Viện Hải Dương Học nằm ở địa chỉ số 1 Cầu Đá, Vĩnh Hòa, Nha Trang, Khánh Hòa, cách thành phố Nha Trang 6km về phía Đông Nam. Viện Hải Dương Học Nha Trang được thành lập vào năm 1923, ra đời sớm nhất tại Việt Nam và là nơi lưu giữ rất nhiều sinh vật, thực vật biển quý hiểm được mang từ nhiều quốc gia Châu Á về đây.
Với việc sở hữu tới 23.000 mẫu vật của hơn 5.000 loài sinh vật biển và động thực vật, viện Hải Dương học nay đã trở thành kho tàng sinh vật biển quý hiếm nhất của Việt Nam.
Nhờ vị trí địa lý, Nha Trang là nơi có vùng biển sâu nhất Việt Nam, gần nhất với vùng biển Quốc tế, là nơi giao nhau giữa hai dòng biển nóng và lạnh, tạo nên môi trường sinh sống thuận lợi cho nhiều loài sinh vật biển, do đó thành phố này được các nhà khoa học chọn làm nơi đặt viện nghiên cứu từ năm 1923.
Ngoài mục đích nghiên cứu chuyên ngành hải dương học thì Viện Hải Dương Học còn là một trong những địa chỉ thăm quan nổi tiếng ở Nha Trang, có thể đón 1000 lượt khách du lịch mỗi ngày.
Giá vé vào cửa Viện Hải Dương Học:
Người lớn: 40.000 đồng/người/lượt
Sinh viên: được giảm 50% còn 20.000 đồng/người/lượt. Tất nhiên bạn phải mang thẻ sinh viên đi để chứng minh.
Học sinh: được giảm 75% còn 10.000 đồng/người/lượt.
Hướng dẫn viên du lịch: Liên hệ với nhân viên bảo tàng để được hỗ trợ
Ngoài ra, không thu phí tham quan Viện hải dương học đối với khách tham quan là người khuyết tật đặc biệt nặng, trẻ em dưới 6 tuổi hoặc trẻ em có chiều cao dưới 1,2 m.
Giảm 50% giá vé đối với các đối tượng được hưởng chính sách ưu đãi hưởng thụ văn hóa, người cao tuổi và người khuyết tật theo quy định.
Viện Hải Dương Học có 2 khu vực chính có thể tham quan đó là Bảo Tàng Sinh Vật Biển và Bảo Tàng Hải Dương Học
Bảo tàng sinh vật biển lưu giữ nhiều mẫu quý hiếm như cá Tầm, cá Vua, cá Mặt trăng đuôi nhọn, Trai khổng lồ, Hải cẩu, cá Ông Chuông,… Mẫu sinh vật không chỉ đến từ đại dương Việt Nam mà còn đến từ vùng biển Campuchia, Thái Lan và các vùng nước lân cận.
Bảo tàng Hải Dương Học nổi tiếng với những bộ mẫu vật “khủng”. Khu mẫu vật lớn của bảo tàng có 3 bộ xương hóa thạch khổng lồ được trưng bày trong không gian rộng 200m2.
Bộ xương lớn nhất là của loài cá Voi lưng gù dài 18m, nặng 10 tấn, vốn bị chôn vùi dưới lòng đất ở đồng bằng sông Hồng hơn 200 năm trước khi được phát hiện.
2 trong 3 mẫu hóa thạch lớn khác là bộ xương cá Nạng Hải dài 3,5m, rộng 5m, nặng gần 1 tấn và bộ xương Bò biển – một loài thú biển quý hiếm đang có nguy cơ bị tuyệt chủng.
Khu nhà kính của viện được xem như một thủy cung thu nhỏ.
Viện Hải Dương học Nha Trang sở hữu khu bể nuôi ngoài trời rộng 5.000m2, bao gồm các hồ nuôi hơn 300 loài sinh vật biển sống quý hiếm như: cá Mập, cá Đuối, cá Chình, cá Mú, tôm Hùm, Rùa biển, san hô,…
Công viên Trường Sa được khai trương từ tháng 9/2017 là công viên duy nhất chuyên trưng bày tài nguyên biển đảo Hoàng Sa – Trường Sa tại Việt Nam. Tổng diện tích của cả công viên là khoảng 300m2 bờ biển và 3.100m2 diện tích mặt nước, ngoài ra còn có khu riêng trưng bày các mẫu vật trong nhà.
Viện Hải Dương Học mở của vào tất cả các ngày trong tuần từ 6:00 am đến 18:00 pm để phục vụ cho du khách tham quan và các bạn học sinh đến nghiên cứu.