Nga không phải là cái nôi đầu tiên của Ballet tuy nhiên đây là một trong những sân khấu ballet kinh điển trên thế giới. Múa Việt Nam xin giới thiệu một bài viết của tác giả Lương Vũ Hải, một người đam mê nhạc cổ điển và ballet. Bài viết chỉ mang tính chất tham khảo bởi tác giả cũng chỉ nghiên cứu và tìm hiểu từ nhiều nguồn,
LƯỢC SỬ BALLET NGA NỬA ĐẦU THẾ KỶ XX (hay Ballet đã ở lại với Liên Xô như thế nào…)
Thực tế Nga không phải là cái nôi đầu tiên của Ballet. Tiền thân ballet vốn xuất phát từ Ý và nó thực sự được hàn lâm hóa ở Pháp trước khi lan rộng ra khắp toàn châu Âu cũng như Nga. Đến cuối thế kỉ XIX, sự yêu thích và quan tâm của hoàng gia Nga đã khiến Ballet nở rộ.
Ballet Nga đã đạt tới đỉnh cao, với sự xuất hiện của nhiều tài năng biên đạo, soạn nhạc và đặc biệt là những vũ công kiệt xuất như A.Pavlova, M.Fokin, M.Kschessinska, O. Preobrajenska, T. Karsavina (cũng là người thiết lập đoàn Royal ballet huyền thoại của Anh), G. Balanchine (sau này được coi là cha đẻ của Ballet Mỹ),…
Thế nhưng những ánh hào quang quá khứ đó không hẳn đã làm nên diện mạo của Ballet Nga đương đại. Cách mạng tháng 10 và sự ra đời của Liên Bang Soviet đã có một tác động không hể nhỏ đối với sự phát triển của Ballet Nga sau này.
Hãy nhớ rằng, mặc dù Bolshoi theatre và Mariinsky theatre luôn được coi là 2 viên ngọc quý nhất trên vương miện Sa hoàng Nga, cho tới đầu thế kỷ XX, Ballet vẫn là một thứ gì hết sức xa lạ với phần lớn người dân Nga – đặc biệt là tầng lớp lao động và dân nghèo.
Cách mạng nổ ra, nội chiến, điều kiện kinh tế khó khăn trong những năm tháng đầu tiên của nhà nước Soviet cũng như sự xung đột với chính quyền mới khiến phần lớn những nghệ sỹ ballet xuất sắc nhất (bao gồm tất cả những tên tuổi lớn kể trên) rời bỏ Nga, đi tìm một phương trời mới tại Mỹ và Châu Âu.
Ở trong nước, Ballet đã gần như lâm vào cơn hấp hối. Sự sống sót kì diệu của Ballet tại Liên Xô bao gồm rất nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan của lịch sử, tuy nhiên chắc chắn sẽ không thể bỏ qua 2 cái tên: Anatoly Lunacharsky – Bộ trưởng bộ Văn Hóa và Giáo dục đầu tiên của Liên Xô – người đã quyết liệt đến mức cực đoan bảo vệ nghệ thuật sân khấu kinh điển của Nga (bao gồm cả ballet và opera) và Agrippina Vaganova – nhà sư phạm ballet đại tài không chỉ trực tiếp huấn luyện nhiều prima ballerina lẫy lừng của Liên Xô sau này mà còn là tác giả của “Phương Pháp Vaganova” – Tác phẩm luôn được coi là “Kinh thánh” trong đào tạo Ballet đương đại và được sử dụng, nghiên cứu ở hầu hết tất cả các Học viện ballet hàng đầu thế giới hiện nay.
Lunacharsky và Vaganova đã chứng minh rằng Ballet không phải là thú tiêu khiển xa hoa của giới tư sản, phong kiến chế độ cũ mà là Nghệ Thuật và Nghệ thuật thì bất cứ thời kỳ hay chế độ nào cũng đều cần đến.
Tham vọng hơn, Lunacharsky dường như muốn sử dụng những bộ môn nghệ thuật hàn lâm như một công cụ với chức năng khai sáng dân trí cho toàn dân.
Ông tin rằng, trước khi những người dân Soviet mới có thể tự tạo ra giá trị văn hóa cho mình, họ cần phải được kế thừa “thực hành văn hóa” từ cội nguồn trong quá khứ.
Ngay từ năm 1918-1919, một lượng lớn vé miễn phí của Bolshoi, Mariinsky và nhiều nhà hát quốc hữu hóa được phân phát tới các nhà máy và doanh trại quân đội.
Khán giả của nhà hát tráng lệ không còn là những ông hoàng, bà chúa, những vị trí thức, học giả đạo mạo hay những những nhà quý tộc xiêm y lộng lẫy nữa, mà giờ đây lại là những người dân nghèo mặc những bộ quần áo xám xịt, thảm hại, những đôi ủng lông dày và thậm chí là trên vai lúc nào cũng lăm lăm khẩu súng trường.
Họ chả hiểu gì về những động tác mĩ miều ẩn chứa một thiên chuyện diễm tình nào đó, họ đến nhà hát đôi khi đơn giản chỉ là vì tò mò với những bộ trang phục bó sát, kiệm vải gợi tình, hay choáng ngợp trước một sân khấu màu sắc kỳ thú trong khán phòng phủ vải nhung mềm mại, xen lẫn vẻ lấp lánh của những chi tiết trang kim cầu kỳ.
Tầng lớp khán giả mới này có thể ít nhiều đã phá hủy tính trang nghiêm của thánh đường nhà hát, nhưng dù sao thì nó cũng đã khiến ballet tìm được lý do để tồn tại.
Và rồi, dần dần, dù với lý do nào đi nữa thì càng ngày số người đến với ballet, yêu thích ballet lại càng lớn hơn. Rất nhiều lãnh đạo trong chính quyền Bolshevik lên án Lunacharsky vì đã đỡ đầu cho nhà hát và những bộ môn nghệ thuật xa xỉ không đóng góp quá nhiều cho đời sống thực tiễn.
Kể cả Lenin, một người mặc dù luôn ủng hộ quan điểm cần gìn giữ những giá trị văn hóa tinh hoa thế hệ trước của Lunacharsky, nhưng nhà lãnh đạo tối cao cũng thật khó mà thông cảm khi phải bỏ hàng đống tiền để duy trì Bolshoi và Kirov (Mariinsky) trong khi nạn đói và nạn mù chữ vẫn còn đang hoành hành, đe dọa chính quyền non trẻ.
Sự tồn tại của các đoàn hát trở nên hết sức mong manh, trên các báo, hàng loạt các bài xã luận của các trí thức đương thời yêu cầu phải đóng cửa Bolshoi và các nhà hát, gần như chỉ một mình Lunacharsky đơn thương độc mã ngoan cốbảo vệ đến cùng.
Chính quyền sau rốt cũng đưa ra một phán quyết cuối (về việc có duy trì đoàn hát hay không). Lunacharsky và những người ủng hộ ông đã thắng, Bolshoi, Mariinsky được phép tồn tại, nhưng không phải vì những quan điểm văn hóa nghệ thuật cao sang gì, mà đơn thuần đây chỉ là một quyết định mang nặng tính kinh tế: việc đóng cửa và duy tu, bảo tồn các công trình nhà hát dường như tốn kém hơn là để nó hoạt động đúng chức năng – nơi biểu diễn nghệ thuật và có thể sinh lời qua việc bán vé, thỏa mãn “cơn khát” văn hóa của người dân.
Ballet giờ đây đã bắt đầu có thể thích ứng với đời sống mới của xã hội. Nhưng sự phát triển tới trình độ cao như hiện nay thì còn phải kể đến một cái tên nữa – Agrippina Vaganova.
Vốn là một nghệ sỹ múa tài năng của Trường múa Hoàng đế ( Imperial Ballet School ) lừng danh của Saint Petersburg, nơi Vaganova đã thụ giáo với tất cả những giảng viên múa hàng đầu thời đấy đến từ rất nhiều quốc gia là cái nôi của ballet (mà hoàng gia Nga đã mời về lúc đó).
Mặc dù chưa bao giờ vươn đến vị trí Prima ballerina (ngôi sao ballet trong nhà hát) của Mariinsky Theatre, Vaganova đương thời luôn được coi là một trong những ballerina có kĩ thuật xuất chúng hàng đầu của Nga, được giới phê bình xưng tụng là “queen of variations” (Nữ hoàng của những trích đoạn múa solo).
Thật may mắn cho ballet Nga vì Vaganova đã lựa chọn ở lại trong nước sau CMT10, không như phần lớn những ngôi sao ballet Nga cùng thời.
Trong thời kỳ Sa hoàng, dù đã có trường múa ở Saint Peterburg và Matx-cơ-va, nhưng phần lớn kĩ thuật nghệ sỹ có được đến từ lối dạy truyền miệng theo kiểu một kèm một. Vaganova có lẽ là một trong những người đầu tiên hệ thống hóa lại phương pháp đào tạo ballet tại Nga, kế thừa từ những giá trị tinh hoa của các trường phái ballet đỉnh cao nhất thời đấy như Pháp, Ý, Đan Mạch ,… mà bà được truyền đạt từ các giảng viên lỗi lạc tại Imperial Ballet School.
Không chỉ vậy bà còn thay đổi, phát triển và đưa vào rất nhiều phát kiến cực kỳ quan trọng trong các kỹ thuật múa (các tư thế tay, chân) cũng như về nghệ thuật biểu đạt, diễn xuất trong ballet.
Một trong những quan điểm chủ chốt của Vaganova là mỗi nghệ sỹ múa phải biết lắng nghe, cảm nhận cơ thể mình và phải biết tư duy, vận dụng trí óc.
Thậm chí, khả năng tư duy là điểm mấu chốt quan trọng nhất với một ballerina chứ không phải hình thể hay các kĩ thuật khó – thứ có thể đạt được nhờ kỷ luật và sự rèn luyện đúng cách.
Sự thành công của những học viên tinh hoa trong lớp bối dưỡng chuyên biệt của Vaganova như Feya Balabina, Natalia Dudinskaya (người sau này chính là thầy của U.Lopatkina), Ninel Kurgapkina, Olga Moiseeva (cũng là người huấn luyện trực tiếp siêu sao S.Zakharova),Irina Kolpakova, … (tất cả đều trở thành những prima ballerina tên tuổi của Liên Xô) chính là thành quả từ sự tận tụy và nghiêm khắc của bà.
Tuy nhiên, ở đây tôi muốn tập trung về 2 người học trò nổi bật nhất: Marina Semenova và Galina Ulanova – hai ngôi sao rực sáng của ballet Liên Xô thập niên 30-50.
Marina Semenova không chỉ là môn đệ mà Vaganova yêu nhất, là người có kĩ thuật hoàn hảo nhất, bà chính là người đầu tiên giới thiệu ballet “chất lượng Liên Xô” thực sự đến với thế giới. Sau khi tốt nghiệp “lớp múa tinh hoa” (lớp học sinh tinh tuyển do Vaganova lựa chọn những em tốt nghiệp xuất sắc nhất trường múa để trực tiếp đào tạo nâng cao, hướng đến vị trí prima ballerina), Semenova hoạt động tại Kirov theatre một thời gian rồi theo chồng đến Bolshoi Theatre – nơi bà đã chinh phục toàn bộ khán giả Thủ đô bằng kỹ thuật múa siêu phàm của mình.
Hầu như tất cả các Prima ballerina của Liên Xô sau này, kể cả G.Ulanova , N.Bessmertnova (cũng là học trò của chính Semenova), M.Plisetskaya, … đều ngưỡng vọng và nể trọng tài năng múa tuyệt luân của bà.
Marina Semyonova giảng dạy tại Bolshoi năm 1990. Ảnh: Igor Zakharkin/ Bolshoi Ballet
Năm 1935, Marina Semenova có chuyến lưu diễn nước ngoài đầu tiên ngay tại nước Pháp – một trong những cái nôi của Ballet cùng với đoàn Paris Opéra Ballet trứ danh, và cũng là lần đầu tiên một nghệ sỹ ballet Liên Xô xuất hiện chính thức trên sân khấu đỉnh cao của phương tây.
Cần nói thêm bối cảnh lúc này, trong con mắt của phương Tây thời đó, tất cả ở Nga Xô đã hoàn toàn sụp đổ, sự duyên dáng , tinh tế của nghệ thuật ballet Sa hoàng chỉ còn là vang bóng một thời, nhường chỗ cho những hình tượng văn hóa mới, mang màu sắc cổ động, gai góc, thô bạo kiểu “hiện thực XHCN”, và dĩ nhiên, Ballet Liên Xô vì thếvới phương tây, chẳng là gì so với trường phái Ballet Pháp tinh túy truyền thống.
Nhưng màn trình diễn tuyệt vời của Marina Semenova đã cho khán giả Paris được mở mắt, như một lời tuyên bố: “Không, thưa các quý ông và quý bà, tôi không chỉ múa đẹp, tôi hơn hẳn tất cả các vị cộng lại.”. Nhà văn Áo nổi tiếng Stefan Zweis đã viết về ấn tượng của ông khi được xem Marina Semenova múa: “Khi cô ấy bước ra sân khấu với một dáng vẻ khoan thai tự nhiên như chỉ có được tự sự rèn giũa, và rồi, đột nhiên cô ấy bay lên với một cú nhảy hoang dại, ấn tượng mãnh liệt như một cơn bão tố xé ngang sự tĩnh mịch của bầu không khí tẻ nhạt hiện hữu. ”
Semenova đã nổ phát súng đầu tiên, kể từ đó, ngày càng nhiều những nghệ sỹ ballet Liên Xô chiếm lĩnh các giải thưởng cao nhất trong các cuộc thi Ballet uy tín quốc. Phương tây bắt đầu có cái nhìn “khiêm nhường” hơn rất nhiều đối với nghệ thuật múa ballet của Liên Xô.
Và tất nhiên, dần dần Kirov và đặc biệt là Bolshoi đã nhanh chóng trở thành một thương hiệu mới của Liên Xô, không chỉ đối với chính quyền mà cả trong trái tim người mỗi người dân.
Nếu như Semenova đã khiến Ballet Nga trở thành “đại sứ văn hóa” giữa phương Tây và Liên Xô, Galina Ulanova ở một phương diện khác, đã đưa ballet Nga đến tầm cao mới của nghệ thuật ballet.
Nhan sắc diễm lệ, kĩ thuật múa hoàn hảo và khả năng diễn xuất có một không hai – Ulanova là một siêu phẩm all-in-one, một trong những học sinh ưu tú nhất từng qua bàn tay gọt giũa của Vaganova.
Tôi vẫn còn nhớ ở chợ lưu niệm Vernisazh, có bán một bộ post card cũ xuất bản từ hồi Liên Xô cực đẹp của Ulanova, nhưng sau một hồi mặc cả bất thành, tôi đã thôi không mua, nhưng vẫn tiếc.
Hiển nhiên, vị trí của Galina Ulanova đối với Ballet Liên Xô gần như là tối thượng. Ulanova là Prima ballerina đầu tiên được Bolshoi phong tặng danh hiệu cao quý “Prima ballerina assoluta” (Prima ballerina cực phẩm) – danh hiệu chỉ một số rất ít Ballerina đỉnh cao trên thế giới được tặng thưởng.
Bà là người truyền giữ ngọn lửa thiêng của Ballet Nga tại thành trì Bolshoi Theatre tới những thế hệ tiếp nối sau này như Maya Plisetskaya, Natalia Bessmertnova và giờ đây là Svetlana Zakharova…
LƯƠNG VŨ HẢI