Home / Tin Tức / Lại “nóng” chuyện bản sắc văn hóa…

Lại “nóng” chuyện bản sắc văn hóa…

Một vài cảm nhận về cuộc thi tác phẩm múa các dân tộc thiểu số của Tuong Pham đăng trên báo Văn Nghệ Công An số ra ngày 1/12 .

Cuộc thi tác phẩm múa chuyên nghiệp các dân tộc thiểu số Việt Nam: Lại “nóng” chuyện bản sắc văn hóa…

Tường Phạm

Đêm tổng kết trao giải cuộc thi tác phẩm múa chuyên nghiệp các dân tộc thiểu số Việt Nam, lần thứ nhất, khu vực phía Bắc tối 28/11 vừa qua tại Nhà hát Âu Cơ, Hà Nội diễn ra đơn giản, không ồn ào, giống như sự yên bình vốn có của làng múa. 3 huy chương vàng, 5 huy chương bạc, 7 huy chương đồng được trao cho các tác phẩm xuất sắc nhất. Cuộc thi khép lại nhưng đã kịp “xới” lên một vấn đề được đặt ra từ rất lâu nhưng không dễ tìm ra câu trả lời, đó là, làm thế nào để giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc trong nghệ thuật múa.

Những tín hiệu vui

Đây không phải là lần đầu tiên Hội nghệ sỹ múa Việt Nam tổ chức cuộc thi tìm kiếm tài năng trong lĩnh vực biên đạo, biểu diễn hay tác phẩm múa xuất sắc nhưng là lần đầu tiên tổ chức cuộc thi tác phẩm múa các dân tộc thiểu số. Có lẽ, đây là quyết định khá mạo hiểm của Hội nghệ sỹ múa Việt Nam và Hội văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam bởi phạm vi cuộc thi hẹp trong khi múa dân gian khó thu hút khán giả, nhất là khán giả trẻ. 30 tác phẩm dự thi là kết quả đáng mừng, vượt xa so với dự đoán ban đầu của Ban Tổ chức.

Mỗi tác phẩm là sự trải nghiệm của biên đạo về con người, thiên nhiên, bản sắc văn hóa, đời sống lao động, tâm linh, tín ngưỡng, tập quán của đồng bào. Các tác phẩm tham gia cuộc thi đã mang đến một bức tranh đa sắc về múa dân gian các dân tộc thiểu số Việt Nam. Theo thống kê, ngôn ngữ múa của 15 dân tộc đã được khai thác, sử dụng để dàn dựng tác phẩm múa, trong đó, nhiều nhất là dân tộc Dao (6 tác phẩm), dân tộc H’mông (6 tác phẩm), ngoài ra còn có múa của dân tộc Thái, Lô Lô, Mường, Tày, Khơ mú, Bana, Bru Vân kiều, Nùng, Pà thẻn… Ngôn ngữ múa của một số dân tộc ít được biết đến như Sila, Đan Lai, Sán chay, Pa Dí cũng đã được các biên đạo nghiên cứu, tìm tòi để đưa lên sân khấu chuyên nghiệp.

Một tín hiệu đáng mừng ở cuộc thi tác phẩm nghệ thuật múa chuyên nghiệp các dân tộc thiểu số lần này là đã xuất hiện những cách tiếp cận múa dân tộc mới, phù hợp với xu thế phát triển, xây dựng nền nghệ thuật múa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc. Khi nói đến múa dân gian, mảng đề tài mà các biên đạo khai thác nhiều nhất vẫn là tái hiện hội hè, tình yêu đôi lứa, nghi lễ tâm linh như cầu mùa, cầu mưa, cấp sắc, lễ trưởng thành… vì nó vừa mang màu sắc huyền bí, vừa mang nét riêng của từng dân tộc nên dễ thể hiện, dễ “ra chất dân tộc”. Tuy nhiên, giờ đây, mảng đề tài này không còn mới mẻ, dễ trùng lặp với sáng tạo nghệ thuật của các biên đạo trước đó.

Một số biên đạo tham gia cuộc thi đã có hướng tiếp cận mới, khai thác đời sống, tâm tư tình cảm con người, mang đến góc nhìn chân thực, sinh động và “đời” hơn về cuộc sống của người dân các dân tộc thiểu số. Tác phẩm múa “Chơi trống” (Biên đạo Xuân Chiến, âm nhạc Mạnh Tiến) đã thành công khi tái hiện cảnh những người già làng, trưởng bản truyền dạy cách đánh trống cho thế hệ con cháu. Ngôn ngữ múa dân tộc Dao được kết hợp nhuần nhuyễn với ngôn ngữ múa hiện đại phương Tây với tạo hình đẹp mắt, ấn tượng, cách biên bài chặt chẽ đã giúp “Chơi trống” đạt Huy chương vàng của cuộc thi.

choi-trong-bien-dao-xuan-chien-am-nhac-manh-tien

“Chơi trống” (Biên đạo Xuân Chiến, âm nhạc Mạnh Tiến)

Tương tự như vậy, tác phẩm “Hạt mầm” (Biên đạo Thanh Tùng, âm nhạc Xuân Dũng, tác phẩm đạt Huy chương bạc) đã tìm được cái tứ “rất đời” là câu chuyện hai vợ chồng người H’Mông sống trên đỉnh núi cao với tình yêu lao động, những đứa con được sinh ra từ tình yêu vợ chồng son sắt. Khi đó, những luật động, động tác múa dân tộc H’Mông không đơn thuần là sự chuyển động của cơ thể mà nó được sử dụng như phương tiện để kể câu chuyện xuyêt suốt về đôi vợ chồng trẻ. Tác phẩm “Duyên” (Biên đạo Tải Đình Hà, Ma Thị Nết, âm nhạc Ngô Hồng Quang, tác phẩm đạt Huy chương đồng) cũng sử dụng ngôn ngữ dân tộc H’Mông để kể câu chuyện về tình yêu nam nữ nảy nở từ lao động sản xuất. Hình ảnh chàng trai thổi khèn, cô gái dệt vải gặt nhau, yêu nhau, cùng xoay những vòng quay sợi để tạo ra tấm thổ cẩm kéo dài mãi thực sự gây ấn tượng với khán giả.

Tôi cho rằng, đây là cách tiếp cận múa dân gian dân tộc đúng hướng. Muốn có tác phẩm hay, người biên đạo phải có ý tưởng, câu chuyện làm sợi dây xuyên suốt tác phẩm của mình. Mảng đề tài trong múa các dân tộc thiểu số cần được mở rộng “biên độ”. Vấn đề về đời sống, tâm tư, tình cảm, cung bậc cảm xúc của con người dân tộc thiểu số hiện vẫn là “mảnh đất” còn nhiều khoảng trống cần lấp đầy.

Vẫn còn không ít băn khoăn

Phát biểu tại lễ tổng kết, trao giải cuộc thi, NSND Vũ Hoài, Trưởng ban Giám khảo cuộc thi đặt ra những vấn đề xoay quanh việc giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc trong múa. Thực tế cho thấy, hai xu hướng sáng tác rõ rệt của các biên đạo khi tham gia cuộc thi. Những biên đạo ở đoàn nghệ thuật các tỉnh miền núi thường sử dụng ngôn ngữ múa dân tộc gần như nguyên bản, hạn chế sử dụng ngôn ngữ múa hiện đại phương Tây, ballet vào tác phẩm, trong khi đó, các biên đạo trẻ ở các đoàn nghệ thuật lớn thường đưa nhiều ngôn ngữ, tạo hình múa đương đại vào tác phẩm múa. Trong xu thế hiện nay, ngôn ngữ múa dân tộc cần phải được phát triển và chính sự phát triển lại là cách giữ gìn bản sắc văn hóa tốt nhất. Điều quan trọng là phát triển như thế nào và phát triến đến đâu. Sự phát triển phải trên nền “cốt” của múa dân gian dân tộc mới có thể đi xa và bền vững.

Thú thực là khi xem một số tác phẩm múa tham gia cuộc thi, tôi cũng không ít lần “thót tim” vì những màn bê đỡ, nhào lộn mà có lẽ phải là những diễn viên xiếc mới có thể thực hiện thành thục. Do quá “tham” về việc phô diễn kỹ thuật mà các biên đạo đã cố đưa vào tác phẩm múa những động tác kỹ thuật khó khiến khán giả trầm trồ mà lại chẳng liên quan đến nội dung tác phẩm múa. Những cô gái H’Mông xinh đẹp, sau khi xúng xính trong chiếc váy hoa, được bạn diễn nâng lên, xoay tròn, lộn ra phía sau khiến chiếc váy bị tốc ngược rất phản cảm, thực sự không phù hợp với nét đặc trưng văn hóa của phụ nữ H’Mông. Ngoài ra, phần áo phía trên của các cô gái lại được thiết kế tiết kiệm vải đến mức tối giản, gần như mặc yếm của phụ nữ vùng đồng bằng.

Một số tác phẩm âm nhạc cho múa là sự chắp vá sống sượng các thể loại âm nhạc. “Công thức” chung được nhiều tác giả sử dụng là thu âm một vài đoạn hát tiếng dân tộc sau đó phối trên nền âm nhạc điện tử. Cách làm này khiến nhiều người nghe lầm tưởng là nhạc dân tộc nguyên bản nhưng thực chất là sự lắp ghép, tạo nên một bản nhạc múa không hoàn chỉnh. Đó là chưa kể đến việc một số bản nhạc dân tộc được phối quá hiện đại, không khác là bao so với một tác phẩm nhạc nhẹ.

Thực tế cho thấy, một số biên đạo đã cố gắng khai thác, sử dụng chất liệu múa của các dân tộc “hiếm” lên sân khấu chuyên nghiệp. Sự nỗ lực, tìm tòi của các biên đạo là rất đáng ghi nhận. Tuy nhiên, cũng phải nhận thấy rằng, do là ngôn ngữ múa mới, chưa được nghiên cứu kỹ lưỡng nên khi đưa lên sân khấu chuyên nghiệp, khán giả không thấy được nét đặc trưng riêng biệt trong múa của dân tộc đó. Tác phẩm múa “Lằm tửng” (Biên đạo NSƯT Lâm Nguyên, âm nhạc, âm nhạc Hoàng Tuấn) trong cuộc thi múa lần này là một ví dụ. Tác phẩm sử dụng ngôn ngữ múa của dân tộc Đan Lai nhưng khán giả chỉ thấy trong đó ngôn ngữ, luật động, tạo hình của múa hiện đại phương Tây. Tương tự như vậy, rất khó để tìm thấy nét đặc trưng trong những tác phẩm sử dụng ngôn ngữ múa của dân tộc Sila, Sán Chay hay Pa Dí. Múa là một thành tố của văn hóa và giữ nét đặt trưng riêng trong vốn mủa của từng dân tộc sẽ góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa của dân tộc đó.

Check Also

Thử thách cùng bước nhảy Tập 11: Chung kết 3 ngày 3/11

Xem lại Top 16 của “Thử thách cùng bước nhảy – So you think you …