Vốn là một dân tộc có truyền thống văn nghệ, người Khmer đã sáng tạo ra nhiều loại hình ca vũ độc đáo, từ điệu múa trống Xà zăm, múa vui Krap, múa gáo dừa Tro jok, múa Chằng khum- rông, múa chim công… đến các điệu hát A-yay trữ tình, hát đối đáp Prop-kay, Chằm riêng-chàpay, ca đàn kể truyện cổ, và vươn tới những hình thức sân khấu hoàn chỉnh như kịch múa Robăm và kịch hát Yu-kê.
Các bạn biết không, phum, sóc (sróc) là điểm định cư truyền thống của người Khmer. Dưới những tán dừa, cây thốt nốt cao vút là những nóc nhà của người Khmer quần tụ thành một phum hoặc sóc. Dừa mọc khắp nơi : Ven đường quốc lộ, trên bờ kênh, bờ ruộng, trong vườn nhà… Dừa không chỉ tỏa bóng mát mà còn cho người dân những trái ngọt lành. Cây dừa thân thuộc, gắn bó với đồng bào Khmer Nam bộ chẳng khác gì cây tre gắn với người Việt vùng Bắc bộ. Vì thế, nhiều bài hát, điệu múa dân gian ra đời từ đó. Quả dừa cho nước ngọt, cùi thơm ; còn sọ dừa không chỉ dùng làm gáo múc nước mà còn được đưa vào điệu múa dân gian, gọi là múa gáo dừa.
Với chiếc gáo dừa bình dị, cùng với tiết tấu nhạc nhịp nhàng, các chàng trai, cô gái Khmer cùng nhau vui múa để xua đi nỗi mệt nhọc sau một ngày lao động vất vả. Điệu múa khá đơn giản, trên mỗi tay người múa cầm một chiếc gáo dừa nhỏ xinh, họ quây thành vòng tròn, rồi tản ra thành hàng ngang, hàng dọc, kết hợp tay chân nhịp nhàng, lúc mạnh mẽ, lúc uyển chuyển… rồi từng đôi nam nữ múa cùng nhau, miệng mỉm cười, mắt đưa tình lúng liếng… Đây là điệu múa giúp con người khỏe khoắn, nhanh nhẹn và thư giãn. Người xem cũng bị lôi cuốn vào các động tác múa, thả hồn theo tiếng nhạc du dương và cảm thấy tâm hồn thật nhẹ nhàng, thư thái.
Anh Său Sóc Kha (Đoàn nghệ thuật dân gian Khmer Kiên Giang) cho biết : “Múa gáo dừa là điệu múa dân gian truyền thống của người Khmer nên hầu hết người Khmer đều biết múa điệu này. Rất dễ học, dễ nhớ… chỉ tập vài lần là biết liền. Điệu múa này không chỉ biểu diễn trong lễ hội, mà có thể múa tập thể ở phum, sóc vào những đêm trăng sáng để thư giãn sau một ngày lao động cực nhọc. Tiếng nhạc du dương, tiếng hai chiếc gáo dừa gõ vào nhau lóc cóc, vui tai lắm…“.