Tài năng, đam mê và tâm huyết– Bắt đầu với vai trò của một diễn viên múa, đạt được thành công với giải thưởng “Nam diễn viên múa xuất sắc nhất Vương quốc Anh”, rồi lại chọn con đường trở thành biên đạo múa. Vì đó là ước mơ, hay vì “khi người ta không làm diễn viên múa nữa, thì chỉ có thể làm biên đạo múa”?
Sáng tác đến với tôi rất sớm và cũng rất tự nhiên. Tôi nhớ khi tôi học năm thứ 5 ở trường Múa Việt Nam, vào kỳ thi cuối năm môn múa pas de deux (múa đôi), cả lớp phải học lại trích đoạn mà các khóa đàn anh đàn chị ai ai cũng đã múa rất nhiều rồi. Tôi muốn có sự thay đổi nên đã tự tìm nhạc và rủ bạn diễn cùng tập, sau đó tôi ngỏ ý với thầy. Thầy đã cho tôi thi với bài của tôi. Từ lúc tôi đi du học và đi làm cho đến nay, sáng tác đã thực sự ngấm sâu vào trong máu.
Không phải ai cũng có thể trở thành biên đạo sau khi “hết tuổi” làm diễn viên. Với nghề biên đạo, không phải chỉ có đam mê và yêu thích là đủ. Để trở thành người sáng tác, cần có tố chất và tư duy, gout cá nhân.
– Cảm xúc của anh ở mỗi vai trò có khác nhau nhiều không?
Điểm chung của diễn viên và biên đạo là đều phải diễn tả và chuyển tải thông điệp của tác phẩm đến khán giả. Diễn viên khác biên đạo ở chỗ họ phải làm theo sự chỉ đạo của biên đạo, tự chăm sóc được bản thân và làm chủ được mọi tình huống trên sân khấu. Khi chọn nghề biên đạo nghĩa là đã dấn thân vào công việc đòi hỏi trách nghiệm cao, suy nghĩ và lo lắng nhiều hơn. Biên đạo không làm chủ được các tình huống xảy ra trên sân khấu như diễn viên có thể bị thương, nhạc bị nhảy, đèn bị cháy… Và, dù là ở vị trí nào đi chăng nữa, với nghề múa, ngoài tài năng, niềm đam mê cần phải có tâm
Nguy hiểm, thử thách và tồn tại– Đến nay, công chúng đã tin tưởng vào cái tên Ngọc Anh trong vai trò biên đạo múa. Anh đã chứng minh tài năng của mình qua các vở “Dấu trừ”, “Mộc”, “Sương sớm”. Nhưng thành công cũng đồng nghĩa với áp lực rất lớn là vượt qua chính cái bóng của bản thân mình. Anh có biết, khán giả yêu múa vẫn đang chờ một Ngọc Anh mới mẻ hơn, làm được nhiều hơn nữa?
Tôi vừa mới xem xong phim Life of Pi và rất thích thông điệp trong phim đó. Trong nhiều tình huống, sự nguy hiểm và thử thách sẽ giúp bạn tồn tại. Với tôi, nếu có áp lực thì nó cũng sẽ hóa thành động lực tiếp sức. Được khán giả kỳ vọng chính là niềm hạnh phúc của người nghệ sĩ.
Có lần, ông John Ashford, cựu giám đốc The Place, London (nơi múa đương đại được bắt đầu ở UK) có nói với tôi: “Muốn làm biên đạo giỏi thì phải tiếp tục sáng tác”. Tôi nhớ mãi lời nói đó. Vì vậy tôi luôn học hỏi và rút ra kinh nghiệm từ các tác phẩm đã làm và luôn muốn hoàn thiện hơn trong các tác phẩm mới.
– Trong thời gian về Việt Nam biểu diễn hai vở múa “Mộc” và “Sương sớm”, anh cảm nhận thế nào về các tác phẩm, cuộc sống của các nghệ sĩ múa Việt Nam hiện nay?
Khi diễn hai vở múa đó, tôi và cả ê-kip, diễn viên rất hạnh phúc với những tràng vỗ tay nhiệt tình từ khán giả. Chúng tôi đã thành công. Song cá nhân tôi tin chắc là còn có thể làm tốt hơn nữa và show có thể phổ biến đến đông khán giả hơn nếu như không có nhiều hạn chế về thời gian, kinh phí đầu tư, nhân lực.
Tôi thấy phần lớn diễn viên múa ở Việt Nam phải đi diễn ở các show thương mại, event, backup dancers để có thu nhập ổn định. Mặt trái của những công việc như vậy là cảm xúc của diễn viên dần mai một. Múa để sinh nhai chứ không còn là niềm đam mê nữa.
– Có phải vì nhận thấy điều này từ trước, nên anh đã phải ra đi? Chừng ấy năm bôn ba xứ người với nghiệp múa, anh đã học hỏi được những gì và nuôi dưỡng niềm đam mê ra sao? Làm thế nào để có thể trụ được trong môi trường khắc nghiệt và đầy cạnh tranh như ở Hong Kong?
Những ngày tháng ở nước ngoài đã giúp tôi trưởng thành hơn trong cuộc sống cá nhân cũng như trong nghề nghiệp. Đi lưu diễn khắp nơi, mỗi mảnh đất, mỗi con người mỗi nền văn hóa đều là phép cộng cho cách nhìn nhận và tư duy về cuộc sống trong tôi.
Không có thiên đường ở nơi tôi đến. Ở đâu cũng có cạnh tranh và khó khăn của môi trường và văn hóa ở đó. Tôi có thú vui là “travel the world” nên tôi luôn tìm được ý tưởng và năng lượng mới ở mỗi nơi tôi đến. Có thời gian tôi đi nhiều đến nỗi tôi phải mất 4-5 phút sau khi tỉnh dậy ở khách sạn mà không định hình nổi mình đang ở đâu.
– Một nghệ sĩ luôn cần cảm xúc để nuôi dưỡng tình yêu với nghệ thuật, khi phải nói tiếng Anh với đồng nghiệp, anh có cảm nhận được những gì một động tác múa cần biểu cảm không?
Tất nhiên ngôn ngữ bất đồng là một trở ngại nhưng bản chất tự nhiên của múa là ngôn ngữ hình thể. Và khi ngôn ngữ đó được truyền tải bởi tri thức và xuất phát từ trái tim thì tôi sẽ cảm được.
– Nhiều người cho rằng nghề múa ít vinh quang và nhiều cay đắng. Những lúc khó khăn nhất, có bao giờ anh nghĩ lại về sự lựa chọn con đường chông gai này?
Nghe đắng cay hơi nặng nề nhưng nó cũng thực sự diễn tả được khía cạnh nào đó của nghề múa. Đã có lúc tôi nghĩ đến bỏ cuộc. Nhưng niềm đam mê, cảm giác được hóa thân trên sân khấu, nhà hát, ánh đèn, phục trang, âm nhạc, các tour lưu diễn trên thế giới đã làm tôi không thể quay lưng lại với múa được.
– Các bạn của anh ở London nói anh đã sống rất vất vả khi ở đấy?
Sống trong môi trường nghệ thuật có bề dày lịch sử như London là niềm mơ ước của bao người. Môi trường làm thật ăn thật này đầy thử thách và rất nhiều cạnh tranh. Song đó chính là động lực để tôi làm việc không ngừng, tận dụng thời gian và cơ hội đến với mình. Những khó khăn vất vả đều cho tôi trải nghiệm và là nền tảng để tôi có được ngày hôm nay.
– Hỏi thật, với múa, đã có bao giờ anh phải rơi nước mắt?
Tôi bước vào nghề bằng sự nỗ lực của bản thân nhưng cũng có nhiều may mắn. Múa cho tôi rất nhiều và cũng lấy đi không ít. Nhưng cuối cùng, tôi nghĩ rằng tôi không có gì để than vãn.
Đừng để thói quen biến thành văn hóa– Tận hưởng những chuyến đi nhưng có bao giờ anh thấy mình lạc lõng ở nơi xa lạ như Anh hay Hong Kong hay một đất nước khác không phải Việt Nam?
Có chứ. (Cười) Tôi nghĩ phần lớn ai xa nhà đều có cảm xúc đó. Nghệ sĩ hay rơi vào cảm xúc cô đơn khi cánh màn khép lại, sau những giây phút thăng hoa trên sân khấu. Đây là căn bệnh mãn tính rồi (cười).
– Anh từng tâm sự rằng anh muốn đưa múa Việt đến gần hơn với thế giới. Có phải vì thế mà anh lựa chọn ra đi và sinh sống ở một đất nước khác?
Tôi không suy nghĩ lớn lao như vậy đâu. Từ nhỏ tôi luôn mơ ước được đi ra ngoài học hỏi, trải nghiệm bằng đôi chân, đôi mắt của mình. Tôi ao ước được biết đến nhiều nền văn hóa khác nhau. Đến lúc tôi có cơ hội được hội nhập và sánh vai cùng các nghệ sĩ EU, thì rất nhiều người nghĩ tôi là một diễn viên múa Trung Quốc hay Hàn Quốc. Điều đó càng làm tôi cố gắng hơn, và tự hào giới thiệu mình là người Việt Nam. Không chỉ có tôi, mà gần đây rất nhiều diễn viên đã và đang khẳng định mình trong môi trường nghệ thuật EU.
– Mấy năm gần đây, công chúng Việt Nam đã bắt đầu quan tâm nhiều hơn đến nghệ thuật múa. Bằng chứng là khi vở “Mộc”,”Dấu trừ” hay “Sương sớm” ra đời, đã được công chúng và truyền thông đón nhận rất tích cực. Với những người trong nghề như anh, như vậy đã là đủ?
Tất nhiên là không bao giờ đủ cả. Cuộc sống phát triển hàng ngày hàng giờ ở mọi lĩnh vực ngành nghề. Không ai có thể dừng chân tại chỗ và hài lòng với những gì đã đạt được.
– Ở nước ngoài, việc thưởng thức loại hình nghệ thuật múa không có gì là xa lạ. Nhưng ở Việt Nam, nó chỉ khu biệt trong một bộ phận khán giả. Anh có tham vọng đưa múa tiếp cận với khán giả Việt nhiều hơn nữa?
Đó là mong muốn của rất nhiều người trong nghề như tôi. Vì vậy, nếu thu xếp được thời gian, tôi luôn về để tham gia các hoạt động ở Việt Nam đấy thôi.
– Một trong những điều cần để đưa múa đến gần công chúng hơn nữa chính là chất lượng kịch bản và thẩm mỹ sáng tác. Anh đánh giá múa ở Việt Nam đang ở mức nào?
Xu hướng hiện nay đang chạy theo với thời cuộc thương mại hóa. Show thương mại, lễ hội hay các cuộc thi phong trào mọc ra như nấm. Mọi thứ nhanh gọn, hào nhoáng, hòng thu lợi nhuận. Nếu cứ như vậy sẽ trở thành thói quen. Thói quen sẽ trở thành văn hóa và văn hóa đó sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến đến nhận thức và thẩm mỹ của khán giả, đặc biệt là thế hệ trẻ.
– Anh có nghĩ đến lúc trở về với vai trò một người thầy truyền dạy kinh nghiệm, kỹ năng và niềm đam mê cho thế hệ kế tiếp?
Tôi luôn có khái niệm “cho để nhận – nhận để cho”. Tôi nhận được rất nhiều kiến thức và giúp đỡ của nhiều người, đó là cái vốn tôi đã và đang chia sẻ với thế hệ trẻ. Ngược lại, việc chia sẻ với các bạn trẻ cũng giúp tôi có cảm hứng nhiều hơn.
– Tôi được biết, lần này anh trở về Việt Nam với một vai trò rất khác. Không phải là diễn viên hay biên đạo múa mà lại là một đạo diễn sân khấu cho chương trình thời trang lớn. Anh muốn thử thách mình? Cuộc sống, với anh là những đỉnh núi tự tạo và cần phải vượt qua chúng?
Để đi được đến quãng đường này, tôi trưởng thành từng ngày bởi những thử thách. Người ta cho tôi cơ hội, tôi cũng phải cho bản thân mình cơ hội. Cơ hội là khởi nguồn của thành công. Cuộc sống là đỉnh núi tự tạo, cao hay thấp tùy vào khả năng và tham vọng của mỗi cá nhân. Nếu không một lần trèo lên ngọn núi đó, bạn sẽ không bao giờ biết mình đang có gì và mình có thể làm gì.
– Vì sao anh lại nhận lời làm đạo diễn F Fashion Show vào tháng 1/2013? Cá nhân anh, anh thấy mình đã làm tốt?
Tôi không muốn nói trước. Hãy để kinh nghiệm và gout của từng cá nhân đánh giá. Tôi thích thử thách mới, công việc mới, cộng tác mới, con người mới. Hơn nữa, F THỜI TRANG rất mới và tôi có cùng quan điểm là luôn hướng tới cái đẹp và cái mới. Trải nghiệm khác nhau với nhiều vai trò sẽ khiến tôi đa năng hơn. Đó là niềm tự hào của tôi.
Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện, chúc anh thành công hơn nữa với sự nghiệp của mình.
Bài: YẾN LINH – Ảnh: AN LÊ
Stylist: LÊ MINH NGỌC – Trang điểm: NAM TRUNG