Home / Tác Phẩm / Tấn Lộc dựng ‘Sương sớm’ trong mùi sả non

Tấn Lộc dựng ‘Sương sớm’ trong mùi sả non

Những ngày đầu tháng 11, có dịp đặt chân đến Nhà hát Lệ Thanh ở quận 5, TP HCM, không ít người ngạc nhiên khi lối đi của nhà hát tỏa ra mùi hương nhẹ nhàng của cây sả non. Hương sả thoảng dọc theo cầu thang dẫn khách đến khán phòng nhỏ nhắn là nơi hơn 15 thành viên của đoàn múa Arabesques đang ra sức tập luyện cho vở diễn mới: Sương sớm.Vở múa đương đại Sương sớm sẽ được công diễn ở Nhà hát TP HCM vào 20h ngày 13-14/11. Nhà hát Lệ Thanh ở quận 5 chỉ là nơi đoàn múa tập luyện. Tuy vậy, nhằm giúp duy trì cảm hứng cho các diễn viên, để họ hòa vào không gian thiên nhiên đúng như ý đồ vở diễn, biên đạo múa Tấn Lộc cùng các đồng nghiệp cất công biến sàn tập thành góc làng quê nhỏ bé.

Biên đạo múa Tấn Lộc trên sàn tập vở diễn. Ảnh: Thoại Hà

Sàn tập bằng gỗ được trải bằng những tấm đệm lá tranh, vật dụng thường thấy của nông dân dùng phơi lúa. Trần nhà treo lủng lẳng những vòng hương. Góc phòng đặt rải rác những đụn rơm, rạ, dụng cụ bắt cá đan bằng tre, cái bàn gỗ với chiếc lồng bàn úp ngược… Tiếng ếch nhái, ễnh ương (từ máy phát) kêu “nhóc nhen, nhóc nhen” len lỏi trong không gian bao trùm một lớp ánh sáng dịu nhẹ.

“Khi biểu diễn ở Nhà hát TP HCM, chúng tôi cũng mang một không gian nông thôn như thế này vào vở. Mùi sả được sử dụng trong hai suất diễn cho khán giả cũng sẽ là mùi hương thật từ cây sả đập ra chứ không phải hương liệu“, Tấn Lộc chia sẻ. Anh cho biết thêm, tất cả những dàn dựng về không gian, mùi vị này nhằm tạo ra nhiều chiều cảm nhận cho khán giả khi đến với tác phẩm. Người xem không chỉ thụ động ngồi trên ghế thưởng thức nghệ sĩ trình diễn mà họ có thể ngửi, nghe, cảm nhận, được chạm tay vào những vật dụng thô sơ, chạm tay vào hạt gạo để có lại cảm giác thân thuộc như thể đang trở về với một không gian làng quê.

Mân mê chiếc thúng đan bằng tre trên tay, biên đạo múa này không giấu được niềm vui và tự hào. Anh bảo, để tập hợp được các loại đạo cụ biểu diễn gồm vật dụng của nhà nông hay đồ dùng của người ở nông thôn như: đệm phơi lúa, chiếc đũa cả xới cơm, thúng, nong, nia, sàn sảy gạo, gánh lúa… là điều không dễ dàng. Có thứ phải về quê để tìm, có thứ được tìm mua ở gian hàng quà lưu niệm.

“Thậm chí hiện nay ở nhà quê, người ta cũng đang dần quên đi cái thúng đan bằng tre, cái đũa cả xới cơm. Trong thời đại công nghệ cao hôm nay, có những thứ thuộc về làng quê sẽ bị đào thải theo thời gian. Chính điều này thôi thúc nhóm múa muốn mang chúng lên sàn diễn“, nam biên đạo chia sẻ.

Khung cảnh làng quê Việt Nam được tái hiện không gian nghệ thuật múa đương đại. Ảnh: ducdenthui

“Sương sớm” là vở múa đương đại có thời lượng 60 phút, do các nghệ sĩ Tấn Lộc, Ngọc Anh (Học viện Nghệ thuật Hong Kong), Ngô Thanh Phương (tốt nghiệp trường Folkwang University of the Arts) và Vũ Ngọc Khải (từng làm nghệ sĩ múa 5 năm ở châu Âu) ngồi lại với nhau để viết kịch bản, cùng dàn dựng.

Vở diễn là câu chuyện kể về một buổi sáng trong sương sớm của người nông dân, với những công việc thường ngày quen thuộc như ra đồng làm lúa, xay gạo, chuẩn bị phiên chợ sớm… Ngoài việc khắc họa hình ảnh lao động, tác phẩm còn nêu bật nét đẹp trong văn hóa tâm linh, tinh thần và âm nhạc của người Việt Nam thông qua ngôn ngữ của loại hình múa đương đại, ballet.

Vở có kết cấu 7 phần, gồm: Ra đồng, Hương chùa, Mùa, Đêm, Được mùa, Lụa, Gạo. Âm nhạc ở từng phần có những thay đổi đặc trưng để tăng hiệu ứng cảm xúc. Ở Ra đồng, âm nhạc chủ đạo là bài hò Nam Bộ (được chơi live) phối theo giai điệu hiện đại… Ở Hương chùa, cung bậc tiết tấu tăng dần theo sự hòa quyện của thanh âm đời thực: tiếng nước chảy, tiếng kêu vun vút của cây trúc trong gió, thanh âm trong trẻo của tiếng chuông tạo… Tất cả cùng hòa quyện tạo nên làn điệu vui tươi miền sông nước Nam Bộ, đậm chất tâm linh về vùng khẩn hoang thắm đượm tình người… Hoặc ở phần Đêm, khán giả được lắng lòng cùng tâm sự của những người con gái miền Nam qua câu vọng cổ và tiếng đàn bầu trữ tình tấu lên giai điệu quen thuộc của Dạ cổ hoài lang…

Hình ảnh hạt gạo trắng cũng được khắc họa rõ nét trong Sương sớm qua cảnh cơn mưa gạo. Để cảnh diễn này mang lại hình ảnh thật đẹp, Tấn Lộc phải nhờ người bạn là kỹ sư thiết kế chiếc máy riêng đặt ở trên cao để phun gạo trắng đổ như dòng thác từ trần nhà hát xuống sân khấu. Khung cảnh vừa rất thực vừa đầy tính biểu tượng này được xây dựng nhằm gợi nhắc về “hạt ngọc trời cho”, thành quả từ mồ hôi nước mắt của người nông dân gắn bó cuộc đời mình với ruộng đồng.

NSƯT Tố Như (trái, đứng) cùng các thành viên trong nhóm múa của vở diễn. Ảnh: Thoại Hà

Các nghệ sĩ tham gia biểu diễn trong Sương sớm gồm có: NSƯT Tố Như (diễn viên vừa đoạt giải bạc cuộc thi múa tại Hàn Quốc năm nay) cùng nghệ sĩ múa người Nhật Genta Fujikawa, diễn viên Hữu Thuận, Hải Anh… và các thành viên khác của nhóm Arabesque… Phần âm nhạc có sự tham gia thực hiện của hai nhạc sĩ nổi tiếng Tôn Thất An (Pháp) và Đức Trí. Nghệ sĩ đàn tranh Hải Phượng, nghệ sĩ cải lương Hồng Thắm cũng biểu diễn trực tiếp trên sân khấu. Còn nhà thiết kế Thuận Việt đảm trách phần thực hiện trang phục truyền thống cho diễn viên.

Đây không phải là lần đầu tiên Sương sớm lên sân khấu, ngày 25-26/7 vừa qua, vở diễn cũng đã thu hút hàng trăm khán giả đến với Nhà hát TP HCM. Chính tình cảm của khán giả dành cho chương trình đã khiến nhóm Arabesque tái diễn vở này với sự chăm chút hơn. “Lần đó, khi vở kết thúc, có cậu bé 16 tuổi đến hỏi các diễn viên với giọng xúc động là chừng nào tái diễn để em đi xem lại. Còn có đôi vợ chồng Việt kiều Mỹ đến tìm các diễn viên để chia sẻ, họ khóc từ đầu đến cuối vở diễn vì sau bao nhiêu năm xa quê lại được sống trong không khí hoài niệm như thế!“, Tấn Lộc kể.

Trước khi được triển khai thành vở múa dài 60 phút như hiện nay, ban đầu, Sương sớm là tác phẩm múa đương đại dài 20 phút được nhóm Arabesque thực hiện để tham gia Festival múa tại Hàn Quốc vào năm 2011, được khán giả xứ Hàn rất yêu thích.

Check Also

Tác phẩm múa: Hồn gió Việt

Tác phẩm múa Hồn gió Việt – là những câu chuyện, những cảm nhận khác nhau của …