Đêm xem live show múa “Chuyện kể những chiếc giày” về, vừa chạy xe, vừa múa. Múa bằng những bộ phận nào có thể không dùng để chạy xe, và bằng trí nhớ trong đầu, cảm xúc trong tim tua đi tua lại những hình ảnh đã được xem trên sân khấu.
Lần thứ ba vở múa được công diễn (theo thông tin báo chí là thế), và khán phòng vẫn đông kín. Đọc trên Facebook của bạn bè, biết có nhiều người đã xem trong hai lần trước còn đi xem lại. Những chuỗi pháo tay xuyên suốt vở múa, những tràng pháo tay đến mỏi cả tay khi chương trình khép lại. Những dòng khen ngợi trên Facebook người này người kia sau buổi diễn. Sự nán lại khá lâu của khán giả khá lâu trong khán phòng. Điều ấy cho mình tin rằng sẽ còn lần thứ tư, thứ năm vở múa này ra mắt khán giả, hy vọng không chỉ ở Tp.HCM, mà còn nhiều nơi khác nữa. Bởi dù đã lần thứ ba, nhưng khán phòng của Nhà hát Tp.HCM sức chứa cũng có hạn, chắc chắn còn nhiều người chưa có cơ hội được xem.
Trước đêm biểu diễn một ngày, mình đến mua vé thì vé đã gần hết, dù giá vé, như trong bảng thăm dò, đã không ngần ngại có câu hỏi, liệu giá vé có đắt so với chỗ ngồi của bạn (mình đã thẳng thắn thật thà chọn dấu đắt), và cho dù báo chí chỉ trước vài tiếng đồng hồ diễn ra đêm diễn mới rầm rộ đưa tin (lúc này chạy ra tìm vé, e là quá muộn).
200k-400k không đến mức quá đắt cho một vở diễn như thế, nhưng so với thu nhập hiện nay của dân chúng quả là có điều cân nhắc. Không thể nói, múa chỉ phục vụ cho một nhóm khán giả nào đó, (để rồi được hiểu đó là những người giàu?!). Và trong khán phòng hôm qua, mình biết có nhiều người đi bằng giấy mời. Nếu không có giấy mời, liệu họ có bỏ tiền mua vé xem. Và mình, nếu không tin vào những gì bạn bè đã nói về vở múa, liệu có mua vé đi xem. Cái phút đắn đo chi ra 400k/ vé không phải không có khi người bán vé bảo giá rẻ hơn đã hết. Cô bạn đồng nghiệp đã bảo mình sang khi nghe mình bỏ tiền mua vé. Dù rằng xem xong, không biết mình có quá khích lắm không, giá vé có cao hơn, mình cũng không thấy tiếc.
Và trên sàn múa kia, những diễn viên để đến với bộ môn nghệ thuật mình yêu thích, phải chạy show múa đám cưới, dạy thêm, múa phụ họa cho ca sĩ… Thì ở hàng ghế khán giả, 200k hay 400k cũng phải đắn đo không phải là điều khó lý giải. Ai rồi cũng phải cơm áo gạo tiền lo ăn no trước khi ăn ngon, mặc ấm trước khi mặc đẹp.
Từ vở múa này nhớ chương trình Vũ của Linh Nga, cũng rất hay, rất xuất sắc, ai xem cũng khen nức nở nhưng số đêm trình diễn cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nguyên nhân ai cũng biết từ chuyện đầu tiên, tiền đâu, đầu tư từ đâu. Còn nữa, nhiều chương trình, nhiều tiết mục của các loại hình nghệ thuật khác hay không kém nhưng mức độ phổ biến cũng chỉ dừng lại cho một nhóm khán giả nào đó.
Và chừng nào những tiết mục nghệ thuật hay tương tự như thế này chưa được phổ biến rộng rãi thì chừng đó, những hội thảo, tọa đàm về nghệ thuật rằng công chúng có quay lưng lại với nghệ thuật nước nhà, làm sao để xem phim Việt, âm nhạc dân tộc đi đâu về đâu, đâu là bản sắc của múa Việt… vẫn chỉ lý thuyết xanh tươi, hình thức không đến mức lấy có thì cũng chỉ dừng lại trong phòng họp, hội trường, giải pháp nào cũng loay hoay trên giấy. (Mà ai cũng biết, không có tiền làm sao tổ chức hội thảo, tọa đàm).
Mơ màng nghĩ đến nhà nước tài trợ cho vở diễn đến được nhiều vùng đất nước. Mơ màng nghĩ đến những doanh nghiệp mua vé cho nhân viên mình đi xem. Mơ màng nghĩ đến những nhà tài trợ không quá tham lam cứ phải xuất hiện logo to chình ình trên sân khấu…
Và hình như chỉ có những mạnh thường quân như thế, may ra các tiết mục, chương trình nghệ thuật hay mới đến được với đông đảo công chúng. Điều này cũng đồng nghĩa cho việc nâng cao trình độ thưởng thức, để từ đó khỏi băn khoăn sao nhạc trẻ giờ kỳ dị thế, sao có những ấn phẩm tệ hại thế tồn tại trên đời.vv. và v.v khi công chúng đã tự mình biết chọn lọc cái hay, cái đẹp.
Bạn bè trên Facebook đang râm ran hỏi nhau khi nào có DVD của vở múa “Chuyện kể của những chiếc giày”? Ừ, cũng không biết, những người xây dựng ra tác phẩm này có nghĩ chuyện phổ biến tác phẩm của mình nhiều hơn, bằng cách nhượng quyền cho một đơn vị băng đĩa nào đó ghi hình và phát hành, hay trong mắt các nhà kinh doanh, đây là một mặt hàng khó có lợi nhuận…
Khi đang viết những dòng này, cũng là lúc nghe những tràng pháo tay không dứt trong đĩa nhạc của Pavarotti khi huyền thoại opera này vừa kết thúc một bài hát (nghe lại từ một đĩa DVD). Đêm qua, trong một chừng mực nào đó, những tràng pháo tay cũng vang lên như thế.
Và cũng khi viết những dòng này, không khỏi không nhớ đến Bạch Linh, đến Nhà Bên Suối… những người đã cho tôi khái niệm đầu tiên về múa, mơ màng nghĩ đến Linh Nga, đến Thùy Chi, những người đẹp múa làm tôi đảo điên hồn phách.
Tiếc cho mình nhảy xấu, múa tệ. May mà có được chút chút tài mọn trong chuyện khua môi, múa mép, mua vui cho thiên hạ
Càm Ràm