“Khi học viên đến thấy tôi là một người tóc đen, da vàng chính hiệu Việt Nam có ý coi thường cho đến lúc tôi mở miệng chào hỏi mọi người bằng tiếng Anh, mọi cái nhìn đều khác“, nam biên đạo múa chia sẻ.
Về Việt Nam hơn 6 năm, John Huy Trần chưa hẳn là một cái tên được biết đến nhiều, một phần có lẽ bởi đặc thù nghề nghiệp của một biên đạo múa. Thế nhưng, khi chương trình Thử thách bước nhảy – So you think you can dance(SYTYCD) lên sóng, John Huy là một cái tên được nhắc đến nhiều sau những màn biên đạo múa ấn tượng. Anh có vẻ bề ngoài hồn nhiên hơn mức cần có của một người đàn ông ở độ tuổi ngoài ba mươi nhưng lại thừa nhiệt huyết với nghề – điều anh cho rằng mình đã may mắn chọn đúng.
Về Việt Nam là quyết định ngẫu hứng– Vì sao anh lại quyết định quay về Việt Nam khi công việc tại Canada đang ổn định?
– Mọi chuyện đến với tôi cũng nhanh và bất ngờ. Tôi nhớ đó là lúc ba má về Việt Nam thăm gia đình và hỏi tôi có muốn đi không. Tôi đang chán công việc bàn giấy, suốt ngày chỉ nghe điện thoại và giải quyết kiện tụng trong bộ phận chăm sóc khách hàng của một hãng bảo hiểm, tôi quyết định về quê hương chơi 3 tháng. Tình cờ lúc sắp xếp đồ để về, tôi cho hết đồ đạc của mình khi có bạn hỏi xin. Bạn bè thắc mắc, tôi chỉ về chơi sao cho hết đồ như sẽ không quay lại, còn tôi chỉ cười chẳng biết nói sao. Có lẽ đó là điềm báo.
Về đến Tân Sơn Nhất, người nhà nhớ nhầm giờ máy bay hạ cánh nên một mình tôi ở sân bay xa lạ hoàn toàn, không hiểu người xung quanh đang nói gì. May mắn có một người tốt bụng cho tôi mượn điện thoại để gọi cho người nhà ra đón, nếu không tôi cũng không biết hiện giờ mình như thế nào.
– Tôi về quê ở Cần Thơ, xa lắm, hình như cuối tỉnh. Cảnh đẹp, con người hiếu khách, thân thiện nhưng ở đó buồn, 6h chiều mọi người đã rục rịch buông mền đi ngủ. Thêm nữa ở đó muỗi nhiều, tôi bị sốt xuất huyết nên nằng nặc đòi về lại Canada. Trước khi về, tôi lên Sài Gòn dự định chơi khoảng 1 tuần, nhưng không ngờ chuyến đi đó giữ tôi lại đến bây giờ.– Từ đó anh ở lại Sài Gòn luôn đến giờ?
– Đành rằng công việc bàn giấy nhàm chán nhưng việc đánh đổi nó lấy một nghề nhiều bấp bênh như biên đạo múa, anh có nghĩ mình quá mạo hiểm?
– Tôi chẳng biết, chỉ biết mình đã làm công việc đó đủ lâu là 5 năm. Tiền tôi kiếm cũng đủ để học xong trường múa nên giờ tôi cần thay đổi. Tôi thấy về Việt Nam dễ chịu hơn, mọi thứ mới mẻ và quan trọng là tôi được làm việc mình đam mê, yêu thích, không chịu quá nhiều áp lực như công việc cũ.
Quan trọng là có đất “dụng võ”– Trước anh, nhiều Việt Kiều cũng hồi hương để có một cuộc sống sung túc và dư dả hơn khi mưu sinh trên đất khách. Anh cũng không ngoại lệ?
– Nếu quay ngược lại thời điểm 6 năm trước, mọi chuyện không hẳn đúng. Tôi tình cờ đi tập nhảy ở một trung tâm, cô giáo dạy tôi ở đó mở trường và mời tôi về dạy, cơ hội đến với tôi khi có người cần một biên đạo Annie’s get your gun và tôi được giới thiệu để thực hiện. Tiếp đến, tôi tình cờ gặp anh Tấn Lộc và làm việc chung nhiều từ đó đến giờ. May mắn mọi chuyện suôn sẻ nhưng tiền kiếm được không quá dễ dàng, chỉ dễ hơn một chút so với bên Canada. Quan trọng nhất là tôi được trọng dụng, và có đất “dụng võ” ở Việt Nam.
Huy Trần là biên đạo múa trong cuộc thi nhảy So you think you can dance.
– Thời gian 6 năm đã qua, anh thấy lĩnh vực mình tham gia tại Việt Nam có gì thay đổi?
– Tôi thấy mọi thứ đang khá hơn trước rất nhiều. Khán giả yêu múa nhiều hơn và ngày càng có nhiều chương trình về múa. Tôi nhớ trước đây, dì tôi đã gửi 2 đứa con cho tôi dạy múa vì chúng lười biếng và chẳng biết làm gì. Tôi phát điên lên vì nhận thức của mọi người về một bộ môn nghệ thuật lệch lạc như vậy. Bây giờ, mọi chuyện đã khác và khá hơn nên tôi không còn cơ hội để phát điên (cười).
– Hình như cái mác Việt kiều khiến cho sự nghiệp của anh dễ dàng hơn so với những đồng nghiệp trong nước?
– Tôi kể bạn nghe về cái tên của tôi nhé! Tên đầy đủ của tôi là Huy Trần và ở Canada mọi người đều gọi tôi là Huy. Khi về Việt Nam đi dạy, người ta bắt tôi chọn một cái tên nào đó “Tây” để lôi kéo học viên. Khi học viên đến thấy tôi là một người tóc đen, da vàng chính hiệu Việt Nam có ý coi thường cho đến lúc tôi mở miệng chào hỏi mọi người bằng tiếng Anh vì lúc đó tiếng Việt của tôi chưa sõi, mọi cái nhìn đều khác. Tôi nghĩ một phần cũng do tâm lý sính ngoại của một số người, đừng đổ hết lỗi cho những Việt kiều.
Nếu không ủng hộ cũng xin đừng phá– Hiện anh làm biên đạo và giám khảo khách mời cuộc thi “SYTYCD”, điều anh trông đợi ở chương trình và truyền dạy cho thí sinh những gì?
– Tôi thấy người Việt nhiều người tài quá. Tôi hào hứng với những cuộc thi như SYTYCD và điều tôi dạy các bạn thí sinh là chia sẻ kinh nghiệm cũng như định hướng, phương pháp tập luyện sao cho đúng. Ngược lại, chính các bạn dạy tôi nhiều điều về tình yêu, niềm đam mê, nhiệt huyết… Tôi chứng kiến nhiều câu chuyện cảm động, sự cấm cản, định kiến, tất cả điều đó tôi lấy làm động lực để quyết tâm thực hiện vai trò mình được giao, chỉ mong duy nhất một điều khán giả hãy có cái nhìn công tâm hơn với nghề múa. Hãy xem vũ công như những nghệ sĩ đích thực và hãy nhìn cách mà họ vượt qua mọi cản trở để đến với nghề bằng tất cả tình yêu cháy bỏng nhất.
“Tài năng đích thực không cần dùng đến scandal”.
– Rất nhiều người nổi tiếng đã lên báo bày tỏ ý kiến tất cả các show truyền hình tại Việt Nam chỉ mang tính giải trí, không có nhu cầu tìm kiếm tài năng đích thực. Là người đang tham gia vào một chương trình tìm kiếm tài năng, anh nghĩ sao?
– Tôi nghĩ rằng hãy để thời gian trả lời, mọi điều tôi nói cũng chẳng thay đổi được khi người ta đã nghĩ như vậy. Tôi chỉ nghĩ là sống cần có niềm tin và sự rộng lượng với người trẻ hơn. Nếu không ủng hộ, xin đừng phá. Thực tế đã có rất nhiều tài năng được phát hiện từ các cuộc thi âm nhạc, nhảy múa và họ đang dần khẳng định được vị trí riêng trong giới giải trí.
– “SYTYCD” là một chương trình được làm khá chất lượng nhưng sự quan tâm lại không được lớn bằng những chương trình thường xuyên có scandal. Anh nhận xét gì về việc này?
– Tôi cho rằng một tài năng đích thực không cần phải dùng đến scandal để chinh phục khán giả. Scandal giống như một sự quan tâm nhất thời, còn cái lôi kéo khán giả ở lại lâu với mình là tài năng ẩn sau sự nhất thời đó. Chẳng ai có thể cả đời làm scandal được và cũng chẳng khán giả nào yêu một ai đó cả đời vì scandal. Họ chỉ mến mộ tài năng.
– Những người chiến thắng của các cuộc thi âm nhạc thường đổi đời sau một đêm, anh có tin người chiến thắng “SYTYCD” sẽ làm được điều tương tự?
– Điều này còn tùy con đường người đó chọn. Người chiến thắng sẽ nhận 400 triệu đồng tiền mặt và hợp đồng 1 năm bồi dưỡng đào tạo, tôi nghĩ vậy cũng là “giàu có”. Những ai đến với nghề múa với mong muốn nổi tiếng, kiếm nhiều tiền ngay tức thì, tôi sợ họ đã chọn sai đường. Ai cũng biết nghề này vất vả như thế nào, tập luyện ra làm sao, đừng mong sau 1 cuộc thi bạn ngay lập tức được mọi người yêu mến và giàu có như một ngôi sao ca nhạc.
Nghề này không có tình yêu và đam mê khó theo đuổi đến cùng. Nếu bạn biết nhảy một chút, hát một ít, diễn xuất một xíu và ngoại hình khá khá, tốt nhất nên theo đuổi nghề khác như ca sĩ chẳng hạn, bạn sẽ dễ nổi tiếng và giàu có hơn. Ngay đến cả Jennifer Lopez sau khi thành công với ca hát và đóng phim, cô ấy mới nhớ ra rằng mình từng là vũ công.