Nghệ thuật múa là một trong những loại hình nghệ thuật sớm nhất của loài người, gắn bó với con người từ thời nguyên thủy. Trải qua tiến trình hình thành, phát triển văn hóa nghệ thuật của con người, múa hiện diện là một thành tố văn hóa qua mọi thời kỳ. Trong tiến trình lịch sử ấy, nghệ thuật múa luôn phát triển, ngày một hoàn thiện những chức năng, đặc trưng nghệ thuật, hàm chứa bản sắc văn hóa dân tộc.
Nghệ thuật múa là biểu hiện trình độ, tri thức văn hóa, tư duy thẩm mĩ, sáng tạo văn hóa, nghệ thuật của các tộc người Việt Nam. Nó tham gia vào nhiều sinh hoạt văn hóa cộng đồng, như phong tục, tập quán, đời sống văn hóa tâm linh và lễ hội. Văn hóa nói chung, nghệ thuật múa nói riêng là thực thể tồn tại trong đời sống xã hội. Từ đó mang ý nghĩa văn hóa, xã hội và là đối tượng nghiên cứu khoa học của khoa học xã hội nhân văn, văn hóa học, nghệ thuật học. Chính vì vậy, nghệ thuật múa là đối tượng chính yếu của các công trình nghiên cứu khoa học nghệ thuật múa.
Nhận biết, thấu hiểu những giá trị, đặc trưng, vai trò của nghệ thuật múa trong văn hóa, xã hội và tiến trình lịch sử hình thành phát triển một loại hình nghệ thuật có đặc thù riêng biệt, kể từ thời xa xưa đến ngày nay, nghệ thuật múa đã là đối tượng nghiên cứu của nhiều ngành khoa học, văn hóa học, nghệ thuật học, trong đó có nghệ thuật múa. Xuất phát từ tình yêu, trách nhiệm nghề nghiệp, các nhà khoa học, nghệ sĩ múa đã tiến hành nhiều công trình khoa học với các cấp nghiên cứu khác nhau. Đó cũng là quá trình hình thành đội ngũ lý luận nghiên cứu nghệ thuật múa, tuy còn khiêm tốn, nhưng chính đội ngũ này đã gặt hái được những thành quả nhất định.
Chỉ tính từ thời điểm sau Ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước đến nay, ngành nghệ thuật múa đã có khá nhiều công trình nghiên cứu khoa học, sách chuyên khảo nghệ thuật múa và luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ về đề tài nghệ thuật múa đã bảo vệ thành công. Nghệ thuật múa thực sự là đối tượng nghiên cứu khoa học hấp dẫn, thu hút nhiều nghệ sĩ múa, nhiều nhà khoa học để tâm nghiên cứu. Theo thống kê chưa đầy đủ, ngành nghệ thuật múa đã có những kết quả sau: 28 công trình nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước, cấp Bộ, cấp Thành phố, cấp Tỉnh, cấp ngành, trong đó có các phần, chương, mục về nghệ thuật múa; 5 công trình độc lập chuyên về nghệ thuật múa, thuộc công trình cấp Bộ, cấp thành phố Hà Nội; 57 công trình sách nhiều loại, nhiều nội dung chuyên ngành về nghệ thuật múa; 60 đề tài luận văn chuyên về nghệ thuật múa dân tộc, hiện đại đã bảo vệ thành công và nhận học vị thạc sĩ, 5 đề tài luận án chuyên về nghệ thuật múa đã bảo vệ thành công và nhận học vị tiến sĩ…
Từ kết quả trên, có thể kể đến những công trình, sách, đề tài, luận văn, luận án có tính đại diện để minh chứng cho những kết quả nghiên cứu khoa học chuyên ngành nghệ thuật múa Việt Nam.
Công trình nghiên cứu khoa học
Công trình nghiên cứu khoa học chuyên ngành nghệ thuật còn khiêm tốn, phần lớn là công trình cấp cơ sở. Công trình độc lập về nghệ thuật múa mới chỉ có 01 công trình cấp thành phố Hà Nội, do Hội nghệ sĩ múa Hà Nội thực hiện và 04 công trình cấp Bộ, do trường Cao đẳng Múa Việt Nam thực hiện. Những công trình đã được nghiệm thu gồm những công trình sau:
– Kế thừa và phát triển nghệ thuật múa Thăng Long – Đông Đô – Hà Nội (Công trình cấp thành phố Hà Nội), nghiệm thu năm 1999, đạt loại Xuất sắc, Chủ nhiệm công trình: NSND Lê Ngọc Canh.
– Di sản múa người Việt và sự sáng tạo (Công trình cấp Bộ), nghiệm thu năm 2001, đạt loại Khá, Chủ nhiệm công trình: CN Lê Bạch Hường.
– Tiêu chí tuyển chọn học sinh năng khiếu múa (Công trình cấp Bộ), nghiệm thu năm 2010, đạt loại B, Chủ nhiệm công trình: NGND Trần Quốc Cường.
– Đào tạo nghệ thuật biểu diễn múa trong đời sống hiện nay (Công trình cấp Bộ), nghiệm thu năm 2011, đạt loại Khá, Chủ nhiệm công trình: NGND Vũ Dương Dũng.
– Nghệ thuật múa truyền thống Khmer Nam Bộ (Công trình cấp Bộ), nghiệm thu năm 2012, đạt loại Xuất sắc, Chủ nhiệm công trình: NSND Lê Ngọc Canh.
Sách chuyên về nghệ thuật múa
Theo thống kê chưa đầy đủ, ngành nghệ thuật múa đã xuất bản 57 đầu sách chuyên về nghệ thuật múa với nhiều nội dung khác nhau. Trong số sách đã xuất bản, phải kể đến 2 sách xuất bản sớm nhất của ngành múa Việt Nam là sách: “Nghệ thuật múa dân tộc Việt” (1979), tác giả Lâm Tô Lộc; “Nghệ thuật múa Chăm” (1982), tác giả Lê Ngọc Canh.
Bên cạnh đó có nhiều tác giả đã có sách xuất bản như: Đặng Hùng, Trần Phú, Hoàng Túc, Trường Sơn (Thanh Đức), Phạm Thị Điền, Phùng Hồng Quỳ, Kiều Thị Cậy, Đặng Chí Thông, Tạ Duy Hiện, Ứng Duy Thịnh, Trịnh Xuân Định, Nguyễn Ngân Quý, Phạm Hùng Thoan, Bùi Thu Hồng, Nguyễn Thị Hiển, Mai Hương, Lưu Doanh Doanh, Dương Văn Học, Nguyễn Như Bình…
Những công trình sách về nghệ thuật múa đã xuất bản phản ánh nhiều nội dung, nhiều định hướng khác nhau, rất phong phú, đa dạng, có tính lý luận khoa học.
Về mảng sách lý luận múa có những sách như:
– Sách Đại cương nghệ thuật múa (2002): Gồm những nội dung chính yếu là nguồn gốc nghệ thuật múa, tiến trình hình thành nghệ thuật múa, các hình thái nghệ thuật múa, đặc trưng nghệ thuật múa, thể loại nghệ thuật múa.
– Sách Tuyển tập những bài viết về nghệ thuật múa Việt Nam (2012, 2013): Nội dung chính yếu là giới thiệu những vấn đề lý luận chung của ngành múa Việt Nam; chọn tuyển từ những bài báo lý luận và tham luận tại hội thảo khoa học do Hội nghệ sĩ múa Việt Nam tổ chức; tuyển tập những bài viết về nghệ thuật múa Việt Nam đề cập tới các vấn đề lý luận phê bình nghệ thuật múa, sáng tác và tác phẩm múa, đào tạo nghệ thuật múa, nghệ sĩ biểu diễn nghệ thuật múa…
– Sách Múa qua một cách nhìn (2014): Nội dung đề cập tới một số vấn đề lý luận phê bình múa Việt Nam hiện nay. Sách đề cập đến thực trạng công tác lý luận phê bình múa, những tiêu chí người viết lý luận phê bình múa, công việc đào tạo đội ngũ lý luận phê bình múa, lý luận và thực tiễn.
Về mảng sách lịch sử múa có:
– Sách Lịch sử nghệ thuật múa Việt Nam (2008): Khái quát, phác thảo tiến trình hình thành phát triển nghệ thuật múa Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử. Sách gồm những nội dung sau: Tổng quan nghệ thuật múa trong tiến trình lịch sử và văn hóa Việt Nam, nghệ thuật múa thời Hùng Vương dựng nước, nghệ thuật múa thời Chămpa cổ đại, nghệ thuật múa thời kỳ Bắc thuộc và chống Bắc thuộc, nghệ thuật múa thời kỳ xây dựng quốc gia phong kiến độc lập tự chủ và chống xâm lược, nghệ thuật múa thời kỳ Pháp đô hộ và thời kỳ nhà Nguyễn, nghệ thuật múa thời kỳ Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa và cuộc trường kỳ chống Pháp xâm lược, nghệ thuật múa thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh thống nhất đất nước, nghệ thuật múa thời kỳ chống Mỹ cứu nước và thống nhất đất nước, nghệ thuật múa thời kỳ nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
– Sách Tìm hiểu nghệ thuật múa Việt Nam (2011): Sách gồm những nội dung chính yếu sau: Múa Việt Nam trước Cách mạng Tháng Tám, múa thời kỳ chống Pháp (1945-1954), múa thời bình (1954-1965), múa thời kỳ kháng chiến chống Mỹ (1965-1975), múa sau ngày thống nhất đất nước (1975-1985), múa thời kỳ đổi mới (1986-2005), những vấn đề của sự phát triển nghệ thuật múa Việt Nam.
– Sách Nghệ thuật múa thế giới (2006): Sách phác thảo, khái quát tiến trình lịch sử hình thành múa thế giới, nghệ thuật múa năm châu. Gồm những nội dung sau: Tổng quan nghệ thuật múa trong nền văn minh thế giới (Tóm lược văn minh Ai Cập – văn minh sông Nil, văn minh Hy Lạp, La Mã, Tây Á, Ấn Độ, Trung Hoa, văn minh người Maya, Aztéc – Trung Mỹ và văn minh Andes – Nam Mỹ). Nguồn gốc nghệ thuật múa qua các tư liệu khảo cổ, điêu khắc, mỹ thuật, truyền thuyết, thần thoại, học thuyết về nghệ thuật múa. Từ đó khảo cứu, giới thiệu múa châu Á, châu Âu, châu Mỹ, châu Phi, châu Đại Dương.
Sách về sáng tác múa có:
– Sách Nghệ thuật biên đạo múa (2008): Công trình sách này đề cập đến nhiều vấn đề lĩnh vực múa có tính lý luận và thực tiễn với nhiều tư liệu trong và ngoài nước, là công trình tổng hợp về nghệ thuật biên đạo múa. Sách gồm những nội dung sau: Những khái niệm về nghệ thuật biên đạo múa, xây dựng tác phẩm múa ngắn và phân tích tác phẩm, nghệ thuật viết kịch bản múa, vai trò của âm nhạc trong tác phẩm múa, xây dựng hình tượng múa và kết cấu múa, xây dựng tác phẩm kịch múa, những cơ sở lý luận biên soạn sách nghệ thuật biên đạo múa.
– Sách Phương pháp sáng tác múa (2004): Đề cập đến nhiều vấn đề có liên quan tới phương pháp sáng tác múa từ đơn giản đến phức tạp, từ lý luận đến thực tiễn sáng tác của tác giả sách. Những nội dung đề cập trong sách là: Nguồn gốc nghệ thuật múa, định nghĩa và đặc thù múa, phương pháp chọn đề tài, phương pháp xây dựng kịch bản, kế hoạch án vũ, nội dung, hình thức, thể loại, phương pháp dàn dựng, thủ pháp nghệ thuật, phương pháp thành lập cầu múa, phương pháp thành lập tuyến múa, phương pháp thành lập đội hình múa, mối quan hệ các loại hình phục vụ cho tác phẩm múa, ngôn ngữ múa, vai trò, tác dụng của múa.
– Sách Phương pháp kết cấu kịch bản múa (2001): Các tác phẩm múa cần thiết phải có kịch bản múa, từ kịch bản, ý đồ, đề cương múa mới hình thành tác phẩm múa. Do vậy, sách Phương pháp kết cấu kịch bản múa đã đề cập những nội dung chính yếu sau: phương pháp tư duy nghệ thuật, xây dựng hình tượng nghệ thuật, đề tài và tình tiết để kết cấu kịch bản múa, những phương pháp kết cấu và viết kịch bản múa, một số kịch bản tham khảo.
Múa dân gian, dân tộc Việt Nam là một mảng đề tài lớn được nhiều nghệ sĩ múa quan tâm, lựa chọn là đối tượng nghiên cứu, để từ đó xuất hiện nhiều sách nghệ thuật múa về đề tài này. Và chính mảng đề tài về múa dân gian dân tộc Việt Nam chiếm số lượng đáng kể. Có thể kể đến một số sách đại diện về múa dân gian dân tộc sau:
– Sách Nghệ thuật múa dân tộc Việt (1979): Múa dân tộc Việt đã có một số công trình sách đã công bố, song đây là sách xuất bản sớm nhất viết về nghệ thuật múa và tương đối đầy đủ các lĩnh vực. Sách đề cập những nội dung sau: Truyền thống múa lâu đời của dân tộc Việt, múa dân gian, múa tôn giáo, múa cung đình, múa trong ca kịch truyền thống, hình thức, thể loại, ngôn ngữ múa.
– Sách Nghệ thuật múa Hà Nội (2003): Nội dung công trình đề cập những vấn đề chủ yếu quá trình hình thành phát triển múa cổ Thăng Long – Đông Đô – Hà Nội. Gồm những phần: Khái quát xuất xứ và con người, văn hóa, môi trường vùng Thăng Long – Đông Đô – Hà Nội, là nền tảng môi trường nảy sinh sáng tạo múa của người Hà Nội. Tiếp đến là các khảo cứu, trình bày di sản múa, tính chất, đặc điểm, các hình thái múa dân gian, tín ngưỡng, tôn giáo và múa cung đình Hà Nội; và một phần về sự phát triển múa cổ Thăng Long – Đông Đô – Hà Nội trong thời đại mới.
– Sách Nghệ thuật múa Chơro, Mạ, Stiêng (2004): Sách đề cập tới nghệ thuật múa của ba tộc người có nền nghệ thuật múa độc đáo trong vùng Trung Bộ, Tây Nguyên, góp phần vào kho tàng múa dân tộc Việt Nam. Sách có những nội dung chính sau: Khái quát văn hóa, tộc người và môi trường nảy sinh sáng tạo múa, khảo cứu, trình bày nghệ thuật múa tộc người Chơro, Mạ, Stiêng, đồng thời quy nạp đặc điểm, giá trị múa, âm nhạc phục vụ trong múa.
– Sách Múa tín ngưỡng dân gian Việt Nam (1998): Trong sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng dân gian đều có sự hiện diện của nghệ thuật múa, là một thành tố quan trọng của văn hóa tín ngưỡng. Từ đó sách đã đề cập, khảo cứu tín ngưỡng của một số tộc người ở Việt Nam. Phần đầu sách đề cập khái niệm múa, tín ngưỡng, múa tín ngưỡng. Phần tiếp theo là trình bày chuyên đề về múa tín ngưỡng của một số tộc người như: Múa tín ngướng người Việt, Tày, Thái, Dao, Mường, Chăm, Khmer, Chơro. Những đặc trưng múa tín ngưỡng trên thể hiện nét đặc sắc, riêng biệt, mang tính khái quát, đại diện cho vùng miền trong hệ thống các giá trị văn hóa múa tín ngưỡng dân gian Việt Nam.
– Sách Di sản múa dân gian vùng Tây Bắc (1998): Công trình phác thảo diện mạo nghệ thuật múa các tộc người thiểu số vùng Tây Bắc, vùng di sản múa đặc sắc của nghệ thuật múa Việt Nam. Sách đề cập đến nhiều vấn đề liên quan tới nghệ thuật múa các dân tộc trong vùng. Gồm những nội dung sau: Nguồn gốc nghệ thuật múa các dân tộc vùng Tây Bắc, quá trình hình thành nghệ thuật múa vùng Tây Bắc, những điệu múa dân gian có tính chuyên nghiệp, phong tục tập quán, lễ hội các dân tộc có liên quan tới múa, giao lưu và phát triển nghệ thuật múa, tác phẩm múa dân gian.
Từ thực tiễn múa dân gian dân tộc Việt Nam, một số tác giả đã có những định hướng phát triển múa dân gian dân tộc trong nghiên cứu, đào tạo, sáng tác và biểu diễn mang tính khoa học, chuyên nghiệp. Mảng sách về phát triển nghệ thuật múa có:
– Con đường của múa dân gian đến sáng tạo múa chuyên nghiệp (2010):
Nội dung cơ bản của sách là xác định mối quan hệ múa dân gian với tác phẩm múa chuyên nghiệp. Sách gồm những nội dung cụ thể sau: Tổng quan về múa dân gian và múa chuyên nghiệp, khai thác múa dân gian trong một số tác phẩm múa chuyên nghiệp, kế thừa, phát huy tài sản của múa dân gian trong xây dựng phẩm múa chuyên nghiệp, tác phẩm múa về đề tài lực lượng vũ trang.
– Vấn đề kế thừa và phát triển múa dân gian Việt Nam (2007):
Kế thừa, phát triển nghệ thuật múa dân gian trong những lĩnh vực nghiên cứu lý luận, sáng tác, đào tạo, biểu diễn là một quy luật, một định hướng phát triển của nghệ thuật múa cách mạng Việt Nam. Sách đã đề cập những nội dung: Múa dân gian là di sản quý giá của nghệ thuật múa Việt Nam, thực tiễn kế thừa và phát triển múa dân gian Việt Nam, nâng cao chất lượng kế thừa và phát triển múa dân gian trên các lĩnh vực hoạt động để xây dựng nền nghệ thuật múa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.
– Xòe Thái một giai đoạn phát triển độc đáo (2007):
Múa xòe Thái là một hệ thống những điệu múa đặc trưng của người Thái tồn tại, phát triển trong tiến trình lịch sử văn hóa tộc người, là di sản múa quý giá của Việt Nam. Sách trình bày khá đầy đủ những bước phát triển từ múa xòe tập thể dân gian đến các điệu xòe được biểu diễn trên sân khấu và những bước cải biên, nâng cao xòe Thái. Từ đó sách đề cập những biến đổi của xòe Thái qua các thời kỳ. Sách gồm những nội dung sau: Người Thái ở Việt Nam, các đội xòe, một số điệu xòe dân gian Thái Tây Bắc.
Đề tài khoa học luận văn, luận án
Những luận văn, luận án đề tài về nghệ thuật múa dân gian, dân tộc, hiện đại gồm một số luận văn, luận án dẫn chứng sau:
– Múa dân trong tác phẩm múa chuyên nghiệp Việt Nam (2006), Luận án Tiến sĩ của Ứng Duy Thịnh.
– Múa dân gian người Việt vùng châu thổ sông Hồng truyền thống và hiện đại (2009), Luận án Tiến sĩ của Phạm Anh Phương.
– Tìm hiểu một số hình tượng múa trên trống đồng Đông Sơn (2010), Luận văn thạc sĩ của Phạm Thị Minh Khánh.
– Vai trò của múa dân gian Thái trong hệ thống đào tạo múa ở Việt Nam (2005), Luận văn thạc sĩ của Nguyễn Thúy Nga.
– Múa hiện đại Việt Nam và phương pháp phát triển (2007), Luận văn thạc sĩ của Trần Văn Hải.
– Kế thừa và phát triển múa tuồng trong tác phẩm múa đương đại Việt Nam (2007), Luận văn thạc sĩ của Nguyễn Thị Tuyết Minh.
– Bảo tồn và phát triển xòe Thái Tây Bắc (2010), Luận văn thạc sĩ của Lê Minh Thu.
– Khảo cứu tiếp nhận múa cổ điển châu Âu trong tác phẩm múa hiện đại Việt Nam (2010), Luận văn thạc sĩ của Lê Hải Minh.
– Múa tính cách trong chèo (2010), Luận văn thạc sĩ của Nguyễn Thúy Hường.
– Múa tộc người Ba Na truyền thống và phát triển (2011), Luận văn thạc sĩ của Măng Linh Nga.
– Múa trong nghi lễ phật giáo (2012), Luận văn thạc sĩ của Nguyễn Thị Hồng Hải.
Cộng đồng các dân tộc Việt Nam đã để lại cho thế hệ sau một di sản nghệ thuật múa vô giá, không những đối với các thế hệ nghệ sĩ múa, mà còn đối với các nhà nghiên cứu, lý luận, phê bình, nhà khoa học… Vì vậy, những năm gần đây, các nghệ sĩ múa đã nghiên cứu được nhiều công trình khoa học đạt kết quả tốt đẹp. Song điều đó vẫn là chưa đủ, mà cần thiết phải có một chủ trương, định hướng cơ bản, có tính hệ thống để phát triển bền vững. Đã đến lúc, ngành nghệ thuật múa “cấp bách” cần có sự lãnh đạo, chỉ đạo của các ngành, các cơ quan quản lý Nhà nước, Hội chuyên ngành có chủ trương, định hướng, kế hoạch bảo tồn, phát triển một loại hình nghệ thuật mang tính đặc thù, bỏi những nghệ nhân, chủ nhân của di sản quý giá không có nhiều, dần dần đi về cõi vĩnh hằng. Những “trưởng lão” đầy tâm huyết, đau đáu vì sự nghiệp nghiên cứu khoa học nghệ thuật múa, đa phần ở tuổi xưa nay hiếm, thế hệ kế tiếp còn là một khoảng cách khá xa.
Di sản nghệ thuật múa quý giá ấy, và là đối tượng nghiên cứu khoa học ấy đang chờ đợi và đang chờ đợi! Nếu không muốn nói là SOS, là sự báo động, là trách nhiệm với thế hệ mai sau.
GS, TS, NSND LÊ NGỌC CANH