Home / Tư Liệu / Lê Việt: Từ múa dân tộc đến dự án bỏ ngỏ

Lê Việt: Từ múa dân tộc đến dự án bỏ ngỏ

Nhiều người quan niệm sai lầm rằng: Cứ đội hình xinh xinh, quần áo lấp lánh, quơ tay đều là ra múa dân tộc. Qua cuộc gặp gỡ với biên đạo múa Lê Việt (tên thật là Lê Ngô Bảo Việt, giám đốc nghệ thuật vũ đoàn Phương Việt), chúng tôi được nghe nhiều hơn những điều hay về múa…

Tác phẩm múa Lời then mẹ kể đoạt giải A Liên hoan múa TP.HCM lần 4-2013

Mỗi tác phẩm một công trình

Lê Việt đã có 10 năm gắn bó với nghề múa dân tộc. Trong Liên hoan múa TP.HCM lần 4-2013 diễn ra trong tháng 8 này, vũ đoàn Phương Việt của anh góp mặt với 7 tác phẩm. Trong đó tác phẩm Lời then mẹ kể được giải A, Chè dây được giải B. Cũng trong khuôn khổ liên hoan này, anh đã nhận được HCB Tài năng biên đạo trẻ toàn quốc 2013. Những thành quả đó là hoàn toàn đáng tự hào với một đơn vị xã hội hóa tự bươn chải như vũ đoàn của Lê Việt. Tuy nhiên, nỗi buồn nghề nghiệp không hề nhỏ vẫn hiện hữu trong anh: nhiều người còn chưa yêu nổi múa. 5 ngày diễn ra liên hoan, hàng ghế khán giả rất vắng người, kể cả đêm tổng kết phát giải.Theo chia sẻ của Lê Việt, riêng với đơn vị của anh, mỗi tác phẩm được đầu tư hơn 16 triệu đồng về kinh phí. Thời gian, ý tưởng, công sức thì càng không thể đong đếm được. Có lúc anh và cả vũ công của mình bị kiệt sức, phải nghỉ tập 3 ngày để tạm hồi phục.

Phận múa bạc đã đành, tác phẩm cũng ít ai cảm hết giá trị của nó, nhất là với tác phẩm múa dân tộc. Dẫn đến tâm huyết của người nghệ sĩ cũng thành bọt bèo. Ví dụ với tác phẩm Chè dây. Lê Việt biết người Mông Đen là một bộ phận trong cộng đồng dân tộc H’Mông. Trang phục người Mông Đen có sự khác biệt rõ rệt với người Mông Hoa: họ mặc quần ngắn, thay vì mặc váy xòe. Những chiếc áo khoác của họ cũng được nhuộm rất công phu: vải được nhúng vào chất nhuộm rồi phơi lên đá, dùng gậy đập, công đoạn này phải kéo dài suốt một tháng mới có được tấm vải ưng ý may áo. Lê Việt đã nghiên cứu, sưu tầm trang phục (từ áo quần, đến các phụ kiên chi tiết như lược, cài, khoen…) và ấp ủ một tác phẩm đậm đà tính dân tộc từ rất lâu. Mãi gần đây, vị biên đạo trẻ còn biết đến chè dây – một loại thảo dược mọc trên núi cao. Thông tin này là que diêm làm bùng nổ tác phẩm Chè dây với hình ảnh rất đẹp của các thôn nữ người Mông Đen vui ca hái chè.

Tác phẩm Chè dây, giải B Liên hoan múa TP.HCM lần 4-2013

Hay với tác phẩm Lời then mẹ kể, đó là tác phẩm được nghiên cứu và biên đạo rất tinh tế từ câu chuyện dân gian của dân tộc Tày. Chuyện rằng: các cô con gái của mẹ trời xuống nhân gian dạo chơi, sau đó dừng chân tắm bên một dòng suối. Có chàng trai nọ vô tình thấy các bộ cánh tiên trên thềm đá, vì quá yêu thích nên bạo gan lấy đi một bộ. Chủ nhân của đôi cánh ấy không thể bay về trời cùng các chị em nên lang thang khắp nơi. Cô vô tình lọt vào xin tá túc tại ngôi nhà của chính chàng trai ấy. Dần dần họ nảy sinh tình cảm và lấy nhau làm vợ chồng. Mỗi ngày họ thay phiên nhau đi làm và trông con. Người chồng hay dùng đôi cánh tiên chọc làm đồ chơi cho con. Ngày nọ, người vợ ở nhà cùng con nhưng đứa bé khóc mãi và cứ trỏ tay góc phòng đòi đồ chơi. Người vợ tìm thấy đôi cánh, dù quyến luyến chồng con nhưng vì quá nhớ cõi trời, đã mang cánh vào bay đi. Mẹ tiên ấy có dặn con trai rằng: “Nếu nhớ mẹ, hãy đánh lên một tiếng đàn, mẹ sẽ thả thang trời (cầu vồng) xuống thăm con”. Biên đạo Lê Việt dàn dựng lại câu chuyện đó với 8 vũ công nam và 1 vũ công nữ cùng đạo cụ là những cây đàn Tính đậm chất truyền thống. Công phu, tâm huyết là thế, chỉ mong tất cả đừng thờ ơ với múa dân tộc.

Nhiều thử thách trên con thuyền xã hội hóa

Năm 18 tuổi, anh cùng người bạn tên Phương lập nên vũ đoàn Phương Việt. Lúc bấy giờ – năm 2003, anh là người trẻ tuổi nhất tại TP.HCM làm chủ một vũ đoàn. Anh cũng vừa hoạt động vừa học “bổ túc” thêm vốn nghề thông qua các lớp bổ túc, nâng cao trong trường múa. Năm 2005, vũ đoàn của anh được Tổng công ty du lịch Sài Gòn mời làm đại diện Việt Nam sang Hồng Kông múa giao lưu với 22 quốc gia khác trong Lễ khánh thành cây cầu nối Hồng Kông và Ma Cau. Đây là một khích lệ lớn đối với một đơn vị tư nhân như vũ đoàn Phương Việt.

Biên đạo múa Lê Việt

Cho đến nay vũ đoàn Phương Việt đã tròn 10 năm tuổi, 10 năm cũng là chừng ấy thời gian cho niềm đam mê và thử thách bởi là đơn vị tư nhân tự thân vận động. Hiện nay vũ đoàn đã mở rộng thành Công ty biểu diễn nghệ thuật Phương Việt, kiêm thêm tổ chức sự kiện, in ấn. Anh dùng thu nhập từ các lĩnh vực ấy để chăm lo cho nghệ thuật múa. Tháng 7 âm lịch hằng năm – thời gian ít có đám tiệc, sự kiện – anh thường mời các chuyên gia trong lĩnh vực múa về bổ túc chuyên môn cho các vũ công.

Cái tên Lê Việt và vũ đoàn Phương Việt hiện là lựa chọn hàng đầu cho các chương trình truyền hình trực tiếp mang tính quốc gia như: chương trình “Kỉ niệm 100 năm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước”, Festival Trà Thái Nguyên lần I, “Biển đảo yêu thương”, “Chào xuân”… và gần đây nhất là cầu truyền hình “Hát về Trường Sa – Đảo Song Tử Tây thân yêu”.

Tâm huyết còn để ngỏ

Từ cái “đau” của việc khán giả hờ hững với nghệ thuật múa, anh nhận ra một bộ phận giới trẻ chưa hiểu, chưa biết hết về những giá trị truyền thống của dân tộc. Anh ấp ủ một dự án lớn: Sưu tầm tất cả trang phục của các dân tộc thiểu số, đem vào trình diễn tại các trường THPT như một bài giảng trực quan sinh động cho các em học sinh. Dự án này của anh hiện được rất nhiều nghệ sĩ ủng hộ. Tuy nhiên, cái khó của kẻ tự lực bao giờ cũng là tài chính.

Công sức bỏ ra, anh không hề ngại! Như trường hợp anh được một người bạn giới thiệu đến bản làng của người Pa – Dí ở Lào Cai. Cả làng 300 người chỉ còn 6 bộ đồ truyền thống đúng nghĩa. Anh phải nhờ chính quyền địa phương năn nỉ giúp họ mới đồng ý bán cho anh một bộ với giá tám triệu đồng, sau đã cắt giữ lại một chiếc cúc bạc ở giữa cổ áo. Theo phong tục, đó là chiếc cúc phu thê, chỉ khi xuất giá người con gái mới được cài lên áo.

NSUT Quế Trân trong trang phục người Pa – Dí

Anh cũng sưu tập được một số bộ trang phục gốc của các dân tộc khác như Tày, H’Mông, Lô Lô… Mỗi bộ đều có giá trên 7 triệu đồng. Anh cần phải đầu tư nhiều hơn nữa để hoàn thiện bộ sưu tập này.

MC Quỳnh Hoa trong trang phục dân tộc Lự

Á hậu Phụ nữ VN qua ảnh Hoàng Oanh trong trang phục dân tộc Thái đen

Ca sĩ Minh Thư trong trang phục dân tộc H’Mông đen Sapa

Biên đạo Lê Việt rất sẵn lòng hợp tác với đơn vị, cá nhân có cùng tâm huyết để thực hiện dự án nói trên. Nếu có hảo ý, quý vị có thể liên lạc với anh qua địa chỉ Email: leviet1707@yahoo.com

TRƯƠNG TUẤN

(Nguồn: http://saigongiaitri.net)

Check Also

Một số đặc điểm của múa dân gian

Việt Nam có 54 dân tộc. Mỗi dân tộc đều có những điệu múa dân …