Home / Tư Liệu / Lịch sử ba lê Phần II: Thế kỷ 18 – 19

Lịch sử ba lê Phần II: Thế kỷ 18 – 19

Pháp thế kỷ 18: Ba lê phát triển thành một loại hình nghệ thuật

Giữa thế kỷ 18, một loại hình kịch nghệ mới được hình thành mang tên opera-ba lê. Ở loại hình này, cả hai phần hát và múa đều được chú trọng tương đương. Đề tài của các vở ba lê chủ yếu lấy từ thần thoại Hy Lạp.

Khi trở lên rất điêu luyện nhờ đạo tạo, các diễn viên ba lê Pháp bắt đầu biểu diễn trong các nhà hát kịch. Nhưng năm 1760, nhà biên đạo múa người Pháp Jean Georges Noverre đưa ra lời phê bình các diễn viên múa chuyên nghiệp trong cuốn sách của ông Lettres sur la danse, et sur les ballets (Những lá thư về Múa và Ba lê), Noverre phàn nàn rằng các vũ công quá chú trọng đến việc phô diễn kỹ thuật múa mà không mấy để ý đến mục tiêu chân chính của ba lê. Mục tiêu này, theo ông, là để thể hiện các nhân vật và cảm xúc của họ.

Trong các vở ba lê do Nouverre dàn dựng, hầu hết dựa trên thần thoại hoặc kịch Hy Lạp, ông luôn thôi thúc các vũ công hãy ngừng sử dụng mặt nạ, các trang phục vướng víu, và những bộ tóc giả kềnh càng để minh hoạ hoặc giải thích cho cốt truyện và nhân vật. Ông khẳng định vũ công có thể thể hiện được tất cả những điều này chỉ cần qua cơ thể và nét mặt của họ. Một khi các vũ công cởi bỏ được sự căng thẳng hoặc không thoải mái khi thực hiện những bước nhảy khó, họ sẽ thể hiện được tất cả các trạng thái tình cảm vui, buồn, sợ hãi, và yêu thương. Từ Noverre, ballet d’acttion – một hình thức ba lê kịch tính kể lại câu chuyện hoàn toàn thông qua những chuyển động – được phát triển và dần dần thay thế cho ballet d’cour trong cung đình.

Thế kỷ 19: Ba lê trong kỷ nguyên Lãng mạn

Với những biến động lớn lao trong lịch sử thế giới vào thế kỷ 19, đề tài về chúa và các anh hùng không còn được quan tâm nhiều nữa. Kỷ nguyên Lãng mạn bắt đầu với những câu chuyện đưa con người thoát khỏi hiện thực đến với thế giới của giấc mơ và những miền đất lạ.

Kỹ thuật ba lê được phát triển, đặc biệt là cho các ballerina, nhằm thể hiện những ý tưởng mới. Kỹ thuật múa trên đầu ngón chân cái của các ballerina giúp họ như các nữ thần từ thiên đường xuống thăm trần gian nhưng hầu như không bao giờ chạm vào mặt đất. Ba lê thời kỳ lãng mạng coi phụ nữ là thực thể lý tưởng và, lần đầu tiên trong lịch sử ba lê, họ được trao cho một vị trí quan trọng hơn hẳn so với nam giới. Nam diễn viên chỉ có vai trò phụ trên sân khâu nhằm nâng đỡ cho các ballerina và cho khán giả thấy họ không trọng lượng ra sao.

Nhà biên đạo người Ý Filippp Taglioni tạo ra vở ba lê lãng mạn đầu tiên La Sylphide (năm 1832), cho chính con gái ông, Marie, biểu diễn. Marie múa vai chính tron Sylphide (tiên nữ) trong trang phục sau đó đã tạo nên một xu hướng thời trang mới cho các nữ diễn viên múa. Đó là một chiếc váy trắng, nhẹ, kéo dài đến giữa đầu gối và mắt cá chân. Cánh tay, cổ và vai để trần. Marie Taglioni, với phong cách như trong mơ, đã trở thành ngôi sao rực rỡ nhất trên sân khấu Paris. Nhưng ngay sau đó, đối thủ của cô xuất hiện, ballerina người Áo Fanny Elssler trong những buổi biểu điễn tại Paris và thu hút được rất nhiều sự ái mộ. Phong cách của Elssler thể hiện cảm xúc mạnh mẽ của con người. Cô đã thể hiện một cách xuất sắc vai chính trong vở La Gypsy (1839), và cũng trở nên rất nổi tiếng với những điệu nhảy đầy sức sống mang phong cách Tây Ban Nha.

Một ballerina người Ý khác, Carlotta Crisi, cũng được đánh giá ngang hàng với Marie Taglioni và Fanny Elssler khi diễn vai chính trong Giselle (1841), vở ba lê tiêu biểu cho thời kỳ lãng mạn. Cảnh đầu tiên, cô thể hiện một thôn nữ giản đơn chết vì tình yêu. Trong cảnh tiếp theo, cô thể hiên linh hồn của cô gái đã chết với phong cách thoát tục.

Paris vẫn là kinh đô của thế giới ba lê cho đến đầu thế kỷ 19, nhưng nó vẫn giữ nguyên phong cách thời kỳ đầu. Trong khi đó nhiều vũ công và biên đạo múa được đào tạo và làm việc tại đây đem những kỹ năng của họ đến các đất nước khác và tại đó, ba lê đã có những bước cách tân mới, đặc biệt là ở Nga. Lịch sử phát triển ba lê tại Nga đóng góp một vai trò quan trọng trong lịch sử ba lê thế giới. Từ sau năm 1850, ba lê tại Pháp rơi vào thời kỳ thoái trào, trong khi lại thăng hoa tại Đan Mạch và Nga, nhờ vào sự đóng góp của những bậc thầy ba lê như August Bournonville, Jules Perrot, Arthur Saint-Léon, Enrico Cecchetti và Marius Petipa. Cuối thế kỷ 19, các đề tài mang phong cách Á Đông và Châu Phi được đưa vào ba lê nhờ sự phát triển của chủ nghĩa thực dân, tuy nhiên chúng bị bóp méo thành những xứ sở huyễn hoặc, xa xôi nơi mọi chuyện đều có thể xảy ra và trang hoàng nó bằng sự xa hoa, đẹp đẽ và bí ẩn.

Sự phát triển của Trường Ba lê Hoàng gia Nga vào thời gian rực rỡ nhất của nó, nửa sau thế kỷ 19, đã chuyển trọng tâm của thế giới ba lê từ Pháp sang Nga. Một trong những người tạo ra kỷ nguyên vàng cho Trường Ba lê Hoàng gia Nga và đóng vai trò lớn trong việc biến St. Petersburg trở thành kinh đô của ba lê thế giới là Marius Petipa. Petipa đặc biệt biên đạo những vở ba lê dành cho các vai diễn nữ trong đó phải kể đến Con gái Pharaoh (1962), The Talisman (1889), và La Bayadère (1877). Ông được biết đến nhiều nhất là biên đạo cho những vở ba lê hợp tác với Tchaikovsky vào những năm 1890 trong đó các vai chính trong Người đẹp say ngủ (The Sleeping Beauty – 1889) và Hồ thiên nga (Swan Lake – 1876) do ông tạo ra luôn là những vai diễn đáng mơ ước nhất đối với ballerina của mọi thời đại. Chiếc váy ba lê tutu ngắn xoè rộng khoe trọng đôi chân của các vũ công ba lê cũng ra đời từ thời kỳ này. Đoàn ba lê của St. Petersburg là nơi đào tạo ra những diễn viên ba lê vĩ đại nhất của mọi thời, trong đó nổi bật lên là hai cái tên Anna Pavlova và Vaslav Nijinsky. Nếu như Pavlova nổi tiếng thế giới nhờ phong cách diễn vô cùng thanh thoát, tú lệ thì Nijinsky lại làm cả thế giới đảo điên bởi sức diễn cảm tuyệt vời và những bước nhảy thần thánh trên sân khấu, mà trong các ghi chép còn lưu lại đã mô tả anh “nhảy lên cao, và như thể dừng lại, trôi lơ lửng trong không khí một lát rồi mới đáp trở lại mặt đất”. Sau khi rời khỏi Trường Ba lê Hoàng gia Nga, Pavlova và Nijinsky cùng tham gia một đoàn múa nổi tiếng khác, Ballets Russes của Sergei Diaghilev.
—————————
Tham khảo
History of Ballet on Wikipedia

The History of Ballet

History of Ballet Dancing

Ballet on Britannica

Ballets Russes on Britannica

History of Dance: An Interactive Arts Approach – Human Kinetics

History of Ballet on ccs.neu.edu

Check Also

Một số đặc điểm của múa dân gian

Việt Nam có 54 dân tộc. Mỗi dân tộc đều có những điệu múa dân …