Đào Liễu là tên một bài chèo cổ của Việt Nam, được viết dựa trên đoạn thơ lục bát có tên là “Đào liễu một mình” (có nơi gọi là “Đường thư”), nguyên văn như sau:
Đi đâu đào liễu một mình
Hai vai gánh nặng, nhật trình đường xa
Áo nâu xếp ở trong nhà
Khăn vuông nhiễu tím phất phơ đội đầu
Yếm điều em vẫn còn mầu
Răng đen da trắng mái đầu còn xanh
Mà em ở vậy sao đành
Sao em chẳng kiếm chút tình cùng ai
Sách rằng xuân bất tái lai…”
“Đào liễu” thể hiện khát khao tìm thấy một tình yêu lớn lao và trọn vẹn của một người con gái trẻ trung. Ước mơ thầm kín và cháy bỏng nhất của nàng chính là có được một nơi neo đậu – như con thuyền lênh đênh tìm thấy bến bờ tin cậy cho cuộc đời mình.
Nhạc sĩ Quốc Trung đã chọn “Đào liễu” để phối lại theo phong cách World Music trong đĩa nhạc “Đường xa vạn dặm“.
Theo cách hòa âm phối khí mới, với sự kết hợp giữa âm nhạc hiện đại cùng giai điệu của các nhạc cụ truyền thống: tiếng nhị dìu dặt, bộ gõ khoan thai, tiếng đàn tranh réo rắt động lòng cùng với giọng hát xẩm đặc trưng được nghệ sĩ Quốc Anh trình bày, đã đem tới một hơi thở mới cho tác phẩm này.
Bị thu hút bởi âm nhạc đậm chất Bắc Bộ của nhạc sĩ Quốc Trung, NSƯT Vương Linh và Đặng Hùng đã biên đạo cho nghệ sỹ Múa Linh Nga tác phẩm cùng tên “Đào Liễu“.
Trong vai trò diễn chính Linh Nga đã hóa thân và hòa quyện tuyệt đối trong tác phẩm âm nhạc nổi tiếng của Quốc Trung. Không chỉ đẹp ở hình thể, động tác mà còn biểu cảm qua ánh mắt, nét mặt đã khiến người xem lay động bởi sự cuốn hút của nét phong kín trong nếp nghĩ, thổn thức từng nhịp dâng trào khao khát tự do của người con gái.
Múa: “Đào Liễu”
Biên Đạo: NSƯT Vương Linh, Đặng Hùng
Âm nhạc: Quốc Trung
Biểu diễn: Linh Nga