Home / Phê Bình / Múa, niềm đam mê của tôi!

Múa, niềm đam mê của tôi!

“Ước mớ được múa dần trở thành hoang tưởng vì tôi chỉ cao có 1m46. ” – Đây có thể là một câu chuyện khó tin nhưng có thật, về một cô gái chỉ cao 1m46, bắt đầu học múa ballet khi đã 23 tuổi. MúaViệtNam.com xin giới thiệu tới các bạn câu chuyện của Lê Thị Mai Phương, hiện đang công tác tại Phòng Khách hàng tổ chức doanh nghiệp Trung tâm Kinh doanh-VNPT Hải Phòng. Công việc chính của Phương làm về mảng chữ ký số, nhưng hàng tuần sau giờ hành chính, Phương vẫn tham gia tập luyện và dạy múa cho các em nhỏ từ 5-7h tối.

Mai Phương chia sẻ: “Tôi đến với múa không phải để được khoe mẽ về bản thân mình, không phải để thi thố tài năng ở đâu cả, mà đơn giản là tôi được múa – chỉ thế thôi.”  

Câu chuyện của Lê Thị Mai Phương sẽ truyền cảm hứng tới những người đam mê Múa với một thông điệp ý nghĩa về cuộc sống, đó là: Không bao giờ quá muộn để thực hiện ước mơ.

Múa, niềm đam mê của tôi!

Câu chuyện của tôi về nghề múa có thể là một câu chuyện khó tin nhưng có thật. Một cô gái cao 1m46, đã 23 tuổi mới bắt đầu học múa ballet. Nghe thì phi lý thôi nhưng trải qua rồi thì tôi và bạn bè xung quang cảm thấy hết sức bình thường. Không phải ai cũng may mắn được gia đình cho đi học múa từ bé. Không phải ai cũng may mắn để có một hình thức thật cân đối. Oái ăm thay nhiều người cũng thắc mắc vì sao tôi lại thích một thứ chẳng phù hợp với mình.

Lúc còn là một đứa trẻ mỗi lần trường liên hoan văn nghệ tôi đều không được tham gia, mặc dù tôi không hề xấu xí chút nào, đơn giản chỉ vì tôi quá bé nhỏ. Mỗi năm cứ đến ngày 20/11, đi xem văn nghệ xong tôi lại ra bờ sông khóc một mình, với nỗi buồn không nói được cùng ai: Tôi thèm khát được múa. Mỗi ngày 20/11 lại khủng khiếp với tôi, tôi sợ nó như một cô gái dị dạng sợ ngày valentine. Nhìều lúc ở nhà tôi hình dung lại những động tác múa hôm đi xem văn nghệ, và cả ở trên ti vi nữa, để bắt chước theo, nhưng không sao múa nổi được. Cuộc sống của tôi là sáng đi học, chiều đi học thêm, tham gia đội tuyển đi học sinh giỏi, và tối lao đầu vào làm bài tập.

Thời gian cứ trôi đi, tôi lớn lên trong cái khuôn khổ mà xã hội đã lập trình sẵn cho tôi: vào đại học. Ước mớ được múa dần trở thành hoang tưởng vì tôi chỉ cao có 1m46, bây giờ mà đòi tham gia văn nghệ trường thì cả thiên hạ cười cho. Mỗi lần trường tổ chức văn nghệ  hay xem múa ở ti vi tôi cố như không nghe thấy tiếng gọi của cơ thể mình.

Tôi trọ trên một căn gác xép cao 1m3 diện tích 3,5m2, đứng lên còn không được chứ nói gì đến múa. Ở duới tầng một có một quán cà phê nhỏ, nhưng có tấm gương rất lớn. Thỉnh thoảng tôi như bị ma làm, những động tác múa không biết ở đâu ra lại làm cơ thể tôi nóng bừng lên. Rồi một đêm đợi cả nhà đi ngủ hết, tôi đi xuống dưới quán cà phê, nhìn vào gương, và… tôi múa, múa theo bản năng của mình.

Buổi sáng hôm sau tôi đến trường, tôi cảm thấy những bông hoa xoè cánh nở đang cố uốn mình cong vút  như  bàn tay tôi múa và áng mây trên trời đang uốn mình thành hình vũ nữ, có một bạn trai người Lào đi giữa sân trường một tay xách laptop một tay múa lăm vông, chim trên cành đang hót theo nhạc bài “Hoa Chăm Pa”cho bạn ấy múa. Tất cả đều đang ủng hộ tôi mà.  Từ đó cứ mỗi đêm khi quán cà phê đóng cửa, tôi lại đêm laptop xuống nhà, mở internet ra xem múa và bắt chước. Cứ như thế một năm trời.

Ở đó một thời gian thì có hai bạn gái người Thái đến trọ cùng, người Thái rất thích múa, các bạn ấy dạy tôi một số điệu múa dân gian, rồi bác bán hàng cơm nhà đối diện vốn là một diễn viên chèo về hưu cũng dạy tôi một số động tác múa cơ bản. Ở chỗ phơi quần áo, chỉ có 0,5m2 nơi có một hàng rào thép gai, ba chúng tôi hay dùng chỗ đó để tập múa với nhau. Nhưng bản thân tôi biết không thể học theo kiểu lần mò mãi thế này được.

Năm 2010, nghỉ học về Hải Phòng, tôi đến Cung Văn Hóa Việt Tiệp, xin vào lớp múa thiếu nhi, tôi nói với cô giáo là tôi 14 tuổi trong khi thực sự tôi đã 23 tuổi rồi. Các em trong lớp hỏi: bạn học lớp mấy, ở trường nào? Tôi ôm bụng cười và bảo: Nhà tớ ở Hà Nội, nghỉ hè tớ về đây với ông bà. Mãi về sau này khi cô giáo bảo tôi nên thi vào trường múa tôi mới nói thật rằng tôi là người lớn và sắp tốt nghiệp đại học.

Học được 2 tháng thì tôi phải lên Hà Nội làm tốt nghiệp, thời kỳ ấy tôi xin học vào một lớp ballet của Trung tâm bồi dưỡng đào tạo tại Trường Múa Việt Nam, đối diện với trường Đại Học Thương Mại của tôi. Tôi vẫn còn nhớ rõ là kể từ ngày đầu đi học múa là 23/06/2010 ở Cung Việt Tiệp là 3 tháng sau tôi mới xoạc được, 6 tháng sau là có thể xoạc và nằm ép về trước và 2 năm sau là đứng lên mũi cứng được, mỗi tội là cái chân của tôi rất ngắn và cơ thể hơi chũm chĩm nên không được hợp lắm. Nhìn vào gương thấy mình được múa, nhiều khi không tin đó là sự thật.

Tốt nghiệp xong tôi về Hải Phòng đi làm, mỗi khi tan ca tôi lại về Cung Việt Tiệp với niềm đam mê của tôi. Đến với múa, tôi không chỉ là luyện tập mà còn để cảm nhận ngôn ngữ hình thể qua các tác phẩm. Từ đó đến nay đã 5 năm rồi, cuộc sống cơm áo gạo tiền cứ cuốn tôi đi, có những ngày tôi không kịp về lớp để hòa mình vào những bản nhạc của Chopin, Mozart, Bethoven, để được nhìn những khuôn măt bé nhỏ thiên thần của lớp múa. Có những lúc cuộc sống đã cuốn tôi đi, có những lời dèm pha của người ngoài, nhưng tôi chưa bao giờ hết tình yêu dành cho múa. Tôi nhận ra rằng nghề múa là một nghề không thể ăn thật làm giả được như một số công việc khác ngoài xã hội. Đã theo nghề này là phải có tài, có tâm, và có khổ luyện từng ngày.

Mọi người nhìn trên facebook của tôi thấy rất nhiều ảnh múa đẹp nhưng ít ai tin sau 7 năm gắn bó với múa, tôi lại rất ít đi biểu diễn, một phần là không có điều kiện về thời gian. Tôi đến với múa không phải để được khoe mẽ về bản thân mình, không phải để thi thố tài năng ở đâu cả, mà đơn giản là tôi được múa – chỉ thế thôi.

Tôi không hề cô đơn trên con đường học múa của mình vì sau này tôi đã gặp nhiều hoàn cảnh tương tự. Có nhiều bạn học múa khi đã ngoài 20 lắm, và khi đứng lên sân khấu thì kỹ thuật của các bạn ấy không kém gì diễn viên chuyên nghiệp. Vì ở đời này khi bạn khao khát cái gì thì cái đó sẽ kháo khát lại bạn. Ở lớp múa của Cung Văn hóa có những em nhỏ 5, 6 tuổi mà bố mẹ đưa đi 12-20 cây số chỉ để học múa một tiếng đồng hồ. Tôi cũng thường nhận được những lời nhắn trên Facebook của các em nhỏ ở khắp nơi, những nơi xa xôi không có điều kiện được học múa, những hoàn hoàn cảnh gần giống với tôi ngày xưa. Chỉ khác các em có điều kiện để tiếp cận với internet hơn tôi hồi bé, nhưng rất tiếc là học múa ballet cần học cả cách dùng sức, cái này qua mạng không dạy được.

Rồi sau này chúng tôi sẽ lập gia đình, có con và sống với gia đình chồng. Cũng chẳng biết mười hai bến nước sẽ đưa tôi về đâu, có được sống với nghệ thuật nữa không nhưng nhất định tôi sẽ cho con mình được học múa, để con mình có hình thể và dáng đi đẹp, để con mình luôn tự tin trước đám đông và mạnh mẽ, tinh tế trong cuộc sống.

Lê Thị Mai Phương

Check Also

3,5 tấn thóc trong tác phẩm múa “Songs of the Wanderers”

Năm 1994, tác phẩm múa Songs of the Wanderers – ( Tạm dịch: Ca khúc của người …