Home / Nghệ Sĩ / Lê Ngọc Văn: ‘Khi múa, tôi có thể trở thành bất kỳ ai’

Lê Ngọc Văn: ‘Khi múa, tôi có thể trở thành bất kỳ ai’

“Cảm giác là người duy nhất thật khó tả, tôi tự hào và vinh dự khi được làm việc ở Anh” – nghệ sĩ, biên đạo múa Lê Ngọc Văn chia sẻ cảm xúc khi trở thành nghệ sĩ Việt duy nhất trong Đoàn vũ kịch quốc gia xứ sương mù.

– Sau 7 năm học ở Việt Nam, hơn 15 năm đào tạo và làm việc ở châu Âu, giờ anh đã có hơn 20 năm trong nghề, một quãng thời gian khá dài. Trở lại với những ngày đầu tiên, anh đến với múa như thế nào?

– Lúc đầu tôi không chọn nghề múa, ngày ấy, tôi còn quá trẻ để có thể đưa ra quyết định cho tương lai của mình. Bố tôi, Nghệ sĩ Nhân dân Lê Ngọc Cường, và mẹ tôi, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Kim An, lúc đó đều dạy ở trường múa, vì thế bố mẹ cho tôi học múa để có thể chăm sóc con dễ hơn.

– 5 năm học tập và khổ luyện tại Viện Hàn lâm Múa và Âm nhạc quốc gia Lyon – National Superior Conservatory of Music and Dance in Lyon (CNSM), cơ duyên nào đã đưa anh rẽ sang một trang mới khi được tuyển chọn vào Đoàn vũ kịch quốc gia Anh – English National Ballet (ENB)?

– Lần đầu tiên tôi được chọn làm việc ở Ballet National de Marseille, đó là công ty ballet lớn thứ hai ở Pháp, chỉ sau Paris Opera Ballet. Tôi là vũ công chính thức cho công ty này trong vòng 5 năm, cho đến khi tôi quyết định chuyển đến Anh sau một buổi diễn thử thành công. Có hơn 500 nghệ sĩ từ khắp nơi trên thế giới đến thi tài và chỉ có 5 người được chọn và mời ký hợp đồng. Tôi nằm số đó. Công ty càng lớn thì càng khó vượt qua, ENB có 65 vũ công quốc tế chính thức và 45 nhạc sĩ, so với các vũ đoàn khác khi đó như Rambert Dance hay Ramdom Dance, họ chỉ tuyển tối đa 20 vũ công và thường chỉ là 10-15 vũ công mà thôi.

Nghệ sĩ múa Lê Ngọc Văn.
– Để được là một diễn viên của English National Ballet, anh đã phải trải qua quá trình tuyển chọn như thế nào?

– Từ Marseille, Pháp, tôi đã gửi hồ sơ đến ENB và được mời đến biểu diễn thử ở London. Sau đó tôi đến đại sứ quán Anh ở Paris để xin visa, nhưng khi nhận được thư mời của ENB, họ đã cấp ngay visa cho tôi mà không phải chờ đợi gì và chúc tôi may mắn. Đó quả là một bất ngờ tuyệt vời. Đêm trước buổi biểu diễn thử, tôi phải diễn với Ballet National de Marseille ở Paris. 6 giờ sáng hôm sau tôi lên chuyến tàu Eurostar đến London, đó quả là một buổi sáng mệt mỏi và buồn ngủ. 3 tiếng sau thì tôi đến London, khởi động, dán số báo danh trước ngực và chờ đợi đến lượt mình được gọi vào.

Đó quả thực là một ngày dài, tràn ngập hưng phấn, kiệt sức và có chút bối rối khi tôi tự hỏi mình đang làm gì ở đây, nhưng trái tim mách bảo tôi rằng tôi đang đi tìm kiếm cơ hội để trở thành một nghệ sĩ được làm việc tại một trong 10 công ty ballet hàng đầu thế giới. Đó là giấc mơ mà tôi chưa bao giờ nghĩ có thể xảy ra.

– Cảm giác của anh ra sao khi được làm việc tại English National Ballet?

– Cảm giác được là một người duy nhật thật khó tả, tôi cảm thấy rất tự hào và vinh dự khi được làm việc ở đây. English National Ballet là vũ đoàn ballet cổ điển nổi tiếng thế giới, cái tên mà nhiều người không thể nào quên. Vũ đoàn của chúng tôi sở hữu những vũ công tuyệt vời từ 28 nước khác nhau, trong đó có rất nhiều người đến từ Nga, Cuba, Nhật Bản. Vũ đoàn có cả một câu chuyện dài về việc đưa ballet cổ điển đến với khán giả. Đây là món quà vô giá dành cho sự chăm chỉ trong suốt quá trình luyện tập của tôi khi ở Việt Nam và Pháp, và sự chăm chỉ này tôi khó có thể đạt được nếu như không có sự giúp đỡ và ủng hộ từ phía gia đình, đặc biệt từ bố mẹ và chị gái tôi – giảng viên múa Lê Minh Thu, và từ phía thầy cô của tôi khi học ở Việt Nam, trong đó có cô Nguyễn Thanh Thủy, thầy Trần Quốc Cường và thầy Phillippe Cohen.

– Không chỉ là một nghệ sĩ biểu diễn, anh còn tham gia biên đạo và dàn dựng cho nhà hát, đây là một cơ hội quý giá mà không phải nghệ sĩ nào cũng có tài năng và cơ hội đạt được. Làm thế nào để anh có thể làm tốt cả hai vai trò này của mình tại Đoàn vũ kịch quốc gia Anh?  

– Tôi cảm thấy rất may mắn và hạnh phúc khi vừa được biểu diễn và sáng tạo. Nhưng nó cũng rất khó khăn, như là mình đang làm một lúc hai công việc vậy. Tất cả vũ công ballet đều phải dành cả ngày của họ cho việc rèn luyện trên sàn tập, nó đặt áp lực lên thể lực và trí tuệ rất nhiều, với những đòi hỏi rất cao về kỹ thuật. Cơ thể bạn sẽ cảm thấy đau nhức và mệt mỏi vào cuối ngày, vì vậy công việc khó khăn nhất đối với tôi là giữ sự tập trung, cả về thể chất lẫn tinh thần, vì đến tối tôi vẫn phải làm việc tiếp như nghiên cứu âm nhạc, trang phục, ánh sáng… và dĩ nhiên là sáng tạo cả những động tác mới. Tôi phải dành gần hết quỹ thời gian của bản thân cho nghệ thuật và không có nhiều thời gian quan tâm đến đời sống cá nhân.

Lê Ngọc Văn miệt mài trên sàn tập.
– Không chỉ có áp lực về việc luyện tập, biểu diễn, sáng tạo tác phẩm mới, ở một nơi có rất nhiều nghệ sĩ, diễn viên solist tài năng, áp lực khi phải cạnh tranh trong một đoàn ballet danh tiếng là như thế nào?

– Dĩ nhiên có rất nhiều áp lực và căng thẳng, thật không dễ dàng gì khi làm việc với những nghệ sĩ ballet hàng đầu thế giới, vì họ đặt rất nhiều kỳ vọng vào bạn. Khi họ là những tên tuổi quốc tế, họ có thể từ chối những bước nhảy mình đề nghị, họ có thể xin không tham gia vào vở diễn, họ có thể không thích cách làm việc của bạn, phong cách múa của bạn, và có thể từ chối làm theo các động tác múa của bạn… rất nhiều thứ như vậy có thể xảy ra. Vì thế tôi luôn cố gắng không nghĩ quá nhiều về những áp lực này, mà chỉ cố gắng làm việc chăm chỉ, hết sức mình để đạt được kết quả tốt nhất.

– Anh từng nói: “Biên đạo múa là nghề của tự do, nghệ sĩ không bị ràng buộc bởi một phong cách hay định hướng nào. Ta được tự do tạo tác phong cách từ trí tưởng tượng của riêng mình“. Nhưng anh có ảnh hưởng bởi phong cách của nghệ sĩ nào?

– Với vai trò là một vũ công thì tôi thích Manuel Legris, Baryshnikov, Silvie Guillem, Tamara Rojo, Daria Klimentova hay Polina Semionova. Với vai trò là một biên đạo múa thì Jiry Kylian và G. Balanchine là những người có sức ảnh hưởng với tôi. Khi trưởng thành, đi khắp nơi, học được nhiều điều từ cuộc sống, hiểu biết về thế giới, đương nhiên sẽ có nhiều người có sức ảnh hưởng đến sự nghiệp của tôi, nhưng tôi sẽ nói người có sức ảnh hưởng lớn nhất là bố mẹ tôi. Họ là ví dụ điển hình của những người làm việc chăm chỉ, tài năng, sáng tạo, cống hiến hết mình với nghề.

– Trong múa, anh thích và ghét nhất điều gì?

– Múa là ngôn ngữ hình thể, bạn có thể bộc lộ cảm xúc của mình thông qua các chuyển động của cơ thể để diễn tả từ nỗi buồn cho đến hạnh phúc, tình yêu, giận dữ, cô đơn, vẻ đẹp… Tôi yêu múa bởi vì tôi có thể cảm nhận được sự tự do và hạnh phúc, tôi có thể trở thành bất kỳ ai mà tôi muốn khi ở trên sân khấu. Múa cũng mang lại cho tôi cơ hội được đi du lịch khắp nơi trên thế giới. Tôi không hề ghét múa chút nào, nhưng thỉnh thoảng tôi cảm thấy lười biếng khi mỗi tuần có đến 14 buổi biểu diễn Hồ Thiên Nga và The Nutcracker.

– Tác phẩm múa anh yêu thích nhất?

– Mỗi tác phẩm đều có cảm nhận và ý nghĩa khác nhau, nhưng nói đến tác phẩm mà tôi yêu thích thì sẽ là “Vue de I’autre”. Tác phẩm này từng được trình diễn ở Việt Nam cùng với ENB, và cả ở London, Hong Kong, Đài Loan và Mexico.

– Ngoài múa ra, anh còn có sở thích nào khác?

– Tôi thích du lịch và ôtô, đặc biệt thích lái chiếc xe của tôi. Tôi cũng thích bơi lội, đi tập gym và xem phim.

– Các nghệ sĩ thế giới đánh giá cao về tính Á Đông trong các tác phẩm của anh. Anh có thể chia sẻ đôi chút kinh nghiệm của mình tới các nghệ sĩ Việt Nam trong việc giao thoa giữa ngôn ngữ múa nước ngoài và múa Việt Nam?

– Tôi nghĩ mỗi biên đạo múa đều có cảm nhận riêng khi sáng tạo. Tôi lớn lên ở Việt Nam, được đào tạo tại trường của Việt Nam, khi chuyển đến Pháp thì đó là một thế giới hoàn toàn mới mẻ, hoàn toàn khác biệt so với những gì tôi đã học được ở Việt Nam. Nhưng tôi rất cởi mở khi tiếp thu mọi thứ và cố gắng chọn lọc ra những gì tốt nhất của cả hai thế giới cho bản thân và sử dụng điều đó để sáng tạo ra các điệu múa ballet theo phong cách của riêng mình. Tất nhiên, các công ty ballet khác nhau sẽ có những tiêu chuẩn và phong cách khác nhau, vì vậy bạn cần nhanh chóng thích nghi và tận dụng khả năng sáng tạo của mình cho công ty mà bạn làm việc.

Nghệ sĩ Lê Ngọc Văn hóa thân thành nhân vật quý tộc trong tác phẩm “Cinderella”.
– Kế hoạch trong năm nay của anh?

– Tôi đang đi lại giữa London và Thượng Hải, để chuẩn bị một dự án mới với Đoàn vũ kịch Thượng Hải (Shanghai Ballet) lần đầu ra mắt công chúng dự kiến vào đầu tháng 5 tới ở Thượng Hải. Và tôi còn có 3 chương trình biểu diễn tại Khán phòng London Coliseum. Sau khi công việc ở Thượng Hải hoàn thành, tôi sẽ quay trở lại London để diễn tập vở Hồ Thiên Nga với sự tham gia của 120 vũ công trên sân khấu, trong đó có cảnh 60 con thiên nga trắng tạo nên một con thiên nga lớn tuyệt đẹp. Đó sẽ là một màn biểu diễn tuyệt vời không nên bỏ lỡ, và nó sẽ được biểu diễn vào tháng 6 tại Royal Albert Hall ở London, một trong những nhà hát nổi tiếng nhất thế giới. Tháng 7 tôi sẽ có một tuần nghỉ hè tại Coliseum, rồi tôi sẽ trở lại vào mùa tiếp theo từ tháng 9, cho ba tháng lưu diễn ở Anh cho vở ballet mới “Le Corsaire”.

– Ở Việt Nam, múa vẫn là môn nghệ thuật kén khán giả, anh có chia sẻ gì với khán giả Việt Nam về cách hiểu và cảm nhận một tác phẩm và tương lai, anh có dự định, kế hoạch gì đối với ngành múa nước nhà?

– Lần về thăm quê hương gần đây nhất đó là vào tháng 9 năm ngoái, tôi đã về thăm bố mẹ ở Hà Nội và chị gái tôi ở TP HCM. Tôi và gia đình cũng đã đi du lịch đảo Phú Quốc, được tắm nắng, ăn đồ biển. Đối với tôi phong cảnh và đồ ăn Việt Nam vẫn vô cùng hấp dẫn. Dù không có nhiều thời gian, khi có thể tôi luôn muốn được trở về. Và tôi rất vui khi đọc những bài báo viết về mình, không phải vì nghĩ mình đã được nổi tiếng, mà biết thêm rằng vẫn còn những khán giả, những tờ báo quan tâm đến nghệ thuật múa. Bây giờ, tôi đang làm việc với một vũ đoàn ballet chuyên nghiệp trong một khoảng thời gian, vì vậy tôi có thể biết được hoạt động của vũ đoàn như thế nào, để học cách quản lý, phát triển, mang đến cho khán giả ra sao… Trong tương lai, tôi mong muốn được quản lý và hướng dẫn một vũ đoàn ballet ở Việt Nam, nơi tôi có thể giảng dạy, biên đạo và đưa những nghệ sĩ của mình trình diễn tại nhiều nơi trên thế giới, để giới thiệu và quảng bá văn hóa và con người Việt Nam, và để cho mọi người có thể thấy rằng Viêt Nam chúng ta có thể làm được điều đó.

Tôi nghĩ do văn hóa và môi trường xung quanh, bạn không thể ép buộc khán giả thích múa. Những nước khác nhau thì có cách thưởng thức khác nhau: người Anh dường như thích những câu chuyện thần tiên, những điệu múa ballet theo đúng phong cách cổ điển, như câu chuyện với Romeo và Juliet, Hồ Thiên Nga hay Công chúa ngủ trong rừng. Những vở diễn này dường như bán vé rất chạy. Khán giả Pháp, Đức hay Mỹ thì lại thích các chương trình tổng hợp, theo phong cách tân cổ điển và hiện đại hơn.

Thường khi bạn tới xem một vở ballet cổ điển, hay một chương trình nghệ thuật tạp kỹ…, bạn sẽ nhận được tờ chương trình, với những câu chuyện hay lời giải thích để bạn có thể đọc và hiểu được màn biểu diễn đó. Nhưng có nhiều khán giả đến xem ballet bởi vì họ thích không khí trong nhà hát, họ cảm thấy được sự kỳ diệu, họ ngưỡng mộ cách các vũ công di chuyển trên sân khấu, kỹ thuật điêu luyện làm cho họ cảm thấy ấn tượng và còn cả bởi vẻ đẹp, những giấc mơ, sự thư thái, khám phá hay niềm hạnh phúc.

Nghệ sĩ, biên đạo múa Lê Ngọc Văn sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, xuất thân trong một gia đình có truyền thống làm nghệ thuật. Bố anh NSND Lê Ngọc Cường, là giảng viên, biên đạo múa, nguyên Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch). Mẹ anh là NGND Nguyễn Kim An, giảng viên múa Cao đẳng Múa Việt Nam. Chị gái Lê Minh Thu, thạc sĩ, giảng viên múa và là diễn viên múa trẻ tài năng.Sau tốt nghiệp xuất sắc khóa 19 trường Cao đẳng Múa Việt Nam, anh được trao tặng giải thưởng Tài năng trẻ và giành học bổng du học Pháp.Từ năm 1996 đến 1998, anh được đào tạo chuyên sâu về múa ballet cổ điển tại Viện Hàn lâm Múa và Âm nhạc quốc gia Lyon, Pháp.Tháng 9/1998, sau khóa học anh được nhiều nhà hát ballet của Pháp, Anh, Hà Lan mời về làm việc, nhưng anh đã chọn làm việc tại Đoàn Ballet Marseille, Pháp.Năm 2003 anh trúng tuyển vào Đoàn vũ kịch quốc gia Anh. Không chỉ tham gia với vai trò là diễn viên, anh còn là biên đạo múa xuất sắc, dàn dựng nhiều tác phẩm trình diễn đến nhiều nơi trên thế giới. Và hiện nay anh là một trong những nghệ sĩ đệ nhất (first artist) của Đoàn vũ kịch quốc gia Anh.

 Hạnh Nguyên

Check Also

Nhảy múa cùng Lois Greenfield

Trong các loại hình nghệ thuật của thế giới thì múa là một nghệ thuật …