Sau 7 năm tắm mồ hôi, đổ cả máu ở nơi mà mấy cô cậu học sinh trường Múa thường đùa là “địa ngục trần gian”, múa đã là một phần không thể thiếu với Cúc.
Nếu bạn đã xem một số vở múa của Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ kịch TP.HCM (HBSO) như Cô bé Lọ Lem, Kẹp hạt dẻ, Nước, Mảnh ghép của những giấc mơ, Chạm tay vào quá khứ… hẳn bạn có chút ấn tượng với một nữ diễn viên có vóc dáng thanh mảnh. Cô ấy là Kim Cúc, người sở hữu chiều cao 1m70 nhờ những tháng năm tập luyện, thi đấu trong đội tuyển bơi lội quận Tân Bình.
“Với một cô gái bình thường, vóc dáng cao gầy là niềm hãnh diện, còn diễn viên múa thì đó lại là một bất lợi không nhỏ”. Khi đi học, Cúc thường làm khó thầy cô trong việc tìm đội hình phù hợp. Đến lúc làm việc tại HBSO, Cúc đã nhiều lần ngậm ngùi nhìn đồng nghiệp được múa đôi, còn mình chỉ múa đơn hoặc xếp cuối trong những màn tập thể vì chưa tìm được diễn viên nam hợp đôi về chiều cao“.
Với ballet, Cúc chỉ tạm chấp nhận được vì dài đòn nên những động tác nhỏ nhỏ, nhanh nhanh mình không thể làm đẹp như người khác. May thay sự tự do, phá vỡ những khuôn khổ của đương đại lại chấp nhận mình và Cúc luôn cảm thấy hào hứng, tràn đầy năng lượng khi tham gia một chương trình đương đại,” Cúc chia sẻ. “Đương đại là thể loại phù hợp với nhịp sống hiện đại, mang đến cho khán giả góc nhìn đa chiều, được lựa chọn về cách hiểu một câu chuyện mà ballet không thể làm được”. Nói đến đây, gương mặt thanh tân bừng sáng, không quên cảm ơn cô giáo Trần Ly Ly đã giúp Cúc tìm thấy cánh cửa bí mật với múa đương đại, thấy Nguyễn Phúc Hùng đã tiếp thêm niềm say mê với nghề.
Tự làm phép so sánh với các bạn, Cúc cho rằng mình may mắn, may mắn vì đã có nhiều lựa chọn để được là diễn viên múa. Cúc là 3 trong số 8 học viên của lớp được làm nghề mình yêu thích. Nghĩ về những người bạn phải chọn hướng đi khác, Cúc luôn cảm thấy tiếc nuối cho 7 năm ròng tập luyện và cả khả năng của họ. Bản thân Cúc, nếu không quyết liệt theo đuổi nghề múa thì có thể giờ đây cô đang là sinh viên năm 3 trường Đại học Huflit thay vì miệt mài theo lịch học ở trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội chuyên ngành huấn luyện, trình diễn trong các chương trình của HBSO. Giữa trận chiến cam go chọn nghề trong sự phản đối quyết liệt của mẹ, Cúc đã có ba cạnh bên ủng hộ như ba từng khuyến khích con gái chơi nhiều môn thể thao.
Ba chính là người đã đưa cô con gái út thi tuyển vào trường Múa TP.HCM nhưng không phải để trở thành diễn viên múa mà chỉ đơn giản “cho con hành trang cảm thụ nghệ thuật cùng âm nhạc và ngôn ngữ cơ thể”. Nhờ vậy, từ năm 12 tuổi, Cúc bắt đầu làm quen với giày múa, dóng múa.
Dù những động tác đầu tiên trên sàn tập chỉ dừng lại ở sự tò mò nhưng Cúc không phải là cô tiểu thư đi học múa. Cúc miệt mài tập luyện hết những động tác ballet cơ bản rồi đến các điệu múa dân gian, tính cách, tiếp cận thể loại đương đại mới mẻ. Sau 7 năm tắm mồ hôi, đổ cả máu ở nơi mà mấy cô cậu học sinh trường Múa thường đùa là “địa ngục trần gian”, múa đã là một phần không thể thiếu với Cúc.
Hai năm nay, thời gian biểu của cô gái 20 tuổi là buổi sáng tập cơ bản, buổi chiều tập chương trình hoặc làm thêm, tối đi diễn. Ngoài các vở diễn của HBSO, Cúc còn tham gia các sự kiện, đám cưới, một số chương trình truyền hình, minh họa cho ca sĩ cũng tranh thủ phụ mẹ việc buôn bán. Đã gắn bó với múa ngót 9 năm nay, biểu diễn không ít chương trình nhưng chưa một lần con gái mời ba mẹ đi xem trực tiếp vì ba mẹ em đã lớn tuổi, đi lại cũng không tiện lắm.
Ba mẹ thường nhìn ngắm công chúa của mình thể hiện tài năng trên truyền hình rồi tự hào khoe với hàng xóm. “Cúc không ngại cái nhìn chưa công bằng của người khác về nghệ thuật múa, mình chỉ đang nỗ lực tiến bộ từng ngày trong nghề, cố gắng làm an lòng mẹ bằng việc chứng tỏ có thể tự lo cho bản thân”. Cười nhẹ, Cúc chào tạm biệt, bước như bay về nhà với gia đình thân yêu.
Elle.vn