Home / Tư Liệu / Những màn nhảy múa trên lửa đỏ, than hồng

Những màn nhảy múa trên lửa đỏ, than hồng

Sau mỗi mùa gặt bội thu dịp cuối năm, các chàng trai người dân tộc Phà Thẻn (một trong số dân tộc ít người nhất ở tỉnh Hà Giang và ở Việt Nam) lại cùng dân bản mở hội nhảy lửa mừng cơm mới.

Đây là một trong những lễ hội độc nhất vô nhị ở miền núi biên giới phía Bắc nước ta được bà con dân tộc Phà Thẻn sinh sống tập trung ở huyện Bắc Quang, Quang Bình (tỉnh Hà Giang) gìn giữ, bảo tồn để phục vụ đời sống văn hoá tâm linh của cộng đồng người Phà Thẻn.

Chỉ có các chàng trai người Phà Thẻn qua một giai đoạn luyện tập theo phương pháp đặc biệt mang tính cổ truyền và với rất nhiều nét huyền bí, hoang dã trong một thời gian nhất định theo hướng dẫn của thầy mo, mới có thể trực tiếp đi chân trần nhảy múa trên lửa đỏ mà vẫn bình an vô sự.

Trước khi nhảy vào đống củi lửa cháy rừng rực, các chàng trai Phà Thẻn phải cùng thầy mo, thường là những thầy mo cao tay của bản, thực hiện lễ nghi cúng thần nước và thần lửa từ hai đến bốn giờ liên tục. Chỉ đến khi hai vị thần kể trên “đồng ý”, họ mới được phép nhảy vào lửa để múa với cường độ từ động tác đơn giản đến phức tạp hơn.

Đặc biệt là các “vũ công” trong lễ hội nhảy lửa của người Phà Thẻn rất thích ăn than, vì thế trước và sau khi nhảy họ thường bốc ngay những hòn than đang cháy đỏ cho vào miệng ăn ngon lành.

Lễ vật cúng lễ hội nhảy lửa của người Phà Thẻn rất đơn sơ, gồm một bát hương nhỏ, một con gà luộc, 10 chén rượu trắng, những thanh củi gỗ rừng để đốt thành than hồng. Nếu bày nhiều rượu thịt thì thần linh sẽ không cho phép nhảy vào lửa. Phụ nữ và trẻ em trai ít tuổi chỉ được phép làm cổ động viên, không được trực tiếp tham gia nhảy vào than lửa…

Mời bạn đọc cùng xem chùm ảnh các chàng trai dân tộc Phà Thẻn ở xã Tân Lập, huyện Bắc Quang vô tư nhảy múa trên lửa đỏ, than hồng trong lễ hội nhảy lửa truyền thống độc đáo này.

Check Also

Một số đặc điểm của múa dân gian

Việt Nam có 54 dân tộc. Mỗi dân tộc đều có những điệu múa dân …