Hai thiếu niên năm ấy của Yên Bái lọt vào mắt tuyển chọn của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước đã khẳng định tài năng của mình theo thời gian. Họ cùng có mặt, hòa mình trong những đoàn quân xung trận, những chiến trường ác liệt nhất để chuyển tải những tác phẩm nghệ thuật thấm sâu vào lòng người qua những bài ca, điệu múa. Đó là anh em nghệ sĩ Thanh Đính-Như Bình.
Hơn nửa thể kỷ hát vì hòa bình
Khi chưa trở thành diễn viên chính thức của Đoàn VCNDTW, Thanh Đính đã là thành viên của đội văn nghệ thiếu nhi của xã Minh Quân, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái, hát những bài: “Cùng nhau đi hồng binh”, “Diệt phát xít”, “Lên đàng”… trong buổi mít tinh tại chùa Linh Thông chào mừng lễ ra mắt Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời đầu tiên của xã ngày 2-7-1945. Cũng trong thời kỳ này, Thanh Đính làm liên lạc ở Đại đội 204 Bình Quang; sau được chọn và học tập, rèn luyện dưới sự hướng dẫn của những người thầy nghệ thuật của Đoàn VCNDTW, tài năng của Thanh Đính được phát huy qua những lần biểu diễn ở Nhà hát Lớn Hà Nội dịp tiếp quản Thủ đô rồi biểu diễn ở Đại hội liên hoan thanh niên sinh viên thế giới lần thứ 5 ở Vacsava (Ba Lan)…
Vừa tốt nghiệp khóa đầu tiên của Trường Âm nhạc Việt Nam năm 1965, Thanh Đính đã làm đơn tình nguyện vào chiến trường miền Nam. Tạm biệt mẹ già, tạm biệt người vợ trẻ cùng 3 đứa con thơ, Thanh Đính ôm cây đàn ghi-ta vào chiến trường biểu diễn phục vụ cán bộ, chiến sĩ và đồng bào miền Nam.
Đến giờ, Thanh Đính vẫn mãi nhớ, trong đoàn đi B năm ấy có cả bác sĩ Đặng Thùy Trâm. Là một bác sĩ, nhưng Đặng Thùy Trâm luôn sôi nổi trong những lần hát cùng Thanh Đính bài hát “Trước ngày hội bắn” và nhiều ca khúc khác trên đường hành quân ra trận. Đoàn vào khu 5, bác sĩ Đặng Thùy Trâm về công tác ở bệnh xá huyện Đức Phổ, Quảng Ngãi và hy sinh ở mặt trận này. Còn Thanh Đính về công tác ở Ban Tuyên huấn Khu ủy Khu 5 và sau đó sang Đoàn Văn công Quân giải phóng miền Trung Trung Bộ (Đoàn Văn công Quân khu 5). Thanh Đính ngày đó tâm niệm, nơi nào có bộ đội, thanh niên xung phong mở đường và có nhân dân thì nơi đó có giọng ca Thanh Đính, hát và đàn cho họ nghe, dù nơi ấy chỉ vài ba người, là anh thương binh, chị giao liên, người phát rẫy… Sân khấu của Thanh Đính là rừng Trường Sơn, có lúc ở cửa hầm, lúc trên núi Ngọc Linh, bến đò, bờ khe, trạm nghỉ dọc đường, hát trong vùng địch, trước họng súng của quân thù. Thanh Đính hát suốt đêm ngày, tới 20 bài không mệt mỏi.
Có lần Thanh Đính bị lạc một ngày một đêm trong rừng Quảng Ngãi, người đói lả, nhưng bất ngờ gặp một đơn vị chuẩn bị thu dọn di chuyển địa điểm gấp, Thanh Đính chỉ kịp uống hớp nước, rồi kêu mời mọi người tập trung, ôm đàn và hát cho các chiến sĩ nghe. Ở lần biểu diễn này, Thanh Đính vẫn lưu lại những dòng cảm tưởng ghi nhận của đồng chí thay mặt đơn vị có tên Xuân Thiệt: “Hôm nay, đơn vị chúng tôi rất vinh dự được đón tiếp đồng chí nhạc sĩ trong lúc bất ngờ đồng chí vào thăm đơn vị và đồng chí đã biểu diễn một giờ đồng hồ với 15 tiết mục một lúc. Tuy bụng đói một ngày rưỡi, chưa ăn nhưng tinh thần nhiệt tình, tôi biết đồng chí có nhiều vất vả (bụng đói đi lạc đường trong đêm, phải ngủ rừng một mình, không ăn uống gì) nhưng đồng chí vẫn tươi vui sau một giờ biểu diễn, đơn vị chúng tôi rất phấn khởi. Nhân trong đà phát động thi đua lại được đồng chí đến thăm và biểu diễn, đó là nguồn động viên rất lớn cho toàn đơn vị”.
Thanh Đính không nhớ hết trong hơn 10 năm lăn lộn ở chiến trường Khu 5 và Tây Nguyên đã hát bao nhiêu bài hát, bao nhiêu buổi diễn, bao nhiêu người nghe và tổ chức dạy bao nhiêu lớp thanh nhạc cho các đơn vị. Chỉ nhớ rằng đi tới đâu, đêm hay ngày có người yêu cầu là Thanh Đính hát, cho đến cuối năm 1973 Thanh Đính trở về Hà Nội. Nhưng đầu năm 1975, Thanh Đính lại tiếp tục tình nguyện đi B lần 2 vào chiến trường Nam Bộ tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh. Ngày 30-4 lịch sử năm 1975, Thanh Đính vinh dự đi trong đoàn quân thần tốc hôm ấy tiến vào Sài Gòn, cất cao tiếng hát, vang xa những “Tiến về Sài Gòn”, “Tiểu đoàn 307”, “Cuộc đời vẫn đẹp sao”, “Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người”…
Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Thanh Đính làm Phó giám đốc Trung tâm văn hóa quần chúng của Bộ Văn hóa, mở các lớp đào tạo cán bộ văn hóa quần chúng và tổ chức các hội diễn văn nghệ quần chúng toàn miền Nam. Năm 1978, Thanh Đính được Nhà nước cử đi tu nghiệp thanh nhạc ở Nhạc viện Xô-phi-a (Bun-ga-ri). Ông được Nhà nước phong tặng danh hiệu NSƯT đợt đầu tiên năm 1984. Và từ đó đến nay, cái tên Thanh Đính được mọi người biết đến với vai trò lãnh đạo Đoàn Ca múa nhạc cựu chiến binh TP Hồ Chí Minh. Trong thời kỳ đất nước hòa bình và đổi mới, đoàn ca múa hội tụ các nghệ sĩ năm xưa luôn trở về biểu diễn trên những sân khấu-xưa là các chiến trường, mặt trận ác liệt của một thời quân và dân ta chiến đấu giành độc lập tự do cho Tổ quốc hôm nay.
Múa trong địa đạo Vĩnh Linh
Nhớ về chuyến đi biểu diễn ấn tượng trong cuộc đời nghệ sĩ của mình, NSƯT Như Bình làm “sống” lại những khoảnh khắc ấy khi ông thể hiện những động tác múa của tiết mục “Tuần đuốc” từng gây xôn xao trong khắp không gian của khu địa đạo Vĩnh Linh những ngày tháng cuối năm 1966.
Nhận chỉ thị từ Trung ương, đoàn nghệ sĩ 12 người gồm: Như Bình, Nguyệt Nga, Tử Quế, Mỹ Vân, Quốc Hương, Chung Khuê, Thanh Tuấn, Minh Huệ, Lý Trọng Hưng, Đinh Thìn, Hữu Đào, Lại Thương… tiến vào mặt trận Vĩnh Linh để phục vụ chiến sĩ và đồng bào dịp Tết. Những năm tháng ấy, ở mặt trận Vĩnh Linh-mốc giới mịt mù khói lửa trong cuộc đụng đầu lịch sử giữa khát vọng thống nhất non sông của cả dân tộc Việt Nam với dã tâm chia cắt đất nước của lũ bán nước và cướp nước. Ở ranh giới phân định tạm thời hai miền Nam-Bắc ấy, việc những nghệ sĩ của Đoàn VCNDTW 5 ngày mới qua được bến phà Gianh tuy không phải là câu chuyện duy nhất cho việc khó khăn, trắc trở khi qua giới tuyến này, nhưng lại luôn là ký ức không thể nào quên đối với mỗi nghệ sĩ trong lần đầu tiên đi chiến trường Vĩnh Linh, Quảng Trị thời kỳ đó.
Bài hát “Tiểu đoàn 307” do Quốc Hương biểu diễn không biết bao nhiêu lần trong dịp đi ấy. Rồi có hôm, đưa chân chiến sĩ của một đơn vị Tàu không số, trong đêm mưa gió rét, tiếng hát của Quốc Hương vang lên như rung khắp địa đạo, truyền thêm sức mạnh, làm ấm lòng những người lính trước khi ra trận bằng lời ca tốt đẹp. Còn những người lính, lại đáp trả động viên nghệ sĩ bằng sự lạc quan yêu đời bằng những lời trấn an: “Nghe các bài hát, xem các tiết mục múa của các nghệ sĩ, chúng tôi như được truyền thêm sức mạnh. Hẹn nghệ sĩ Quốc Hương, hẹn nghệ sĩ Như Bình, sẽ có ngày chúng tôi trở về để nghe các anh hát 307, xem các anh múa…“. Kể lại những dòng ký ức này, giọng nghệ sĩ Như Bình chùng xuống, ông bảo rằng cuộc đời nghệ sĩ chẳng có niềm vinh dự nào hơn là được biểu diễn cho những người chiến sĩ trước khi xung trận.
Ký ức tiếp nối ký ức khi nghệ sĩ Như Bình kể về những lần biểu diễn múa trong địa đạo. Ông bảo rằng, đó cũng chính là thời gian những nghệ sĩ phát huy sáng tạo của mình, cũng như cảm nhận được sự háo hức, đón nhận của nhân dân và bộ đội. Sáu tháng vừa biểu diễn vừa tập luyện trong địa đạo Vĩnh Linh, diễn ở ngã ba, ngã tư địa đạo, sân khấu cao không quá 1,5m, khoảng rộng không quá 3m, vậy nhưng tiết mục múa “Tuần đuốc” của nghệ sĩ Đặng Hùng dàn dựng-từng giành Huy chương vàng ở Liên hoan Helsinky (Phần Lan) năm 1962, do nghệ sĩ Như Bình và Tử Quế đóng đã gây tiếng vang khắp địa đạo thuở đó.
Giờ đây NSƯT Như Bình đã bước vào tuổi 70, cái tuổi đã không còn cho phép người nghệ sĩ đứng trên sân khấu để biểu diễn múa, nhưng với nghệ sĩ Như Bình lại như một trường hợp ngoại lệ. Ở các chương trình ông đảm nhiệm vai trò dàn dựng, người ta vẫn thấy ông say mê thể hiện những động tác, kỹ thuật múa cho thế hệ trẻ. Cũng bởi thế mà ông được gọi với cái tên gần gũi: Biên đạo múa của thế hệ trẻ. Không dừng ở đó, NSƯT Như Bình được đông đảo công chúng nhớ đến là người tiên phong trong việc khôi phục nghệ thuật múa rồng. Với nỗ lực sưu tầm, nghiên cứu, múa rồng đã hồi sinh và rực rỡ đầy hào khí Thăng Long giữa Quảng trường Ba Đình nhân kỷ niệm 50 năm thành lập nước 2-9-1995. Và tiếp đó là những màn diễn đầy kỳ ảo, mạnh mẽ trong các kỳ liên hoan múa cổ Hà Nội mà đỉnh cao là trong đêm diễn múa cổ chào mừng Đại lễ 1000 năm Thăng Long-Hà Nội tại Vườn hoa Lý Thái Tổ năm 2010. NSƯT Như Bình nói vui, có lúc sực tỉnh ra tóc đã bạc, chân đã mỏi nhưng tâm hồn vẫn trẻ trung, vẫn hăng hái nghiệp múa là vậy.