Cứ vào dịp cuối năm, chợ nổi Cái Răng Cần Thơ lại đông đúc, nhộn nhịp hẳn lên với lung linh sắc Tết, tạo nên nét đặc trưng cho văn hóa chợ của miền sông nước. Một chuyến du lịch về miền sông nước sẽ là lựa chọn thú vị cho bạn trong dịp Tết này.
Mục Lục
1. Sự nhộn nhịp ngày xuân
2.vài nét về chợ nổi
Với hơn 54.000 km chiều dài của sông rạch, miền Tây Nam Bộ chứa đựng một nền văn minh văn hóa sông nước đặc trưng không nơi nào ở Việt Nam có được, đặc biệt là những khu chợ nổi trên sông, đã gắn liền với đời sống nhân dân hàng mấy trăm năm nay từ thời khẩn hoang lập đất. Ở miền Tây, chợ nổi bao đời nay là nơi sinh hoạt, mua bán trao đổi hàng hóa của những người dân bến nước và trở thành một địa điểm du lịch văn hóa đặc biệt mà thật đáng tiếc nếu ai về miền Tây lại không tham quan chợ nổi trên sông.
Khoảng 15 tháng Chạp, chợ nổi đã tấp nập ghe xuồng để phục vụ cho dịp Tết. Ngày Tết, giá hàng hóa trên chợ nổi cao hơn ngày thường một chút, nhất là các loại rau, củ, quả và hoa để trưng bày trong gia đình. Tuy nhiên, so với chợ trên đất liền, hàng trên chợ nổi vẫn có giá rẻ hơn. Mỗi ngày, chợ đón hàng ngàn lượt tàu bè từ khắp nơi đến mua bán đủ những hàng hóa thiết yếu trong ngày Tết như: bánh mứt, hoa quả, vải vóc, quần áo… Cả quãng sông dài vài km tấp nập ghe thuyền, người mua kẻ bán đông đúc, tắc cả một đoạn sông.
Cây bẹo cắm trên đầu ghe là dấu hiệu giúp người đi chợ nổi đất phương Nam nhận biết ghe đó bán hàng gì. Nhưng với những ghe hoa của miền chợ nổi thì không cần phải thế. Chính màu sắc rực rỡ của hoa với mai vàng, cúc trắng, vạn thọ… mang sắc Xuân rất đặc trưng của sông nước miền Tây đã đủ sức thu hút người đi chợ.
Từ đầu tháng Chạp, các lái hoa đã chọn bến để họp chợ. Những ghe hoa khác đến nhóm dần rồi hình thành chợ hoa sáng rực một khúc sông. Điều đặc biệt của khu chợ nổi độc đáo này là thời gian nghỉ Tết rất ngắn. Khoảng Mùng Hai Tết, chợ nổi đã “chiều khách” trở lại vì nhu cầu mua hàng đã có. Đó là những chàng trai, cô gái, khách nước ngoài du Xuân bằng đường sông rất cần đồ ăn thức uống sẵn có như bún, cháo, cà phê và những món quà đặc trưng của chợ nổi…
Chợ nổi miền Tây thu hút khá đông du khách đến tham quan, theo thống kê, chỉ tính riêng tại chợ nổi Cái Răng đã có khoảng 300 – 500 khách mỗi ngày và tăng gần gấp đôi vào những ngày giáp Tết nhờ ở gần trung tâm thành phố. Những ngày giáp Tết, không khí Xuân ấm áp trên chợ nổi càng thu hút sự quan tâm, tìm hiểu của du khách về chợ nổi trên sông.
Đồng bằng sông Cửu Long hiện có trên hai mươi chợ nổi, trong đó có Phong Điền, Cái Răng (Cần Thơ), Trà Ôn (Vĩnh Long), Cồn Tròn (Tiền Giang), Chợ Thơm (Bến Tre), Cà Mau… là những chợ nổi được nhiều du khách biết đến. Tới một trong số những chợ nổi này, bạn sẽ cảm nhận được cái Tết của người miền Tây.
Theo Depplus