“Nếu không có niềm đam mê, thì tất cả những tài nghệ trên thế giới này cũng sẽ chẳng đưa bạn nâng tầm lên được.”
Nghệ sĩ múa nổi tiếng Twyla Tharp đã viết trong cuốn sách “The Creative Habit” (tạm dịch: “Thói quen sáng tạo”), một trong những cuốn sách nổi tiếng thế giới, mở chìa khóa sáng tạo.
Twyla Tharp, một trong những biên đạo múa lớn của Mỹ, và là một người tiên phong trong việt kết hợp giữa múa hiện đại và múa ballet với âm nhạc đại chúng. Bắt đầu sự nghiệp từ năm 1965, trong hơn 50 năm hoạt động nghệ thuật bà đã sáng tạo hơn 130 tác phẩm cho công ty của mình cũng như cho các nhà hát lớn trên thế giới Joffrey Ballet, New York City Ballet, Paris Opera Ballet, Royal Ballet của London và Nhà hát Ballet Mỹ.
Twyla Tharp năm 1984 (Jack Mitchell/Getty)
“The Creative Habit” – Thói quen Sáng tạo là cuốn sách bà chia sẻ những gì đã học được qua những năm tháng lao động sáng tạo trong vai trò là một biên đạo múa. Qua cuốn sách này Twyla gửi gắm tới độc giả thông điệp: chính là bạn phải đưa ra cho bản thân mình những quyết định có ý thức cho phép sự sáng tạo trở thành một phần không thể tách rời của cuộc đời bạn. Một khi bạn cho phép mình trở thành một người sáng tạo thực sự thì bạn có thể bắt đầu thiết kế các nghi lễ, thói quen và các bài tập xung quanh để trở nên sáng tạo không ngừng và hết mình.
Biên đạo múa Twyla Tharp đã viết trong cuốn sách “The Creative Habit”:
“Tôi bước vào căn phòng màu trắng. Đó là một studio ở giữa thị trấn Manhattan. Tôi mặc chiếc áo phông ướt đẫm mồ hôi, quần bò bạc màu, và giày Nike chuyên dụng. Điểm nhấn của căn phòng là tấm gương cao tám phút. Có một hộp loa ở góc phòng. Sàn tập sạch sẽ, không có bất kì vết bẩn nhỏ nào; nếu bạn không tính đến hàng nghìn dấu chân đã hằn in bởi những vũ công từng miệt mài tập luyện. Ngoài cái gương, hộp loa, những dấu chân, và tôi, thì căn phòng hoàn toàn trống rỗng.
…
Với nhiều người, căn phòng trống này biểu tượng cho điều gì sâu sắc, bí ẩn và đầy thách thức: Buộc phải khởi đầu với hai bàn tay trắng, phải tự thân vận động, làm nên cả một màn trình diễn tráng lệ và đẹp đẽ. Chẳng khác nào các tiểu thuyết gia, khi họ cài vào máy đánh chữ những tờ giấy trắng tinh (hoặc gần gũi hơn, khi họ đấu tranh với màn hình máy tính trống rỗng); hay như một hoạ sĩ tần ngần trước khung vải mới; một nhà điêu khắc đứng lặng câm trước tảng đá nguyên khối thô sơ; một nhà soạn nhạc ngồi bên chiếc đàn piano, những ngón tay đặt hờ trên phím. Một vài người thấy rằng khoảnh khắc này – khoảnh khắc trước khi sự sáng tạo được nhen nhóm- thật khổ sở, và họ đơn giản là không thể ứng phó. Họ đứng dậy, rời xa cái máy tính, xa khung vải, xa bàn phím piano. Họ ngủ một giấc ngắn, hay đi mua sắm, nấu bữa trưa, hay quanh quẩn làm việc nhà. Họ trì hoãn. Đôi khi, nỗi khủng hoảng này làm tê liệt người ta.
Sự trống rỗng này khiến ta thấy bất lực. Nhưng tôi đã đối mặt với nó suốt cả đời rồi. Đây là nghề của tôi. Đây là tiếng gọi thúc bách tôi. Quan trọng là: việc lấp đầy khoảng trống này cấu thành nên nét đặc thù của cá nhân tôi…”
Nếu bạn không yêu thích việc mình làm, bạn sẽ không thể có động lực để tiến xa hơn, sáng tạo và tìm cho mình một vị trí nổi bật ở nơi làm việc. Tuy nhiên, nếu bạn có niềm đam mê nghề nghiệp, bạn sẽ cảm thấy việc dành thời gian và nỗ lực cho công việc là một niềm vui, không phải là một nghĩa vụ buồn tẻ nữa.
Biên đạo múa Twyla Tharp nói: “Nếu bạn làm những gì bạn biết, tốt thôi. Bạn sẽ không thất bại, nhưng bạn sẽ thấy thiếu hứng thú với công việc và bạn sẽ chẳng bao giờ tiến xa được”.