Home / Tin Tức / Nghệ sĩ lên tiếng về “đại dịch” múa phụ họa

Nghệ sĩ lên tiếng về “đại dịch” múa phụ họa

Múa phụ họa đã trở thành thứ “gia vị” không thể thiếu trong các chương trình nghệ thuật. Tuy nhiên, các nghệ sĩ đầu ngành múa đã phải lắc đầu ngao ngán trước những màn múa phô trương mà vô bổ, thậm chí phản cảm…

Sự xuất hiện của các vũ công trên sân khấu ca nhạc đã trở nên quen thuộc. (Ảnh minh họa)

Ngày 1/8 tại Hà Nội, các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực múa đã có buổi tọa đàm để “mổ xẻ” về múa phụ họa trên các sân khấu ca nhạc nói riêng và biểu diễn nghệ thuật nói chung.

1. Những năm gần đây, sự “lấn sân” của múa minh họa, phụ họa đã khiến vai trò của hình thức này không còn nằm ở yếu tố phụ như thêm “mì chính” vào các bữa tiệc ca nhạc. Từ sân khấu nhỏ đến sân khấu lớn, hầu như không thể thiếu múa phụ họa. Những ca sĩ trẻ hiện nay, không chỉ ăn mặc khêu gợi, hở hang mà đôi khi lên sân khấu còn chăm chăm vào nhảy, múa cùng vũ đoàn mà quên cả hát. Như “cá sấu chúa” Quỳnh Nga trong một lần diễn, cô hát đến nỗi rơi cả micro mà cũng không biết vì đang mải… nhảy. Nhưng cũng vì thế mà khán giả mới biết cô đang “hát nhép”.

Nhận xét về những màn múa phụ họa trên sân khấu hiện nay, NSND Ứng Duy Thịnh cho rằng, không ít múa minh họa đã làm giảm giá trị của tiết mục. Ông kể, có lần ca sĩ Hồng Nhung hát ca khúc Một mình, nhưng có tới 30 diễn viên múa “phi thân” ra sân khấu! Trong khi đó, nhà nghiên cứu – phê bình múa Thái Phiên cho biết, có bài múa Trống cơm, biên đạo còn cẩu thả đến mức cho mấy cô gái múa… trống bồng. Thực tế, nhiều đoàn nghệ thuật, do không đủ diễn viên múa, người ta còn huy động cả nhân viên hành chính, hậu đài làm nền cho đầy đặn sân khấu…

NSND Chu Thúy Quỳnh thậm chí còn chỉ ra khá nhiều chương trình nghệ thuật phục vụ các dịp lễ mà múa phụ họa cũng rất phản cảm. “Ví dụ khi phía trên cao sân khấu treo ảnh lãnh tụ, hình các di tích lịch sử, cờ Tổ quốc, dàn múa vẫn đưa ra các động tác đá chân, dạng chân, bê, xoạc ngang tầm những hình ảnh thiêng liêng trang trọng ấy, vô cùng phản cảm” – NSND Chu Thúy Quỳnh nói thêm.

Chia sẻ về sự “lạc đề” của múa phụ họa, tác giả Khắc Tuế cho rằng, có trường hợp một tốp ca đứng hát rất mềm mại bay bổng, bỗng một đoàn người đông nghịt nhảy ra loăng quăng vô lối !? Hát nói Đông thì múa lại diễn Tây. Thậm chí múa quá đông làm cho hát phải né tránh, sợ những bàn chân hộ pháp “dẫm đạp” phải thì thật là tai bay vạ gió…

2. Lý giải về nguyên do của những “thảm họa” nói trên, Ths Phạm Hùng Thoan, cho rằng, đó có thể là do quan niệm của người làm múa về “vai trò phụ” của họ. Chính vì thế, có biên đạo đã “bật mí” rằng chỉ mất vài ba buổi tập là có thể giải quyết phần múa phụ họa cho tất cả các ca khúc của một chương trình. Như vậy, chính sự dễ dãi của những người làm nghề đã tạo nên một “tiền đề” để tạo nên những sản phẩm nghệ thuật “ôi thiu” vì “ẩu” từ trong tư tưởng chứ đừng nói đến sự sáng tạo. Điều đó gián tiếp định hướng cho khán giả gu thẩm mỹ thưởng thức nghệ thuật “có vấn đề” hoặc “lờ” đi sự quay lưng lại của khán giả đế tiếp tục dàn dựng những tiết mục múa phụ họa, minh họa… thảm họa.

Còn như NSƯT Hoàng Hà phân tích, múa phụ họa không phải là một hình thức nghệ thuật của múa, nó là hiện tượng xuất hiện theo nhu cầu của sân khấu biểu diễn ca nhạc, vận dụng động tác múa hoặc nhảy làm tăng thêm sự hấp dẫn cho tác phẩm khi cùng đồng diễn với ca sĩ trên sân khấu. Múa phụ họa là múa họa theo tác phẩm, tạo sự sinh động cho tác phẩm. Như vậy, dù phụ họa nhưng vẫn đòi hỏi sự sáng tạo.

Chính vì những lẽ đó, phát biểu tại tọa đàm, NSƯT Nguyễn Mạnh Hà thẳng thắn, hãy giảm bớt những màn múa phụ họa, ít tính nghệ thuật mà nhiều vẻ xô bồ để giảm bớt những sự phô trương, tốn kém và hết sức vô bổ.

Theo Lam Ngọc

Thể Thao & Văn Hóa

Check Also

Thử thách cùng bước nhảy Tập 11: Chung kết 3 ngày 3/11

Xem lại Top 16 của “Thử thách cùng bước nhảy – So you think you …