Những đêm mùa đông lạnh cắt da ở xứ người, có cô gái trẻ đứng gói đồ cho các cửa hàng, đi rửa chén thuê để kiếm tiền nuôi tình yêu với múa.
Ðó là Ngô Thanh Phương, một trong những nghệ sĩ hiếm hoi của VN được đào tạo bài bản về múa đương đại ở nước ngoài. Ngày 19-10-2008 tại Nhạc viện TP.HCM, Nguyễn Thanh Phương đã báo cáo thành tích học tập bốn năm (2004-2008) của mình tại trường múa danh tiếng Folkwang Hochschule (thành phố Essen-Ðức) với vở múa có tên gọi rất lạ Xin lỗi, cảm ơn, xin lỗi. Rửa chén thuê để… học múa đương đạiCha Phương là nghệ sĩ múa Ngô Thành Tâm, từng là soloist của Ðoàn ca múa nhạc Bông Sen, mẹ là ca sĩ Thanh Thanh hát dân ca. Từ khi mới lọt lòng, bước chân của Phương đã nhịp nhàng theo từng vũ điệu của cha. 11 tuổi, Phương thi vào hệ trung cấp bảy năm ở Trường Múa TP.HCM. Ngày nắng cũng như mưa, Phương kiên nhẫn gò căng xương sống, cong từng đốt ngón chân đến bầm tím để theo đuổi niềm đam mê qua từng vũ điệu ballet cổ điển. Tốt nghiệp, Phương đầu quân về Nhà hát Giao hưởng và vũ kịch TP.HCM, đảm nhiệm vai trò soloist 2 cho nhiều vở ballet của nhà hát như Sự ân hận muộn màng, Giselle, Ngọc trai đỏ, Lục Vân Tiên… (các vở này đoạt nhiều giải thưởng quốc gia).Năm 2002, khi xem nghệ sĩ múa Tấn Lộc dựng những tiết mục múa đương đại, một niềm đam mê mới mẻ đã gieo vào lòng cô gái trẻ. Xong giờ tập ở nhà hát, chạy sô múa đám cưới cũng hơn 8 giờ tối, Phương cùng vài người bạn tập miệt mài với thầy Lộc đến tận 12 giờ đêm. Nhớ lại, Phương cứ cười tủm tỉm: “Càng học càng mê, tôi nuôi ước mơ du học về múa đương đại. Nhưng gia đình chỉ đủ sống, tiền đâu mà đi học ở nước ngoài. May mắn tôi được một người bảo lãnh cho tôi đủ tài chính sang Ðức du học”. Với nền tảng bảy năm múa ballet, Phương dễ dàng thi vào trường. Nhưng để đủ tiền học bốn năm ở xứ người, Phương đã bao lần rơi nước mắt. Năm đầu mới sang, Phương sống tằn tiện với khoảng 20 euro/tuần. Một ngày cô chỉ ăn hai bữa sáng và tối để tiết kiệm tiền. Không người thân, ở trường chỉ mình Phương là sinh viên VN duy nhất. Ngoài giờ học ban ngày, Phương tranh thủ đi rửa chén thuê, đứng gói đồ cho các kiôt bán hàng để kiếm tiền sinh hoạt. Khó khăn, vất vả, lắm khi buồn tủi nữa nhưng tình yêu với múa càng được thử thách càng thêm da diết. Cuộc sống luôn cần những lời cảm ơn và xin lỗi
Bốn năm rồi cũng qua. Về VN hơn hai tháng nay, ngày nào cũng như ngày nấy, từ sáng đến tối mịt Phương và các bạn diễn Nhà hát Giao hưởng và vũ kịch TP.HCM lại mướt mồ hôi trên sàn tập chuẩn bị cho buổi diễn sắp tới.
Chia sẻ về tên gọi “lạ” khiến nhiều người tò mò của vở múa báo cáo tốt nghiệp, Phương nói: “Cuộc sống là chuỗi mâu thuẫn, không thể thiếu những lời cảm ơn và xin lỗi. Với tôi, tôi xin lỗi mẹ đã làm “đau” mẹ khi mẹ sinh tôi. Và tôi cảm ơn ba mẹ đã cho tôi một hình hài, một cuộc sống… Tôi không dám nói trước về vở diễn của mình, nhưng có lẽ với các bạn, cuộc sống luôn cần những lời cảm ơn và xin lỗi dành cho ai đó: cha mẹ, bạn bè, đồng nghiệp, người yêu…“. Nói về Phương, nghệ sĩ ưu tú Trần Vương Thạch, phó giám đốc Nhà hát Giao hưởng và vũ kịch TP.HCM, tin tưởng: “Trong thời buổi cơm áo gạo tiền, thật khó tìm được người trẻ nào có niềm đam mê múa mãnh liệt như Phương. Qua những tác phẩm Phương dựng cho nhà hát trước đây đã thấy cô rất sâu sắc trong dàn dựng, biết cách đặt vấn đề gần với cuộc sống. Phương phả vào tác phẩm của mình những ý tưởng mới, suy nghĩ mới” . Hỏi Phương có sợ bị “hắt hủi” không khi múa đương đại chưa có chỗ đứng với khán giả VN, mắt Phương long lanh: “Dù biết nghề múa không được nhiều người đón nhận, múa đương đại càng kén chọn hơn nhưng trong cuộc sống biết thế nào là đủ. Tôi biết mình sẽ gặp khó khăn bước đầu, nhưng với tôi tiền không quan trọng, quan trọng là tôi biết mình đang làm gì. Nếu cứ chạy theo cái “đủ” của cuộc sống thì còn ai theo múa“.Và Phương quyết đi đến cùng với múa. Phương cho biết sau buổi diễn cô sẽ quay lại Ðức, vẫn đi rửa chén, gói hàng để kiếm tiền theo đuổi lớp nâng cao về biên đạo múa. Bởi “Với múa, tôi như con kiến, sẽ cố gắng đem về “tổ múa” của mình những mẩu bánh ngon của nghệ thuật. Múa đương đại là một loại hình ít được người VN biết đến nhưng biết đâu, kiến tha lâu… Tôi nhìn những nỗ lực của người đi trước về thể loại này ở VN như Trần Ly Ly, Lê Vũ Long… Họ cố gắng, tại sao tôi lại nản lòng. Nhiều con kiến sẽ tạo thành một đàn kiến, tại sao không?“- Phương cười, tràn đầy niềm tin.
“Chỉ vài nghệ sĩ múa VN được đào tạo bài bản về múa đương đại. Trước đây có Ea Sola (rất thành công với Hạn hán và cơn mưa), Lê Vũ Long (Chuyện của chúng mình), Trần Ly Ly (Một ngày)… Ở TP.HCM thì Phương là người đầu tiên. Xin lỗi, cảm ơn, xin lỗi là sự kết hợp của Đông và Tây. Phương đem sự mới mẻ của múa đương đại kết hợp với âm nhạc VN, ngôn ngữ múa VN, đặc biệt là ứng dụng việc khai thác video và nghệ thuật sắp đặt trên sân khấu. Ngành múa VN cần những gương mặt trẻ như thế“NSND VIỆT CƯỜNG |