chảy mới”… do anh dàn dựng cho Nhà hát Nhạc Vũ kịch Việt Nam, Nhà hát Ca múa nhạc dân tộc Bông Sen, Đoàn Nghệ thuật Quân khu 7, đã được công chúng đón nhận. Rồi sau chuyến “Về nguồn”, anh đã có Tổ khúc múa 4 chương “Tổ Quốc – Hai tiếng thân thương, hai tiếng tự hào” với nhịp điệu rất hào hùng.
Hiện nay tại TP.HCM, nhiều tác phẩm múa hiện đại đã được công chúng cũng như giới chuyên môn ghi nhận, về cái mới lạ, hấp dẫn và… cũng bán được vé. Múa đương đại là khi các nghệ sĩ sáng tạo từ bỏ con đường kinh viện hàn lâm tự mình tìm ra một phong cách riêng, phóng khoáng và tự do đến tận cùng: “Niềm đam mê nghệ thuật múa là động lực lớn giúp tôi nỗ lực nhiều hơn trong công tác chuyên môn, suy tính về những dự án, kế hoạch nâng cao quy trình đào tạo, phát triển nghệ thuật múa hiện đại nhưng cốt lõi vẫn phải giữ được nét đẹp tinh túy của hồn dân tộc Việt“, Hà Thế Dũng bộc bạch.
Một tin vui là Trường Múa TP.HCM do NSND Hà Thế Dũng làm Hiệu trưởng đến năm 2015 được nâng cấp lên thành cao đẳng, sẽ thêm cơ sở mới ở Cát Lái, Q.2 khang trang hơn, thiết bị dạy học hiện đại hơn.
(Nguồn: http://laodong.com.vn)