Tối qua, tôi được con gái rủ đi xem vở ballet Romeo và Juliet của Nhà hát Moskova (Nga) biểu diễn tại Warszawa. Câu chuyện xảy ra ở nước Ý, được văn hào người Anh William Shakespeare viết thành một vở bi kịch, từ thế kỷ 16, mà cả thế giới không mấy người không biết, có lẽ cũng giống như người Việt biết về Truyện Kiều… Đã từng xem câu chuyện này trên sân khấu kịch nói, trên màn ảnh, nay lần đầu xem vở Ballet trình diễn thấy “Romeo và Juliet” càng say đắm lòng người.
Bài viết của tác giả
Vở Ballet trung thành với cốt truyện Romeo và Juliet của Shakespeare. Tôi dốt cả về nghệ thuật múa lẫn âm nhạc, vậy mà vẫn bị cuốn hút từ đầu đến cuối vào vở Nhạc kịch Ballet gần ba tiếng đồng hồ (không kể 2 lần giải lao 40 phút).
Không một lời nào, chỉ bằng vũ điệu, ngôn ngữ hình thể và âm nhạc mà bao nhiêu cung bậc tình cảm từ nội tâm sâu thẳm của con người được bộc lộ, diễn tả, truyền cảm lạ thường.
Mở màn ra là Lễ hội hóa trang ở lâu đài nhà Juliet, mà Romeo lọt vào, rồi đôi trai mê nhau, tỏ tình, đã mê li rồi!
Khó có loại hình nghệ thuật nào hơn Ballet diễn tả được mối tình đầu cao quý, trắng trong, e lệ, thơ ngây, mộng mơ, lãng mạn, bay bổng mà say mê, thiết tha, quyến luyến của đôi trai gái quý tộc, đẹp như ngôn ngữ vũ Ballet.
Cũng như vậy, ở màn hai, đôi trai gái yêu nhau, bao chờ đợi, nhớ mong dồn nén, bồn chồn, khiến họ vượt qua mọi ngăn trở, tìm gặp được nhau. Ôi, có lẽ chỉ vũ ballet mới diễn ta được hết nỗi khát khao yêu đương cháy bỏng, cuồng dại, mê đắm như muốn hai thân thể, hai tâm hồn nhập thành một, không thể rời xa nhau, như muốn cả hai tan biến vào nhau…
Ở màn ba, sau khi Romeo và Juliet bí mật đính hôn ở nhà thờ, ngôn ngữ ballet cho thấy đôi trẻ sung sướng, bây giờ đã là của nhau…Nhưng trong lúc yêu nhau nồng nàn, say đắm, bất chợt đôi trẻ lại giật mình thảng thốt, lo âu phải chia xa, bới sự ngăn cản của hai dòng họ thâm thù nhau…
Kết quả của thù hận đã dẫn đến bi thảm: Anh họ của Juliet đấu kiếm với bạn thân của Romeo; Romeo cố sức khuyên ngăn hai người nhưng bất lực. Trong lúc Romeo ngăn giữ bạn mình, thì anh Juliet thừa cơ đâm chết đối thù. Romeo không thể tha thứ cho hành động của anh Juliet và cậu cầm gươm thay bạn để giao đấu. Đối thủ làm sao chống đỡ nổi tay kiếm cao cường như Romeo, nên bị đâm chết.
Romeo bị bắt giam. Bố mẹ Juliet quyết định gả nàng cho một bá tước giàu sang. Nàng kiên quyết cự tuyệt…
Ôi, những cảnh Ballet solo của Juliet lúc cô vùng vẫy, cương quyết cự tuyệt việc ép gả của cha mẹ, cũng như lúc cô hoảng loạn, vật vã, tuyệt vọng trước khi uống thuốc độc (thực ra là thuốc ngủ, sau 24 giờ sẽ tỉnh lại, của cha đạo bày cho); rồi lúc cô tỉnh dậy, thấy Romeo đã nằm chết bên mình, cô đã hoảng hốt, đớn đau, quằn quại và tự sát bàng lưỡi dao găm của Romeo, tất cả những xung đột nội tâm, những cảm xúc đau đớn dữ dội nhất, ngôn ngữ cơ thể của Ballet đều diễn tả tài tình, có sức truyền cảm mãnh liệt… Những cảnh solo của Romeo càng biểu hiện sự đớn đau, quằn quại dữ dội hơn, khi trốn trại giam về để vĩnh biệt Juliet… Anh đã ôm xác Juliet quay cuồng, gào thét trong tuyệt vọng và nằm xuống bên người yêu dấu, trước khi uống thuốc độc quyên sinh…
Kết thúc là, hai dòng họ đã cùng đứng bên nhau, trước thi thể bốn đứa con yêu quý, đã chết thảm thương bởi lòng hận thù ngu ngốc…
Vở diễn hẳn đã đem lại những cảm xúc, những ấn tượng thỏa mãn tình cảm của khán giả, nên tiếng vỗ tay kéo dài mãi không ngớt…
Về kỹ thuật, sân khấu dùng hình ảnh 3D nên rất lung linh, huyền ảo. Trên sân khấu khi thì hiện lên góc phố, lâu đài nhà Romeo hay Juliet tráng lệ; khi lại là một nhà thờ cổ kính, với hình đức Mẹ và các khung cửa kính, sắc màu lung linh… Nhưng tôi không thích có hai màn mình LED phóng đại hình ảnh hai bên sân khấu. Nó làm khán giả phân tán chú ý và cảm xúc, khi không chăm chú chỉ theo dõi vở diễn trên sân khấu thực.
Một vài cảm nhận thú vị nữa, là khi vào nhà hát, được quan sát khán giả Ba Lan. Có lẽ khán giả xem Bllet phần lớn thuộc tầng lớp trung lưu và thượng lưu của Warszawa. Điều lạ, vở diễn về tình yêu tuổi trẻ mà ít thấy người trẻ, phần lớn là những người tầm 35 – 45 tuổi trở lên. Công nhận phụ nữ Ba Lan đã đứng tuổi vẫn khá đẹp đồng đều. Vào nhà hát, cởi bỏ áo khoác mùa đông, các cô, các bà nom rất thon thả, dáng điệu khoan thai, trang phục giản dị, không lộ trang điểm son phấn hay mùi nước hoa, mà lịch sự…
Chỉ tiếc, ngó qua, ngó lại, cả lúc giải lao đi loanh quanh khắp hành lang, mà chẳng gặp bà con người Việt nào cả! Muốn hội nhập sâu vào nước sở tại, bà con mình ngoài việc làm ăn buôn bán, cũng cần dành thời gian đi xem các bảo tàng, nghe hòa nhạc Chopin, xem ballet… chứ nhỉ.
Lại muốn kiến nghị với Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch nên mời Đoàn Ballet như thế này sang biểu diễn cho dân ta, nhất là học sinh, sinh viên xem, thay vì quanh năm chỉ xem phim TQ.
16/02/2018 – Mạc Văn Trang