Theo dõi quá trình phát triển của nghệ thuật múa trong những năm gần đây, những người làm nghệ thuật, các nhà lý luận phê bình đã đưa ra một nhận xét rằng, hiện nay, cả Việt Nam và thế giới đang bị cuốn theo một trào lưu chung là quay lưng với nghệ thuật múa dân gian dân tộc. Trăn trở với tình hình phát triển của nghệ thuật múa hiện nay, NSND Đặng Hùng đã chia sẻ với PV Báo SGGP.
– PV: Thưa ông, là một nghệ sĩ nhiều kinh nghiệm, ông nhận định như thế nào về sự phát triển nghệ thuật múa hiện nay tại TPHCM?
NSND ĐẶNG HÙNG: Ở TPHCM, các vũ đoàn hoạt động rất mạnh mẽ. Nhưng, các em chủ yếu múa minh họa. Trong khi đó, các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp tại TPHCM không bắt kịp thời thế, hoạt động bị trì trệ, có thể do cơ chế hoặc tổ chức, nên hoạt động biểu diễn chuyên nghiệp tại thành phố hơi lu mờ, chỉ có le lói chương trình biểu diễn định kỳ của Nhà hát giao hưởng ở Nhà hát TP là còn được nhớ tới một chút, còn Đoàn Nghệ thuật Quân khu 7, Nhà hát Ca múa nhạc dân tộc Bông Sen… thì hoạt động cầm chừng. Phải nhớ rằng, nhiệm vụ của các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp không chỉ phục vụ nhân dân mà còn có trách nhiệm là định hướng cho phong trào tại thành phố.
– Vậy cần có giải pháp gì để hạn chế việc nghệ thuật múa tồn tại kém sắc, thiếu chất lượng?
Cần thiết phải duy trì và giữ gìn bản sắc nghệ thuật múa thông qua những tác phẩm múa độc lập, có chủ đề, có ngôn ngữ riêng và ngôn ngữ ấy có địa chỉ hẳn hòi. Với các vũ đoàn, các em nên học lại định nghĩa: múa không phải là động tác, múa là phản ánh hiện thực, hiện thực ấy dựa trên các mối quan hệ giữa người với người, quan hệ giữa người với thiên nhiên, trên cơ sở những ấn tượng có được từ thế giới xung quanh… để xây dựng các tác phẩm múa chất lượng. Tuy nhiên, trong tình hình hiện nay, để làm được điều này rất khó vì ngay trên các kênh truyền hình cũng hiếm các tác phẩm múa độc lập. Chưa kể, không ít bài múa bị lai căng, xuất hiện động tác được lượm lặt từ các điệu múa của Trung Quốc, Triều Tiên… Phong cách múa của Trung Quốc khá cứng nhắc, góc cạnh, còn phong cách múa Việt Nam lại nhẹ nhàng, thế nên diễn viên đi học múa ở Trung Quốc về cần phải học lại múa Việt Nam để múa ra chất dân tộc Việt Nam. Thực tế này đang khẳng định một nguy cơ lớn về sự hòa tan, đồng hóa của nghệ thuật múa Việt Nam trong quá trình phát triển chung với xã hội. Tôi đề nghị: mỗi đêm diễn ở các sân khấu ca múa nhạc nên buộc các vũ đoàn phải có hai tiết mục múa độc lập, có chủ đề.
– Ông mong mỏi điều gì cho nghệ thuật múa trong tương lai?
TPHCM và miền Nam không thiếu những người có tài năng và tâm huyết để thúc đẩy sự phát triển của Nhà hát Ca múa nhạc dân tộc Bông Sen đi lên – một đơn vị gần như là đại diện cho nghệ thuật múa miền Nam – góp phần định hướng nghệ thuật cho lớp nghệ sĩ, diễn viên, biên đạo trẻ và công chúng. Mặt khác, trong vấn đề giáo dục, việc đào tạo của Trường Múa TPHCM thực chất chỉ mới bắt đầu vì giáo trình của múa miền Bắc đem vào dạy học cho múa miền Nam thì không tạo được dấu ấn miền Nam và đầu ra lại không sử dụng được. Chúng tôi đã có kiến nghị sửa đổi giáo trình cho phù hợp với thực tiễn hơn, đặc biệt giảng dạy sâu hơn các điệu múa đặc trưng của các dân tộc miền Nam. Hội Nghệ sĩ múa cũng có đề xuất đưa múa vào học đường giống như những môn học khác. Với trẻ em, học múa là cách tạo điều kiện cho các em thấm nhuần văn hóa thẩm mỹ, xây dựng văn hóa ứng xử…
– Xin cảm ơn ông.
Thúy Bình