Home / Nghệ Sĩ / Trần Ly Ly: Đừng nghĩ nghệ sỹ múa chỉ “tứ chi phát triển”

Trần Ly Ly: Đừng nghĩ nghệ sỹ múa chỉ “tứ chi phát triển”

Như là “bệnh nghề nghiệp,” Trần Ly Ly chẳng thể ngồi yên lúc trò chuyện. Đúng là, gặp Ly Ly là thấy… múa. Cơ thể chị chuyển động cùng câu chuyện – vừa nói, Ly Ly vừa minh họa cho lời thoại bằng những động tác hình thể.

Biên đạo múa Trần Ly Ly (Ảnh: Nhân vật cung cấp)


Đang cười giòn tan thích thú, bỗng dưng, chị “dài giọng” đầy ngạo nghễ: “Với múa đương đại, không phải cứ có tiền là làm được đâu em!”

Chị thu hút người đối diện bởi cách nói chuyện “lên bổng xuống trầm” rất có điểm nhấn và nhiều sắc thái ấy. Chị cũng “thách thức” người ta “đọc” và giải mã được những ẩn ý trong câu chuyện, con người Ly Ly bằng những cái nháy mắt đầy cá tính.

Nói về bộ môn nghệ thuật mà mình theo đuổi, giọng Ly Ly đầy say sưa, thích thú nhưng cũng không ít trăn trở, suy tư.

Chông chênh con đường sống

– Đến với Liên hoan “Châu Âu gặp châu Á trong múa đương đại 2014,” chị chọn đưa “7X” lên sân khấu. Chắc hẳn, việc này xuất phát từ một lý do gì đặc biệt?

Biên đạo múa Trần Ly Ly: Tôi rất tự hào về vở múa“7X.” Từ trước đến nay, đây là dự án múa đương đại duy nhất ở nước ta được làm hoàn toàn bởi những nghệ sỹ Việt Nam.

Đúng như tên gọi, tác phẩm chứa trong đó câu chuyện về thế hệ 7X ở Việt Nam. Những người thuộc thế hệ này mà tôi đã gặp, phỏng vấn đều có một điểm chung rất đặc biệt.

– Điểm chung đó là gì vậy, thưa chị?

Biên đạo múa Trần Ly Ly: 7X là giai đoạn chuyển giao giữa 6X và 8X. Họ chứng kiến những bước chuyển giao lớn trong lịch sử, đời sống, xã hội Việt Nam.

Những người thuộc thế hệ 6X luôn cho rằng, họ có lý tưởng, niềm tin và mục tiêu trong cuộc sống rất rõ ràng. 8X thể hiện sự thay đổi nhanh chóng với những quyết định táo bạo để thích nghi với điều kiện, hoàn cảnh mới.

Trong khi đó, 7X mang trong mình những mâu thuẫn nội tại rất lớn, lúc nào cũng đau đáu suy tư. Chính điều này đã làm cho cuộc sống của họ luôn bị giằng xé giữa nhiều thái cực. Người ta loay hoay, chật vật giữa những ngã rẽ, những sự lựa chọn.

Hơn nữa, tuổi thơ của thế hệ 7X gắn với thời bao cấp, tức là cũng đã từng xếp gạch đặt chỗ chờ mua đồ, xách nước từ tầng 1 lên tầng 4 ở các khu tập thể… Những trải nghiệm đó kiến tạo nên một quan niệm, tâm thế nhiều bí ẩn: Một mặt, họ luôn lo sợ phá vỡ những chuẩn mực cũ. Mặt khác, chính những con người này cũng luôn khát khao phá cách, đi vào thế giới mới.

– Bản thân chị cũng là một 7X. Vậy, liệu trong tác phẩm có phảng phất chút gì câu chuyện, hình ảnh của chính chị?

Biên đạo múa Trần Ly Ly: Bản thân tôi cũng là một người 7X nên tôi hiểu cách 7X hình dung về cuộc sống và tôi cố gắng truyền tải điều đó vào tác phẩm.

Nếu khán giả xem vở múa là người Việt hoặc những người thực sự hiểu về đời sống, xã hội ở thời điểm lịch sử thể hiện trong “7X” thì họ sẽ cảm nhận được chất Việt trong đó. Đó không phải là câu chuyện của cá nhân ai. Tôi cho rằng, không phải cứ mặc một bộ quần áo đậm chất Việt Nam thì mới là Việt Nam.

Ngôn ngữ của múa đương đại đã vượt qua ranh giới của điều đó: không có chuyện Việt hay chuyện Tây ở đây. Vấn đề là ở con người.

“7X” sẽ được giới thiệu tại Liên hoan “Châu Âu gặp châu Á trong múa đương đại 2014” vào tối 28/9 (Ảnh: NVCC)

“Thắp đèn dầu học múa đương đại”

– Ở những dự án múa đương đại khác, khi làm việc với biên đạo múa nước ngoài, chị thấy, diễn viên Việt Nam có bị “hẫng”?

Biên đạo múa Trần Ly Ly: Diễn viên của mình đang yếu về tư duy; còn về mặt kỹ thuật, họ không kém đâu!

Để làm việc với các biên đạo nước ngoài, tư duy của diễn viên múa Việt Nam cần phải mở rộng hơn rất nhiều. Hiện nay, sự tưởng tượng của diễn viên múa Việt Nam vẫn khá hạn chế.

Họ thiếu tự tin vào bản thân để tìm tòi về yêu cầu người ta đưa ra. Họ diễn và thường nghĩ “ừ, chắc thế cũng được rồi đấy nhỉ” hay thậm chí, không dám hỏi người ta xem phải làm như thế nào để đạt được yêu cầu đặt ra.

Tôi nghĩ, diễn viên phải sẵn sàng với chuyện “tôi là con số không” và bây giờ bắt đầu từ vạch xuất phát.

– Nói vậy, Trần Ly Ly cũng đã từng là “một con số không”?

Biên đạo múa Trần Ly Ly: Tất nhiên là không biết thì mới cần phải học! Khi mới đến với múa đương đại, tôi đã nhiều lần phát khóc.

Chúng tôi khóc không phải vì sợ biên đạo mà vì ức: sao mình không thể hiểu được điều mà biên đạo nói? Ta khóc vì không làm được điều mà biên đạo đang chờ đón, hy vọng, có cái gì đó mà mình chưa bám, chưa với tới được.

Múa đương đại đòi hỏi sự linh hoạt, sức sáng tạo và tưởng tượng không ngừng. Trong khi, với múa cổ điển, đôi khi các động tác được thực hiện, lặp lại như thói quen.

Thông thường, diễn viên múa đương đại là diễn viên đã trưởng thành. Tôi cho rằng, không thể có chuyện một diễn viên non nớt về nghề lại có thể thành công với múa đương đại. Trên sân khấu, diễn viên phải thoát được con người đời thực của mình để nhập vào nhân vật thì mới có thể thành công.

Có những buổi sáng thức dậy, chúng tôi không thể bò ra khỏi giường và không thể đứng nổi. Tôi nhấn mạnh cụm từ “bò ra khỏi giường” với đúng nghĩa đen của nó nhé!

Đấy là tập luyện thể chất, còn lao động trí não thì cực khổ hơn nhiều. Đừng nghĩ nghệ sỹ múa chỉ “tứ chi phát triển.” Họ phải suy nghĩ rất thấu đáo, nghiêm túc để có được ý tưởng sâu sắc, cấu trúc chặt chẽ và cách thể hiện sắc nét ý đồ nghệ thuật ấy.

– Vậy, ta có thể hình dung về thực trạng múa đương đại ở Việt Nam hiện nay thế nào, thưa chị?

Biên đạo múa Trần Ly Ly: Đội ngũ những người làm múa đương đại ở Việt Nam còn yếu và nền tảng lý luận cho bộ môn này ở nước ta cũng còn thiếu.

Nền tảng lý luận của múa đương đại vốn dĩ đã rất rộng với rất nhiều phong cách. Bây giờ, để có một nền tảng cho việc đào tạo bài bản múa đương đại ở Việt Nam, chúng ta phải biết cách thu nhận kho kiến thức chung của thế giới. Sau đó, những người làm nghề sẽ phải hệ thống lại thành chương trình phù hợp với điều kiện làm nghệ thuật thực tế của Việt Nam.

Với những người muốn đeo đuổi nghiệp này, tập 20 tiếng/tuần có khi còn chưa ra được kết quả gì, chứ đừng nói là chỉ có 4 tiết/tuần (tương đương với khoảng 3 tiếng) cho môn múa đương đại như ở các trường đào tạo múa.

Nhưng như thế đã là tốt hơn rất nhiều so với thời kỳ thầy và trò chúng tôi “thắp đèn dầu học múa đương đại” rồi!

– Đến nỗi “thắp đèn dầu học múa đương đại” ư?

Biên đạo múa Trần Ly Ly: Đúng thế! Thời kỳ đó cách đây khoảng 5-7 năm, khi chương trình đào tạo trong các trường múa ở Việt Nam chưa hề có bộ môn múa đương đại.

Vì không có trong chương trình thì không được xếp phòng học. Vậy là cứ sau giờ học chính khóa, cô ngồi ở phòng nào đó đợi học trò lên. Bị cắt điện, không có các thiết bị âm thanh, ánh sáng hỗ trợ thì cô trò tự tập với nhau trong bóng tối đến 9-10 giờ đêm…

Đi để trở về

– Nói thế tức là nghệ sỹ múa đương đại Việt Nam vẫn rất khó sống và có môi trường học tập, làm nghề đúng nghĩa?

Biên đạo múa Trần Ly Ly: Đúng là rất khó! Bởi thế, tôi vẫn luôn cố gắng thổi cho học trò của mình quyết tâm đi nước ngoài học – đi để trở về! Bản thân tôi cũng đã đi một thời gian khá dài và tôi thu nhận được những kiến thức, kinh nghiệm rất bổ ích (mà nếu ở Việt Nam thời gian đó, tôi sẽ không thể có được).

Trần Ly Ly luôn khuyến khích học trò của mình “đi để trở về” (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

– Khó khăn là vậy, thảo nào, các dự án múa đương đại ở Việt Nam phần lớn vẫn chưa thể sống bằng việc bán vé!

Biên đạo múa Trần Ly Ly: Các dự án múa đương đại chưa bán vé bởi vẫn được tài trợ.

Đến thời điểm này, ở Việt Nam, múa đương đại vẫn khá mới mẻ. Tôi cho rằng, nếu bán vé theo kiểu hỗ trợ, giúp đỡ thì được. Còn nếu bán vé mà đặt ra yêu cầu doanh thu thì chưa ổn.

Thế nhưng, trong tương lai, các vở múa đương đại chắc chắc sẽ phải tiến ra thị trường. Quá trình vận động đó sẽ hình thành hai dòng chảy: những tác phẩm nghệ thuật và những vở múa mang tính giải trí.

Những tác phẩm theo xu hướng thứ nhất sẽ rất trừu tượng, “cô đặc” về hàm ý. Cũng vì thế, nó “kén” người xem. Dẫu vậy, Trần Ly Ly vẫn sẽ kiên định với lựa chọn này.

Theo xu hướng thứ hai, các vở múa sẽ được dàn dựng “dễ dãi” hơn, “chiều” theo thị hiếu của số đông khán giả hơn và thậm chí còn cần cả chiêu trò để thu hút người xem.

Cả hai dòng sẽ cùng tồn tại, phát triển và cần được phân biệt rõ ràng. Khi đó, tôi cho rằng, đây là một điều tốt! Nó giống như việc chúng ta cung cấp cho khán giả những món ăn khác nhau để họ có thêm nhiều sự lựa chọn.

– Trên đường tiến ra thị trường và đến gần hơn với công chúng đó, điều gì khiến chị trăn trở nhất?

Biên đạo múa Trần Ly Ly: Một trong những điều khiến tôi băn khoăn nhất hiện nay là: Việt Nam chưa có đội ngũ những nhà phê bình múa đương đại chuyên nghiệp. Trong khi đó, phê bình là thước đo của nghệ thuật. Nó tỷ lệ thuận với việc phát triển nghệ thuật múa.

Nhiều người vẫn cho rằng phê bình là chê. Quan niệm đó hoàn toàn sai. Phê bình phải bao gồm cả hai dòng (khen và chê) song song tồn tại.

Hiện nay, ở Việt Nam, múa đương đại vẫn thách thức cả biên đạo, diễn viên, khán giả và người phê bình! Đôi khi, có tiền cũng không giải quyết được vấn đề. Điều mấu chốt nhất là có người làm một cách tử tế hay không?

Đơn cử như với bản thân tôi, để kết hợp cùng lên ý tưởng cho một vở múa, tôi cần một người đồng điệu, đủ tri thức và bản lĩnh để “đánh đập” tôi. Để rồi sau đó, cả hai sẽ cùng đưa ra được ý tưởng, cấu trúc chặt chẽ.

– Trân trọng cảm ơn chị về cuộc trò chuyện! 

AN NGỌC (VIETNAM+)

Check Also

Nhảy múa cùng Lois Greenfield

Trong các loại hình nghệ thuật của thế giới thì múa là một nghệ thuật …