Home / Giáo Dục / Trường Cao đẳng Múa Việt Nam xứng đáng trở thành mái trường đại học trong nay mai

Trường Cao đẳng Múa Việt Nam xứng đáng trở thành mái trường đại học trong nay mai

Là đơn vị đào tạo lớn nhất về múa ở nước ta hiện nay, trường Cao đẳng Múa Việt Nam đã và đang tiếp tục cung cấp cho nền nghệ thuật múa Việt Nam những tài năng mới. Quan sát những bài múa của học sinh các khoá K32/7, K33/6, K24/4 và K26 Hà Giang… trong buổi thi tốt nghiệp trung cấp diễn viên múa diễn ra từ ngày 6 đến ngày 9/6/2011; thông qua những đánh giá cao của các chuyên gia đầu ngành và sự hài lòng của đội ngũ giảng viên đã dày công giảng dạy, tin chắc rằng trường Cao đẳng Múa Việt Nam sẽ có những bước tiến dài trong sự nghiệp đào tạo.

Mục Lục

Qua 50 năm phát triển

Được thành lập từ năm 1959 với tên gọi ban đầu là Trường Trung cấp Múa Việt Nam, đánh dấu mốc quan trọng trong lịch sử phát triển nghệ thuật múa ở Việt Nam. Ngay từ khi mới thành lập, trường là nơi quy tụ nhiều giáo viên có kinh nghiệm chuyên môn và uy tín trong ngành múa như: Lệ Cung, Ngân Quý, Hồng Quỳ, Hoàng Túc… cùng một số giáo viên tốt nghiệp Trường múa Bắc Kinh. Ngoài ra, trường còn mời các chuyên gia về múa của Triều Tiên, Liên Xô sang giảng dạy. Với nội dung đào tạo được xác định gồm các môn: Múa dân gian dân tộc, Múa cổ điển châu Âu, Múa cổ điển Việt Nam, Âm nhạc và các môn Văn hóa – Lý luận, trường đã trở thành đơn vị đầu tiên đào tạo múa ở nước ta.

Hơn 50 năm hình thành và phát triển cùng đất nước, để có được thành công như ngày hôm nay trường đã trải qua nhiều khó khăn, thử thách. Trong những năm chiến tranh chống Mỹ cứu nước, trường đã thể hiện tốt vai trò của mình trong đào tạo nghệ sĩ múa cho đất nước… Giặc Mỹ điên cuồng ném bom bắn phá miền Bắc (1965 – 1975), trường phải hai lần sơ tán về Phú Bình (Thái Nguyên) và Tam Nông (Phú Thọ). Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới, trường rút ngắn thời gian đào tạo hệ chính quy xuống còn 5 năm, tăng cường mở các lớp đào tạo ngắn hạn, coi trọng bồi dưỡng cán bộ sáng tác, huấn luyện cán bộ phong trào và diễn viên múa. Dù chiến tranh ác liệt, điều kiện sơ tán gặp nhiều khó khăn nhưng luôn giữ vững các hoạt động tuyển sinh, đào tạo.

Nụ cười rạng rỡ của thầy và trò trường cao đẳng Múa Việt Nam
Nụ cười rạng rỡ của thầy và trò trường cao đẳng Múa Việt Nam

Năm học đầu tiên tại Phú Bình (1965) trường đã tuyển ba khóa học sinh mới: Khóa IV hệ 7 năm, Lớp sáng tác dành cho các đoàn văn công và Lớp bồi dưỡng diễn viên cho Đoàn ca múa Tây Nguyên. Các hoạt động sưu tầm, khai thác Múa cổ truyền dân tộc, biên soạn cải tiến giáo trình, hoạt động thực tập biểu diễn vẫn diễn ra rất sôi nổi. Mặc dù trong điều kiện chiến tranh nhưng Trường Múa đã vượt qua bao khó khăn, không ngừng cho ra đời những thế hệ học sinh có chuyên môn, sẵn sàng tham gia biểu diễn phục vụ chiến đấu. Nhiều gương mặt ưu tú của trường đã hy sinh anh dũng tại các chiến trường như: Nguyễn Thanh Tùng, Hùng Thạch, Nguyễn Văn Tý, Nguyễn Văn Nhiếp… Nhưng cũng chính trong những năm tháng này, 70 cán bộ giáo viên đã được tặng Huân chương Kháng chiến. Đây là phần thưởng cao quý ghi nhận công lao và những đóng góp của trường trong sự nghiệp chiến đấu bảo vệ tổ quốc đối với nhà trường.

Đất nước hòa bình, các hoạt động của trường dần đi vào ổn định và phát triển. Đội ngũ giáo viên múa tu nghiệp nước ngoài trở về ngày càng đông, chương trình đào tạo diễn viên kịch múa hệ 7 năm và hệ 4 năm được hoàn thiện, quy mô đào tạo không ngừng tăng lên, hoạt động đối ngoại, sáng tác và thực tập biểu diễn được thúc đẩy mạnh mẽ… Trong nhiều năm liền tham gia Hội diễn Nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quốc trường đều gặt hái được thành công với các huy chương vàng, bạc, giải tài năng và nhiều danh hiệu khác. Ngày 07/05/2001 Trường Trung cấp Múa VN được được nâng cấp lên thành trường Cao đẳng Múa Việt Nam, bước tiến này đã mở ra một hướng đi mới cho công tác đào tạo của trường. Các hoạt động tuyển sinh được mở rộng tới vùng sâu vùng xa, mở rộng liên kết đào tạo, đào tạo theo địa chỉ cho các tỉnh thành trên cả nước. Cơ sở vật chất từng bước được trang bị với 1 sân khấu, 12 sàn tập, 9 phòng học văn hóa và âm nhạc, 1 phòng học tin đạt tiêu chuẩn. Với các hoạt động phục vụ khai mạc và bế mạc Sea Games 22, Para Games 2, Kỉ niệm 50 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ… hàng chục giải thưởng của Hội nghệ sĩ Múa Việt Nam, Huân chương Độc lập hạng ba (2004), cờ thi đua của Bộ Giáo dục – Đào tạo và nhiều bằng khen của Chính Phủ, trường đã chứng minh được vai trò trung tâm trong việc đào tạo cán bộ, diễn viên múa chuyên nghiệp hàng đầu của Việt Nam.

Không ngừng phấn đấu đi lên

Trường Cao đẳng Múa Việt Nam có chức năng đào tạo và bồi dưỡng cán bộ, diễn viên, huấn luyện, biên đạo có trình độ cao đẳng và trung cấp về nghệ thuật múa; sưu tầm, nghiên cứu, giữ gìn, phát triển nghệ thuật múa của các dân tộc Việt Nam và tiếp thu tinh hoa nghệ thuật múa của các nước trên thế giới. Trong những năm gần đây, nhà trường không ngừng kiện toàn bộ máy tổ chức, nội dung đào tạo. Chương trình đào tạo được xây dựng với các bậc: Cao đẳng (03 khung chương trình đào tạo các ngành Diễn viên múa, Huấn luyện múa, Biên đạo múa), Trung cấp chuyên nghiệp (02 khung chương trình đào tạo diễn viên múa chuyên ngành biểu diễn kịch múa hệ 6 năm và chuyên ngành diễn viên múa dân tộc hệ 4 năm), ngoài ra trường được Bộ Giáo dục – Đào tạo và Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch triển khai xây dựng chương trình khung bậc Cao đẳng huấn luyện – biên đạo – diễn viên. Công tác biên soạn giáo trình, bài giảng, tài liệu tham khảo được nhà trường chú trọng đầu tư. Trong năm 2010 trường đã hoàn thành việc in và phát hành 3 giáo trình Lý thuyết âm nhạc, nghiệm thu Đề cương chi tiết Phương pháp huấn luyện múa (hệ Cao đẳng), Giáo trình Múa dân gian dân tộc Việt; Giáo trình Ký – xướng âm, tổ chức triển khai viết Giáo trình nhạc đệm cho múa (Múa Dân tộc; múa Cổ điển châu Âu; múa Tính cách; múa Hiện đại…).

Trong xu thế toàn cầu hóa hiện nay, mỗi đơn vị muốn phát triển thì việc giao lưu, hợp tác là rất quan trọng. Nhận thức được vấn đề đó, trường đã mở rộng quan hệ hợp tác đào tạo với nhiều trường nghệ thuật trong và ngoài nước như: Trường Trung cấp Văn hóa – Nghệ thuật Huế; Trường Trung cấp Văn hoá – Nghệ thuật và Du lịch Lào Cai; Học viện Múa Lyon (Pháp); Trường Múa Quảng Tây (Trung Quốc); Khoa Nghệ thuật trường Đại học Tổng hợp Mahasarakham (Thái Lan); Học viện Nghệ thuật Victoria (Autralia); Học viện Múa Maxcơva… Ngoài ra, nhà trường còn đào tạo theo địa chỉ và liên kết đào tạo với các Sở VHTTDL tỉnh Lào Cai, Hà Giang, Thanh Hóa, Nghệ An.

Luôn coi trọng công tác giáo dục, gắn học tập với thực tập biểu diễn, trường đã tham gia nhiều hoạt động văn hóa văn nghệ, các hội diễn và dành nhiều giải thưởng. Năm 2010, tại Liên hoan Ca múa nhạc và Sân khấu kịch hát dân tộc toàn quốc tổ chức tại Đà Nẵng, trường đã dành giải B toàn đoàn, 2 Huy chương Vàng, 3 Huy chương Bạc, giấy khen cho chương trình và biên đạo xuất sắc, 2 học sinh đoạt giải Tài năng trẻ… Sinh viên của trường khi tốt nghiệp đều được các chuyên gia đánh giá cao về chuyên môn và được nhận về công tác tại các đoàn nghệ thuật lớn trong cả nước.

Một mái trường Đại học trong nay mai

Như người nông dân trồng cây mong ngày gặt hái, mỗi thế hệ học sinh ra trường có chất lượng tốt là thành quả lớn lao mà mỗi giảng viên của trường luôn mong mỏi. Là một trong ba đơn vị đào tạo về múa trong cả nước, với bề dày thành tích hơn 50 năm xây dựng và phát triển, trường đang đẩy mạnh các hoạt động tổ chức, giáo dục, đào tạo, nâng cấp thành Đại học Múa Việt Nam. Đây cũng là điều tất yếu trong quá trình phát triển của công tác đào tạo. Là một trường đào tạo chuyên sâu, sinh viên được đào tạo 7 năm nhưng khi ra trường vẫn chỉ là bằng Cao đẳng. Để thu hút sinh viên, nâng cao vị thế của trường, thầy và trò nhà trường đang cùng nhau phấn đấu nâng cấp thành Đại học Múa Việt Nam.

Để đủ tiêu chuẩn thành trường đại học, việc đầu tiên là kiện toàn bộ máy tổ chức. Trong mỗi trường học giáo viên đóng vai trò quan trọng hàng đầu trong đào tạo, chính vì vậy việc xây dựng đội ngũ giảng viên đủ tiêu chuẩn đang được gấp rút tiến hành. Nhà trường đã đưa ra chính sách khuyến khích cán bộ, giáo viên đi học tập nâng cao trình độ. Đồng thời, trường giữ lại những học sinh tốt nghiệp loại xuất sắc đầu quân về Nhà hát thực nghiệm biểu diễn của trường, thu hút sinh viên tốt nghiệp ở nước ngoài… Với các chính sách đó, đội ngũ giảng viên cơ hữu của trường hiện nay là 51 người (trong đó có 14 thạc sĩ, 03 Nhà giáo Ưu tú và 04 Nghệ sĩ Ưu tú) sẽ tiếp tục được nâng cao đáp ứng nhu cầu đào tạo.

Cùng với việc nâng cao chất lượng giảng viên, công tác tuyển sinh và nội dung đào tạo cũng được đầu tư mạnh. Nói về kế hoạch đào tạo của trường, thầy giáo – NSƯT Nguyễn Văn Quang (Hiệu trưởng trường Cao đẳng Múa Việt Nam) cho biết: “Hiện tại bậc Trung cấp của trường có 2 hệ đào tạo: hệ 4 năm đào tạo diễn viên múa dân tộc và 6 năm đào tạo diễn viên kịch múa. Trước đây đào tạo 7 năm nay rút xuống chỉ còn 4 năm. Các lớp cao đẳng đang đào tạo ngành Huấn luyện múa và Biên đạo múa. Trong năm tới, sẽ đào tạo liên thông. Các học sinh học Trung cấp xong, sẽ xét tuyển, nếu kết quả tốt sẽ cho lên thẳng hệ Cao đẳng. Hiện nay, trường đang có ý định đào tạo 1 lớp chất lượng cao, chọn những em có khả năng tốt nhất. Với riêng lớp này, nhà trường sẵn sàng bỏ tiền ra đào tạo cho các em học sinh và giáo viên học thêm ngoài giờ để từ đó chọn ra một số em xuất sắc có thể nối nghiệp được những thế hệ nghệ sĩ tài năng. Các em trong lớp này sẽ trở thành hạt nhân, “ngôi sao” của nghệ thuật Múa trong tương lai”.

Tiết mục tốt nghiệp của khóa 24/4 – Ảnh Đoàn Minh Tú
Tiết mục tốt nghiệp của khóa 24/4 – Ảnh Đoàn Minh Tú

Cùng với đào tạo chính quy và liên kết đào tạo, trường còn xây dựng một hình thức đào tạo nữa là mở lớp học ngay trong các đoàn nghệ thuật và cử giáo viên về dạy tại địa phương. Đây là một mô hình đang đạt kết quả tốt bởi sẽ giảm được tình trạng những diễn viên ở các đơn vị địa phương sau khi học tại trường thường bỏ đoàn, ở lại Hà Nội lập nghiệp. Hiện tại, trường đang cùng với Sở Văn hóa và Đoàn Nghệ thuật tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Ngãi phối hợp đào tạo theo hình thức này và kết quả thu được rất khả quan.

Với thành tích trên, Trường đã đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì do Nhà nước trao tặng, nhiều cá nhân được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba, các giải thưởng, bằng khen của chính phủ và 100% sinh viên tốt nghiệp đều đạt chất lượng chuẩn…

Cùng các hoạt động không ngừng nâng cao về chất lượng dạy và học, nhà trường đang từng bước vững chắc nâng cấp lên thành Đại học Múa Việt Nam và phấn đấu thành Học viện Nghệ thuật Múa quốc gia trong tương lai không xa.

TRẦN TÂN – THANH TÂM

Check Also

NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT CHO THÍ SINH DỰ TUYỂN VÀO TRƯỜNG CAO ĐẲNG MÚA VIỆT NAM

NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT DÀNH CHO THÍ SINH DỰ TUYỂN TRƯỜNG CAO ĐẲNG MÚA VIỆT …