(NCTG) Vừa qua, nhân đoàn ballet của nhà hát Opéra national de Paris (ONdP) sang Việt Nam, tôi bèn lên mạng tìm chương trình biểu diễn và danh sách vũ công.
Sau một lúc lâu lục lọi gần vài chục bài báo lớn nhỏ, tôi vẫn không tìm được những thông tin nói trên, mà thay vào đó là cảm giác ngán ngẩm: báo chí của chúng ta bất công với ballet quá.
Poster, lỗi chính tả, showbiz-hóa và sáo rỗng
Chương trình bao gồm 9 trích đoạn ballet, không có “Swan lake” (Hồ Thiên Nga), nhưng poster lại là hình vở “Swan lake”. Không có tên các trích đoạn cũng như diễn viên cho từng trích đoạn mà chủ yếu là nhà tài trợ.
Tôi không rõ ai làm poster này nhưng chắc chắn họ chưa bao giờ đi xem chương trình ballet cũng như không biết rằng mình đang thiếu tôn trọng khán giả như thế nào.
Không có ai thiết kế poster phim này bằng cách đăng hình của phim khác hoặc không ghi tên diễn viên trên poster, vì đó là những yếu tố quan trọng giúp khán giả quyết định có nên xem một bộ phim hay không. Khán giả xem ballet cũng có nhu cầu như vậy.
Tôi không hiểu tại sao nhà tổ chức có thể bỏ nhiều công sức để mời ONdP sang diễn mà lại không thể dành thêm chút tâm huyết để thiết kế poster cho đàng hoàng hơn.
Poster không ra đâu vào đâu của chương trình
Sau đó tôi tìm được tên vài vũ công qua báo chí nhưng hỡi ôi là lỗi chính tả. Hầu như báo nào cũng viết sai tên nhà hát hoặc tên diễn viên, có lẽ vì họ còn quá xa lạ.
Và vì xa lạ nên chúng ta không biết làm thế nào để giới thiệu về đoàn múa, bèn giới thiệu theo kiểu showbiz: xoáy vào người nào có tiểu sử đáng chú ý nhất, dĩ nhiên luôn là cô nào xinh xắn và có gốc Việt, hay nói theo kiểu dân gian là “thấy sang bắt quàng làm họ“.
Có lẽ Việt Nam là nơi duy nhất mà Agnès Letestu lép vế trước Mathilde Froustey: hàng chục bài báo viết về chuyện Froustey có bà nội người Việt Nam và chuyện cô thích phở.
Đây là lần đầu tiên tôi nhìn thấy báo chí tập trung vào khẩu vị của diễn viên ballet và đặt hẳn thành tít, như thể nó rất thú vị: “ôi, thích những món phở cơ à!“.
Buổi diễn của các vũ công hàng đầu thế giới được giới thiệu một cách hết sức hời hợt
Và vì không biết nói gì tiếp theo nên chúng ta bắt đầu trở nên sến lụa, sử dụng tất cả các mẫu cẫu sáo rỗng mà lâu nay vẫn dùng cho mọi kiểu mọi thể loại nghệ thuật trình diễn: “Nghệ sĩ và khán giả đã cùng thăng hoa trong khán phòng ngập tràn một bầu không khí mịn như nhung, không có những tạp âm xô bồ của đời sống thường nhật len lỏi đến.
Toàn bộ cảm xúc, thính giác, thị giác của khán giả đã bị hút vào những động tác đẹp đẽ…” (“Dân Trí”).Thông tin sai lệchDưới đây là một số ít thông tin sai trong số rất nhiều lỗi được báo chí dẫn đi dẫn lại nhiều lần.
* “Mathilde Froustey hiện là vũ công nữ quan trọng nhất của nhà hát Francisco Ballet” (ELLE).
Câu này có vẻ dịch từ cụm “principal dancer“, vốn không phải là “vũ công quan trọng” mà là thứ bậc cao nhất trong một công ty ballet.
Ai quan tâm đến ballet sẽ biết Froustey vẫn chỉ là “lính mới” trong San Francisco Ballet, tầm quan trọng chắc khó sánh được với Yuan Yuan Tan và Maria Kochetkova.
Mathilde Froustey hay được khai thác đơn thuần dưới góc độ một người mang trong mình dòng máu Việt
* “Phần múa đôi của hai vũ công nam trong “Những nhịp đập gián đoạn của trái tim” (dựa theo ý tưởng văn học của Proust) đem lại nhiều tạo hình khỏe khoắn, đẹp đến bất ngờ. Thoạt nhìn tưởng tiết mục thể hiện một mối liên hệ giới tính nhưng không phải. Mỗi vũ công là đại diện cho một mặt đối lập, kiểu như thiện và ác, ánh sáng và bóng tối…” (“Tiền Phong”).
Vở “Proust ou les intermittences du coeur” (Roland Petit) dựa theo tuyển tập “Đi tìm thời gian đã mất” của Proust, trong đó đồng tính luôn là một chủ đề chính, trở đi trở lại nhiều lần xuyên suốt tác phẩm. Nhiều học giả cho rằng sở dĩ như vậy là do Proust là người đồng tính, mặc dù ông chưa bao giờ thừa nhận điều này.
Vở ballet của Petit dựa theo đó cũng xoay quanh chủ đề đồng tính, nhưng bằng cách cởi bỏ lớp áo ngôn từ để thể lộ cảm xúc ở dạng thức thuần khiết và trừu tượng nhất.
Thông qua chuyển động mềm mại của cơ thể vũ công trên những giai điệu tương ứng như trong sách của Proust, tâm tư của người đồng tính được thể hiện với đầy đủ sự trăn trở và phức tạp, mà tiêu biểu là cảnh múa Morel và Saint-Loup – một trong những cảnh pas de deux gợi cảm nhất của ballet hiện đại.
Ai đọc Proust hẳn sẽ biết hai người họ đang yêu nhau và ít lâu sau đó Saint-Loup sẽ chết trong chiến tranh.
“Morel – Saint-Loup hay những thiên thần tranh đấu”, một trong những cảnh pas de deux gợi cảm nhất của ballet hiện đại
Petit đặt tên cho cảnh này là “Morel – Saint-Loup ou le combat des anges” (Morel – Saint-Loup hay những thiên thần tranh đấu) với dụng ý khơi gợi người xem về vẻ đẹp trong sự quyến luyến giữa họ, chứ không phải để phủ nhận như báo là “không có liên hệ giới tính“.* “Carmen” được Roland Petit sáng tác trên nền nhạc của Georges Bizet. Với sự cách điệu, quyến rũ đầy khiêu khích, “Carmen” đã thành công ngay lần biểu diễn đầu tiên. Tới nay, tác phẩm này vẫn được xem là báu vật của các nhà hát ballet danh tiếng và là một trong những vở nhạc kịch được biểu diễn nhiều nhất trên thế giới” (“Dân Trí”).
Tôi đọc mấy lần vẫn không hiểu đoạn này muốn nói đến vở “Carmen” (ballet) hay “Carmen” (opera). Khi vừa ra đời, vở opera “Carmen” (Georges Bizet, 1875) bị báo chí xem như trò cười, giới phê bình xem là thô thiển và khán giả thờ ơ, phải đến cuối thế kỷ 19 giá trị mới dần được công nhận.
Sau đó một số nhà biên đạo múa chuyển thể Carmen sang ballet, với nhiều cách tiếp cận khác xa nhau và thậm chí khác xa cả vở opera.
Một cảnh trong “Carmen”
Buổi ra mắt đầu tiên của phiên bản ballet “Carmen” (Roland Petit, 1949) được công chúng đón nhận nhưng giới phê bình không đánh giá cao.
Qua thời gian, hiện nay “Carmen” (opera) được xem là “đứa con cưng” của tất cả các nhà hát opera, nhưng “Carmen” (ballet) của Petit thì còn cách tầm cỡ đó rất xa.
Nhưng vở “Carmen” mà ONdP diễn không phải là “Carmen” của Bizet lẫn “Carmen” của Petit!* “Đặc biệt, đây là cơ hội có một không hai để công chúng Việt Nam khám phá những tác phẩm ballet hậu hiện đại nổi tiếng thuần khiết tinh thần lãng mạn của Pháp (“In the night”, Proust hay “Những nhịp đập gián đoạn của con tim”, “Không – em không hối tiếc gì”, “Những đứa trẻ thiên đường”)“. (ELLE)
Nước ngoài thường tránh dùng cụm từ “tinh thần lãng mạn“, vì trong thế giới ballet có một thuật ngữ gọi là “ballet lãng mạn” (romantic ballet) dùng để chỉ những vở ballet thuộc giai đoạn khoảng 1830-1870 tại Pháp, chịu ảnh hưởng từ chủ nghĩa lãng mạn Pháp và đóng vai trò bước ngoặt trong lịch sử ballet với một số thay đổi như múa trên đầu ngón chân (en pointe), đầm múa hình chuông (romantic tutu), sử dụng hiệu ứng ánh sáng khi trình diễn (gas lighting) và chuyển trọng tâm vở ballet từ vũ công nam sang vũ công nữ (cult of the ballerina).
Ngôi sao Mathilde Froustey cùng bạn diễn
Như vậy, trong 9 trích đoạn ONdP trình diễn, chỉ có “Giselle” (1842) là thuần khiết tinh thần lãng mạn Pháp, còn các vở khác khó gọi là mang tinh thần lãng mạn Pháp được.
Chẳng hạn như “The nutcracker” (Kẹp hạt dẻ, 1892) thuộc giai đoạn tiếp theo, khi trung tâm ballet chuyển từ Pháp sang Nga, được Petipa biên đạo kết hợp cùng một nhà biên đạo người Nga trên nền nhạc Tchaikovsky dành cho nhà hát Mariinsky, nên thật ra đậm chất Nga hơn.
”In the night” (1970) lại thuộc giai đoạn sau đó nữa, sau khi Balanchine mang ballet sang Mỹ và ballet trở thành sân chơi toàn cầu, Jerome Robbins biên đạo vở này dành riêng cho New York City Ballet tại Mỹ, nên khó có thể gọi là đậm chất gì của riêng nước nào.Và không có cái gì gọi là “ballet hậu hiện đại” cả.
*
Đêm trình diễn có một trích đoạn là “Non, rien de rien” trên nền bản nhạc của danh ca huyền thoại Édith Piaf – một người cầu toàn, rất khắt khe với bản thân và không ngừng hoàn thiện mình. Lần trình diễn cuối cùng trước công chúng khi sức khỏe đã rất yếu, bà hát bài “Non, je ne regrette rien” (Không, em không tiếc gì) như một lời khẳng định về sự nghiệp và cuộc đời mà bà đã sống trọn vẹn.
Tôi hy vọng khi nhìn lại những bài báo này, các nhà báo sẽ cảm thấy “tôi có hối tiếc“, sẽ bớt tự tin đi và dành thêm công sức tìm hiểu cặn kẽ trước khi viết.
Khi đã mời các đoàn ballet danh tiếng sang Việt Nam, nghĩa là chúng ta mong muốn có thể vươn đến những giá trị nghệ thuật cao hơn.
Và hiểu đúng về nghệ thuật có lẽ là cách đơn giản nhất để làm cho nhãn quan của chúng ta thêm phong phú, hay nói như Proust thì “chỉ có qua nghệ thuật chúng ta mới có thể thoát thai ra khỏi bản chân mình, để thay vì chỉ thấy được một thế giới duy nhất của riêng chúng ta, ta sẽ nhìn thấy nó với muôn vàn thể dạng“.
Phan Lặng Yên, từ Hà Nội