” Khi một con thuyền lớn sắp ra khơi, khi người trẻ ra đời tìm lẽ sống, khi tiễn một sinh linh trên nẻo đường mới, người Chăm “Palao”. Palao, tiếng Chăm nghĩa là “buông”, tiễn đưa để đón điều mới mẻ”, một đoạn giới thiệu về Palao, đủ để khiến cho mình cảm thấy “rùng mình”.
Múa Việt Nam xin giới thiệu cảm nhận của một khán giả sau khi thưởng thức vở múa đương đại Palao.
Bài viết của khán giả Lưu Quốc
Bản thân tôi chưa đủ trải nghiệm, hiểu biết hay sự sâu sắc nội tâm để hiểu toàn bộ Palao và những thông điệp mà Palao muốn truyền tải đến khán giả.Và mình thật sự không hiểu nổi Palao, nhưng đôi khi, những gì tôi cảm nhận được sau khi xem vở diễn còn “ám ảnh” hơn tất cả những gì
tôi có thể hiểu được.
Đã có một khoảnh khắc trong Palao, ở đâu đó khiến cho tôi liên tưởng về dân tộc Việt Nam, đến thế hệ trẻ 9x Việt Nam trở đi dần quên đi nguồn gốc của mình và lòng biết ơn với tổ tiên ông bà ta. Ở đâu đó Palao còn đại diện cho một điều gì đó lớn lao hơn chỉ là một buổi biểu diễn nghệ thuật?
Palao không chỉ mang tinh thần dân tộc cao, mà tính tâm linh còn vô cùng to lớn. Trong một vở diễn không lời, chỉ toàn những tạo hình nghệ thuật ấn tượng đầy gợi mở, những điệu nhảy đầy đam mê, những âm thanh đầy ma mị, sự sáng tạo. Cái hồn của vở diễn không chỉ được tạo nên bởi sự hoà quyện của tất cả điều trên, tôi còn tin đó là sự nỗ lực vô cùng to lớn, không ngừng nghỉ của từng diễn viên, từng tâm hồn người diễn viên ở đó.
Tôi thật sự thấy được sự “cháy” hết thân xác của từng diễn viên trong vở diễn này, họ sống trong từng bước chân trên sân khấu, con người của họ hoà tan vào từng bước nhảy và âm nhạc, cảm xúc của họ được bộc lộ một cách mạnh mẽ và chân thật nhất, vở diễn như chính cuộc đời của từng diễn viên vậy. Những con người thật sự đặc biệt, như họ đã được chọn để thực hiện một sứ mệnh nào đó.
Chia sẻ của biên đạo Ngô Thanh Phương, 1 trong 4 tác giả của Palao, mình tình cờ đọc được.
“Palao không chỉ đơn thuần là câu chuyện về văn hoá Chăm, mà nó còn là sự trăn trở day dứt của những tộc người trên thế giới dần bị tước mất quyền làm chủ lấy chính mình.
Một chiếc chum rạn, một mảnh khăn piêu phai màu, hay đến cả gió và cát… con cháu ta cũng chẳng biết nó đến từ đâu. Bị lãng quên hay bị đánh cắp?!? Câu chuyện của người Chăm đã và đang bắt đầu từ đâu?!?”.
Tôi mong Palao sẽ tiếp tục được đến với nhiều người Việt Nam hơn nữa, đặc biệt là thế hệ trẻ như tôi. Tôi mong là Palao sẽ tiếp tục được “cháy” dưới trời của Hội An.
Pray for #Palao và giống như những tác phẩm nghệ thuật khác, nó không mang tính giải trí cao nhưng nó không chỉ dành cho những người yêu thích nghệ thuật, tôi tin là vậy,
Nó dành cho những đứa con đất Việt, đâu đó muốn hiểu hơn về quê hương đất nước của mình, đâu đó để tìm hiểu về gốc rễ của mình, để giữ gìn, để tự hào. Để rồi một ngày, một ngày nào đó, những đứa con ấy sẽ cảm:
“… Đất Nước là máu xương của mình
Phải biết gắn bó và san sẻ
Phải biết hóa thân cho dáng hình xứ sở
Làm nên Đất Nước muôn đời…”
Trích “Đất Nước” – Nguyễn Khoa Điềm