Đà Nẵng, nơi được mệnh danh là thành phố “đáng sống” hay còn gọi là thành phố của những cây cầu. Nơi đây có tổng cộng 6 cây cầu bắc qua sông Hàn, mỗi chiếc cầu đều mang một nét đặc trưng riêng thu hút không ít du khách đến tham quan và chiêm ngưỡng. Trong số đó nổi bật nhất là cầu Rồng, một trong những cây cầu làm nên niềm tự hào cho người dân Đà Nẵng bởi thiết kế vô cùng ấn tượng độc đáo, khiến du khách không khỏi kinh ngạc về cây cầu bậc nhất Đà Nẵng này. Hãy cùng bài viết tìm hiểu thêm về cây cầu nổi tiếng này bạn nhé!
Mục Lục
Cầu Rồng có từ bao giờ?
Được khởi công xây dựng vào 19/07/2009, cầu Rồng sau 4 năm thi công thì được khánh thành đưa vào hoạt động chính thức vào ngày 29/03/2013. Cầu có độ dài 666m, rộng 37.5m với 6 làn xe chạy và hành lang đi bộ hai bên. Đây là cây cầu thứ 6 và mới nhất bắc qua sông Hàn. Bởi hình dáng được thiết kế như hình con rồng dài uốn lượn mềm mại nên được gọi là cầu Rồng. Từ đó cầu Rồng đã tạo nên biểu tượng mới, điểm du lịch mới và cũng là niềm tự hào cho mỗi người dân Đà Nẵng.
Cầu Rồng ở đâu?
Địa chỉ: Đường Nguyễn Văn Linh, phường Phước Ninh, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng.
Cầu Rồng Đà Nẵng bắc qua sông Hàn tại bùng binh Lê Đình Dương/Bạch Đằng, nối liền đường Nguyễn Văn Linh và Võ Văn Kiệt, tạo con đường ngắn nhất từ sân bay quốc tế Đà Nẵng đến các trục đường chính trong thành phố. Ngoài ra du khách có thể đến bãi biển Mỹ Khê và bãi biển Non Nước nhờ có tuyến đường chính ở rìa phía đông của thành phố nối từ cầu Rồng.
Cầu rồng có gì đặc biệt?
Chắc hẳn cầu Rồng đã từng được nhiều du khách nghe và biết đến. Nhưng bạn biết gì về cây cầu độc đáo này. Những gì được bật mí sau đây chắc hẳn sẽ khiến bạn trầm trồ đấy nhé.
Kết cấu cầu Rồng
Đã bao giờ bạn tự hỏi liệu cầu Rồng được làm từ chất liệu gì chưa? Ngoài kết cấu bằng sắt thép, bê tông thông thường, cầu Rồng được cho là có thiết kế độc đáo chưa từng có trên thế giới về kết cấu chịu lực. Đó là sự kết hợp giữa dầm thép, vòm thép và dầm bê tông tạo nên một chiếc cầu vững chắc với độ bền cao.
Tại sao lại lấy thiết kế hình con rồng mà không phải là hình tượng nào khác?
Theo văn hóa từ lâu đời của người Việt cũng như Đông Nam Á, rồng là biểu tượng cho sự thịnh vượng, quyền uy, trí tuệ và sức mạnh. Thân rồng uốn lượn uyển chuyển, mềm mại, đầu trong thế ngẩng cao thể hiện khí thế hừng hực, khát vọng vươn cao, vươn xa hơn nữa. Biểu tượng hình con rồng đã đi sâu vào các kiến trúc, điêu khắc từ thời xa xưa đến nay, trở thành một biểu tượng mang ý nghĩa to lớn trong văn hóa Việt. Đây là phương án thiết kế từ liên danh The Louis Berger và Ammann & Whitney đến từ Mỹ với ý nghĩa mong muốn thể hiện khát vọng vươn mình ra thế giới, ngày càng phát triển lớn mạnh của thành phố Đà Nẵng. Phải nói rằng đây không những là kiến trúc độc đáo, mới lạ mà còn mang tầm ý nghĩa vô cùng to lớn.
Về kết cấu hình rồng được tạo nên hoàn toàn từ những vòm từ sắt thép, được sơn phủ đến 5 lớp sơn với màu vàng nổi bật khiến du khách có thể dễ dàng bắt gặp được dù ở khoảng cách rất xa.
Vẻ đẹp cầu rồng khi đêm về
Khi màn đêm buông xuống cũng là lúc cầu Rồng trút bỏ áo đơn điệu khoác lên mình bằng chiếc áo rực rỡ đầy màu sắc. Sẽ thật tuyệt nếu bạn được đi dạo, ngắm nhìn cầu Rồng vào ban đêm. Dù ở góc độ nào cũng cũng nhìn thấy được vẻ đẹp hiện đại, rực rỡ của cây cầu. Bởi vì cầu Rồng được trang bị thắp sáng bởi 15.000 bóng đèn LED tạo nên một chiếc cầu rực rỡ, sống động hút hồn mọi du khách.
Các bóng đèn này hoạt động thông qua bảng điều khiển tự động để phát ra ánh sáng phù hợp với các chủ đề văn hóa, chính trị diễn ra ở Đà Nẵng.
Chiêm ngưỡng cầu Rồng phun lửa, phun nước
Thời gian diễn ra là vào 21h đến 21h15 vào thứ 7 và chủ nhật hàng tuần và các ngày lễ lớn.
c
Sự công phu của cầu Rồng chưa dừng lại hẳn ở đó, chiếc cầu này còn đặc biệt bởi có hệ thống phun nước, phun lửa theo nhạc kịch và ánh sáng. Nếu bạn đến Đà Nẵng vào những ngày cuối tuần hoặc dịp lễ thì sẽ được mãn nhãn với màn phun nước, phun lửa vô cùng ngoạn mục, đẹp mắt của cầu Rồng.
Cầu phun lửa trong vòng 2 phút theo 2 lượt, mỗi lượt 9 lần và nước được phun trong 3 phút theo 3 lượt, mỗi lần phun đều kết hợp với âm thanh, ánh sáng tạo nên một cảnh tượng hấp dẫn khiến ai cũng phải trầm trồ.
Chọn địa điểm ngắm cầu Rồng phun lửa, phun nước
Để được ngắm trọn vẹn cảnh cầu Rồng phun lửa, phun nước thì nhất định bạn phải tìm cho mình một vị trí hợp lý để bắt trọn khoảnh khắc đúng không ạ! Chúng tôi xin gợi ý cho bạn một số địa điểm được xem là vị trí thuận lợi để ngắm toàn cảnh cầu Rồng phun nước, phun lửa như đứng trên cầu Rồng, đường Bạch Đằng, đường Trần Hưng Đạo là bạn có thể dễ dàng chiêm ngưỡng được những màn phun lửa, phun nước mà k hề lo lắng bị ướt người nhé.
Bên cạnh đó, bạn có thể lựa chọn cho mình một số nhà hàng hoặc khách sạn gần ngay cầu Rồng. Với view nhìn từ trên cao, bạn có thể bao quát hết quá trình cầu Rồng phun lửa, phun nước. Không chỉ vậy, thật thú vị để chiêm ngưỡng thành phố Đà Nẵng nhuốm mình trong ánh đèn lung linh phải không ạ.
Ngoài ra khi đến với Đà Nẵng đừng quên ghé thăm những cây cầu đã làm vang danh Đà Nẵng, phải kể đến như cầu Sông Hàn, cầu Thuận Phước, cầu Nguyễn Văn Trỗi, cầu Trần Thị Lý,… mỗi chiếc cầu đều mang một kiến trúc và nét đẹp riêng làm nên một Đà Nẵng sinh động, và là niềm tự hào của người dân nơi đây. Nếu có dịp đến Đà Nẵng vào hè này thì đừng quên ghé thăm cây cầu huyền thoại này đặc biệt là vào cuối tuần bạn nhé. Chắc hẳn cầu Rồng sẽ khiến bạn vô cùng ngỡ ngàng và bất ngờ bởi vẻ đẹp lung linh về đêm. Hy vọng bài viết giúp bạn phần nào hiểu rõ hơn về cầu Rồng – chiếc cầu với nét kiến trúc phá cách, độc đáo và cũng là niềm tự hào của người Đà Nẵng nói riêng cũng như toàn thể người Việt Nam nói chung. Và đừng quên lưu giữ một vài khoảnh khắc đẹp đáng nhớ về chiếc cầu Rồng và chia sẻ nó cho bạn bè người thân của mình biết khi đến “thành phố đáng sống” này nhé!