Nếu hỏi mình 10 năm trở lại đây, chương trình nghệ thuật nào của Việt Nam khiến mình cảm động và trân trọng nhất, mình sẽ nói ngay đó là vở múa Chuyện kể của những chiếc giày của anh Tấn Lộc. Năm ngoái vào hai ngày 12, 13/11 mình xem vở múa này và khóc. Đó là ấn tượng đẹp, ám ảnh và gây chấn động tâm can mình suốt thời gian dài sau này. Sắp tới, Chuyện kể những chiếc giày sẽ diễn lại vào ngày 3-8 tới tại Nhà hát TP HCM, với sự trở lại của nghệ sỹ múa tài năng Thùy Chi.
* Ước mơ và những giọt mồ hôi rực rỡ
Có thể bạn sẽ không bao giờ đạt được ước mơ của mình. Nhưng được sống và làm nghề mình yêu thích đã là một hạnh phúc tuyệt vời.Chuyện kể Những Chiếc Giày là góc nhìn thẳng và thật vào thực tế cuộc đời, sự nghiệp người diễn viên múa. Đằng sau những hào nhoáng của ánh đèn sân khấu là những ngày tháng khổ luyện, những bươn chải cho cuộc sống mưu sinh. Ở đó, lấp lánh những ước mơ… Những thăng trầm còn đọng lại trên từng chiếc giày múa và chiếc gióng múa cũ sờn theo thời gian.
Những giọt nước mắt lăn dài trên gương mặt thẫn thờ của rất nhiều khán giả khi xem vở kịch múa Chuyện kể của những chiếc giày (12, 13/11/2009 tại Nhà hát TP HCM). Những tràng pháo tay, những tiếng hú hét sau mỗi tiết mục và rồi tất cả khán giả đứng lên vỗ tay suốt 15 phút khi vở diễn kết thúc. Có mặt ở hàng ghế khán giả, NSƯT Thành Lộc xúc động nói: “Đây là điều vĩ đại của nghệ thuật Việt Nam! Cảm ơn anh Tấn Lộc và những nghệ sĩ múa đã mang đến cho mọi người niềm hạnh phúc, tự hào tuyệt vời này”.
Chương trình do các diễn viên vũ đoàn Arabesque biểu diễn, đạo diễn: nghệ sĩ Tấn Lộc, các biên đạo múa: Noriko Kuroe, Tố Như, John Huy Trần, Thùy Chi, Ngọc Khải, Minh Tâm và Tấn Lộc.
Vở diễn gồm 11 tiết mục: Chuyện sàn tập, Chuyện đời thường, Chuyện những chàng trai, Anh em nhà Thùy Chi, Xa nhà, Chuyện những người bạn, Ngã rẽ, Giày, Ước, Kỷ niệm, Chuyện kể tiếp – được xâu chuỗi, trình diễn hợp thành một câu chuyện xuyên suốt.
(ảnh Đức Đen Thui)
* Thế giới nghiêng
Trước khi vở diễn bắt đầu, ở sảnh nhà hát TP HCM trưng bày những đôi giày múa cũ mèm, loang lổ vết ố, những chiếc gióng tập múa sờn nhẵn theo thời gian… ghi dấu những ngày tháng luyện tập gian khổ của người nghệ sĩ. Không gian nghệ thuật của Chuyện kể những chiếc giày mở ra gần gũi và xúc động. Khán giả bước vào trong thế giới của những nghệ sĩ múa ngay từ khi vở diễn chưa bắt đầu.Các diễn viên đều dùng tên thật, nghề thật ngoài đời. Họ đóng vai chính họ.
Vở diễn bắt đầu bằng buổi tập hàng ngày của một lớp múa. Sân khấu được bài trí đơn giản với đèn tuýt trắng, những gióng múa cũ… không gian thật như ngoài đời – không gây cảm giác đây là một vở diễn.
Vở múa sử dụng ngôn ngữ hình thể kết hợp từ nhiều thể loại như: ballet, múa đương đại, jazz, Cabaret… Những mảnh ghép riêng và chung về cuộc đời những nghệ sĩ múa hiện ra trong ánh sáng và cả bóng đêm. Từ những ngày ở lớp học múa với những bài học căn bản như khởi động, xoay người, đá chân (Chuyện sàn tập) đến chuyện cơm áo gạo tiền (Chuyện đời thường)…
Bước ra khỏi lớp học múa, những nghệ sĩ tất tả làm đủ thứ công việc: múa đám cưới, dạy nhảy, múa phụ họa cho ca sĩ, dạy múa cho thiếu nhi… để mưu sinh và nuôi dưỡng ước mơ theo đuổi múa chuyên nghiệp.Khán giả được nhìn thấy những nghệ sĩ đi lại ngay cạnh mình, được sống trong thế giới của những bước chân lúc cuồng nhiệt trên sân khấu, lúc chạy tất tả đi kiếm sống… Bằng hình thức múa đương đại, Chuyện kể những chiếc giày tái hiện sống động những xung đột của nghề: những bon chen, giành giật để bằng mọi giá được vai múa chính… Nhưng tư trái tim và khát khao bản năng, họ vẫn vươn đến nghệ thuật múa đích thực, đến cái đẹp của người nghệ sĩ múa.
* Ánh sáng cô đơn
Phía sau hào quang sân khấu, người nghệ sĩ quay trở lại đối diện với cảm giác cô độc. Giống như nụ cười của người hề xiếc, ám ảnh, méo mó. Những giọt nước mắt của họ vẫn âm thầm rơi khi bước về căn nhà của mình.Một trong những sáng tạo độc đáo của nghệ sĩ Tấn Lộc là thiết kế sân khấu mặt phẳng nghiêng ấn tượng. Chín ô ánh sáng trên mặt phẳng nghiêng, chín con người, chín số phận chen nhau giữa vùng sáng chiếu thẳng đứng. Họ cùng múa, cùng cố bám trụ nhưng cuối cùng vẫn lần lượt trượt xuống miệng vực… Chỉ còn lại một người cố bước về những vùng sáng đang tắt dần và cuối cùng ngồi co ro trong bóng tối.
Một ẩn dụ ám ảnh. Nghệ sĩ múa là những người có khả năng giữ thăng bằng tốt nhất. Nhưng cuộc đời họ là một con dốc, chông chênh và kề sát miệng vực tuyệt vọng. Chỉ có đam mê, tình yêu mới giữ cho họ ngọn lửa nghệ thuật cháy mãi trong lồng ngực. Cũng trên triền dốc ấy, những nghệ sĩ trình diễn câu chuyện Ước rực rỡ và cảm động. Nghệ thuật múa là đôi cánh nâng họ bay khỏi những khó khăn, bon chen… Ở đó chỉ còn những đam mê và những đôi mắt lấp lánh.
Điểm nhấn của đêm diễn là là phần biểu diễn của nghệ sĩ Tố Như. Vai diễn của chị cũng chính là nghề thật của chị ngoài đời – giảng viên múa. Tâm sự của đôi giày lắng xuống như những nốt nhạc từ music box đang ngân nốt những âm giai của mình. Hình ảnh người nghệ sĩ đã cống hiến tuổi thanh xuân cho nghệ thuật, múa một bản cuối cùng đầy đam mê. Chị vắt kiệt trái tim mình cho lần múa ấy. Chị như một thiên thần sắp từ giã đôi cánh của mình, nhường nó lại cho những thế hệ kế tiếp.Khi âm nhạc đã tắt, nghệ sĩ Tố Như buộc giây giày và đứng lên, rời khỏi sân khấu. Ngay phía sau chị là hình ảnh một em nhỏ với bộ đồng phục múa bước ra. Sự nối và truyền vẫn âm thầm từng thế hệ như vậy.
Có thể bạn sẽ không bao giờ đạt được ước mơ của mình. Nhưng được sống và làm nghề mình yêu thích đã là một hạnh phúc tuyệt vời.
Khi vở diễn kết thúc, phía ngoài nhà hát – những chiếc giày sờn rách đã được thay thế bởi những lọ hoa rực rỡ, những cây hoa nghệ thuật đã nảy mầm từ những giọt mồ hôi rực rỡ. Một vở diễn công chúng xem một lần và không bao giờ quên. Hi vọng Chuyện kể những chiếc giày sẽ mở ra một chương mới cho nghệ thuật múa Việt Nam.
Đạo diễn chương trình: Tấn Lộc
Biên đạo: Noriko Kuroe, Tố Như, John Huy Trần, Thuỳ Chi, Ngọc Khải, Bảo Trung, Minh Tâm và Tấn Lộc. Biểu diễn: khoảng 30 diễn viên vũ đoàn Arabesque và 10 học sinh trường múa. Sắp đặt, trưng bày: Trung Hậu. Âm nhạc: Tôn Thất An, Tạ Tôn, Hibiki Inamoto, Apocalyptica, Secret Garden.
Hải Anh bắt đầu vở diễn là một học trò của cô Tố Như. Kết thúc Chuyện kể của những chiếc giày em xuất hiện với hình ảnh cô giáo viên múa tiếp tục dạy các em nhỏ…Cảm ơn những nghệ sĩ múa như anh Tấn Lộc, chị Tố Như, Hải Anh, Đức Nhuận… đã mang đến cho khán giả không chỉ là một Chuyện kể những chiếc giày vĩ đại. Hôm đó tôi đã khóc khi xem các bạn múa. Có lẽ đây là điểm sáng rực rỡ nhất về nghệ thuật trong năm 2009 và trong 10 năm trở lại đây.
Hôm đó mình đi xem với Ái. Khi vở diễn kết thúc mình và Ái đứng bật dậy vỗ tay. Tất cả mọi người cũng đứng dậy vỗ tay suốt 15 phút. Cả hai chạy vào cánh gà chào các nghệ sĩ múa. Mình đã ôm chị Tố Như và cảm ơn chị. Hôm đó mình thấy yêu đời hơn và yêu hơn cuộc sống, công việc, đam mê mình đang theo đuổi.