Home / Nghệ Sĩ / Bùi Ngọc Quân: Tôi chỉ cần được múa

Bùi Ngọc Quân: Tôi chỉ cần được múa

Bùi Ngọc Quân là cháu ngoại của ông Nguyễn Kỳ Thanh, Trưởng phòng Giáo vụ đầu tiên của Trường Múa Việt Nam khi trường mới được thành lập vào năm 1959. Nhà Quân có 2 anh em trai thì cả hai đều là diễn viên múa. Năm 1997, sau một thời gian công tác ở NH Nhạc Vũ kịch VN, Quân sang Pháp học múa đương đại ở Trường Múa Coline. Từ lúc tốt nghiệp, anh đi múa ở khắp châu Âu và bây giờ là diễn viên của Les Ballets C de la B, công ty múa hàng đầu Bỉ và châu Âu.Cuộc trò chuyện của chúng tôi diễn ra sau khi Quân hoàn thành vở múa Từ trường trong chương trình Giai điệu mùa Thu của Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ kịch TP.HCM cùng Quách Phương Hoàng, bạn đồng môn của Quân từ thời học Trường Múa VN đến thời học Trường Coline và 2 đồng nghiệp đến từ Bỉ, Ý. Quân còn một ngày nghỉ để sáng hôm sau bay đi Australia rồi Chile, Brazil, rồi lại châu Âu biểu diễn trong 3 tuần trước khi thực sự có một kỳ nghỉ tại Việt Nam. Anh đến gặp tôi với bề ngoài khá “đương đại”: áo pull, quần tây một ống thấp, một ống xắn cao gần đầu gối, giày bata, một tay cầm điện thoại, tay kia kẹp iPad.* Là người da vàng, lại đến từ một “vùng trũng” của múa, anh đã “chen chân” vào làng múa châu Âu như thế nào?

Nghệ thuật đương đại có tính mở và luôn cần cái mới. Với múa đương đại, cơ hội cho tất cả mọi người là như nhau so với người châu Âu. Công ty của Bỉ nhưng tôi làm ở đó 10 năm mà thường không thấy người Bỉ làm việc ở đây. Phương châm tuyển dụng của họ là lấy người hay ở khắp nơi. Người châu Á có tố chất tốt, kỹ thuật cao, cơ thể nhỏ, nhẹ nên chính xác, hơn nữa họ mang đến những màu sắc khác, rất độc đáo, khán giả châu Âu thích.

* Vậy đời sống của một diễn viên múa ở châu Âu nói chung và diễn viên châu Á nói riêng như thế nào, thưa anh?

– Cuộc sống của diễn viên múa nói chung là khổ, là nghèo. Ở châu Âu chỉ có vài trăm diễn viên múa có thể sống hoàn toàn bằng nghề, không phải làm thêm việc khác. Ở công ty tôi đang làm việc, mọi người đều có chung một mức lương là 2.000 euro/tháng, giống như các công ty lớn nhỏ khác, nếu đi diễn thì có thêm 500 euro/ngày. Cá nhân tôi ngoài đi diễn còn dựng vở cho các đoàn và huấn luyện diễn viên chuyên nghiệp, giảng dạy tại các trường múa nên cuộc sống cũng ổn. Cũng may vì từ khi ra trường đến giờ, tôi chưa phải làm việc gì khác ngoài múa trong khi ở châu Âu, diễn viên múa phải làm thêm ở nhà hàng là chuyện rất bình thường.

* Cơ duyên nào đưa anh đến với Les Ballets C de la B, công ty múa danh tiếng bậc nhất ở châu Âu mà bất kể diễn viên nào cũng mơ ước có vị trí ở đó?

– Tôi vào C de la B là do… vô tình. Trước đó, tôi làm ở những công ty nhỏ. Năm 2002, hết việc, tôi lại thi tuyển như bình thường và trúng vào C de la B. Các bạn tôi thắc mắc sao trúng vào C de la B mà lại bình tĩnh thế, thực ra là tôi không hề biết gì về danh tiếng của công ty này cả. Làm việc rồi tôi mới hiểu được tầm của nó.

* 3 tuần tới anh sẽ biểu diễn ở 3 nước cách nhau khá xa, đó có phải là một lát cắt nhỏ cuộc sống của anh?

– Đúng đấy. 1 năm tôi đi khỏi nhà 10 tháng, trung bình mỗi tháng tôi tới 4 – 6 nước, chuyển từ góc này sang góc kia của trái đất, có khi trong một tuần tôi phải diễn từ Nhật sang Ba Lan.

Nói chung là cô đơn

* Cuộc sống như thế thú vị đấy chứ?

– Thú vị nhưng vất vả, phải di chuyển nhiều quá, thời gian tôi được ở nhà của mình ít lắm. Tuy tôi có bạn bè ở khắp thế giới nhưng cuộc sống không có sự gắn kết như ở VN, mà cũng chỉ là những quan hệ về mặt tinh thần. Cuộc sống ở đó là cá nhân chủ nghĩa nên bạn bè cũng chỉ là thăm hỏi xã giao, chứ những lúc bị chấn thương thì phải tự chăm sóc và vẫn phải đi diễn. Nói chung là cô đơn.

* Vậy điều thú vị anh tìm thấy ở công việc luôn phải di chuyển này là gì?

– Có một số nơi làm thay đổi cái nhìn của tôi. Tôi từng đi làm miễn phí ở Congo, Palestine, những đất nước không có tiền cho múa đương đại nhưng cái nhìn của họ về múa rất khác. Palestine văn hóa còn đóng do vấn đề tôn giáo, thậm chí cởi trần múa là có vấn đề, nhưng ở đó tôi đã gặp những người tư duy y như người làm nghề ở châu Âu. Ở Congo, một đất nước vẫn còn nạn đói, diễn viên đi tập trong bụng không có gì. Tôi còn phải bỏ tiền mua đồ ăn cho họ, thực tế là tôi huấn luyện cho họ và đến giờ ăn thì tôi ăn gì, họ ăn nấy nhưng họ không có tiền để trả. Đến Palestine, tối ngủ cứ nghe tiếng súng bắn vèo qua cửa sổ, tôi hiểu sâu sắc thế nào là chiến tranh, là tự do, còn ở Congo, tôi biết thế nào là đói nghèo.

* Sao anh không tìm một người “bạn đồng hành” để đỡ thấy cô đơn?

– Bố mẹ tôi ở VN cũng sốt ruột lắm, cứ giục tôi lấy vợ. Bản thân tôi đôi khi cũng muốn như thế nhưng khó lắm vì mình đi nhiều quá, không có thời gian cho chuyện ấy. Chuyện tình yêu của hầu hết diễn viên múa đều mang tính “thời vụ”. Nói thế nghe buồn cười nhưng là sự thật đấy. Diễn viên múa mỗi năm làm một công ty, mỗi năm sống ở một nước, thường thì đồng nghiệp yêu lẫn nhau nhưng khi hết hạn hợp đồng lại mỗi người một nơi. Đó là bi kịch tình yêu từ hoàn cảnh công việc. Nhưng mình lựa chọn rồi thì phải chấp nhận. Muốn lập gia đình thì phải hy sinh gì đó.

* Có bao giờ anh thấy tiếc vì đã theo nghề này hoặc nghĩ nếu không múa thì cuộc sống của mình sẽ ổn hơn không?

– Sau khi bị bố mẹ đưa vào trường múa từ năm 11 tuổi, học từ 7h sáng đến 5h chiều tới giờ thì tôi không còn thời gian để suy nghĩ đến những chuyện khác nữa. Bây giờ, nếu có nghĩ thì là nghĩ đến chuyện muốn làm tốt công việc của mình chứ cũng không phân tích xem có yêu hay không yêu, xem hiệu quả công việc thì thấy rõ hơn là cứ tự phân tích, đánh giá. Vả lại, tôi ít tự đánh giá mình lắm. Nhưng nói chung là tôi chỉ biết múa, tôi chẳng biết làm gì khác ngoài múa nên rất khó nói về điều bạn hỏi.

Về bây giờ không biết làm gì

* Tại sao đến giờ, sau gần 15 năm sống và múa ở nước ngoài, dù năm nào cũng về nghỉ Hè nhưng lần này anh mới xuất hiện trên sân khấu trong nước?

– Vì chẳng có ai mời. (Cười). Tôi luôn sẵn sàng múa, dựng vở, huấn luyện không công cho các nhà hát trong nước, nhưng vấn đề là tôi thấy hình như người ta không có nhu cầu. Trong 5-6 năm đầu tiên khi mới học xong, tôi rất muốn về VN biểu diễn. Về chơi, tôi vẫn xin được làm, tôi từng xin NH Nhạc Vũ kịch VN, nơi tôi đã làm việc trước khi đi học, dựng một vở cho NH nhưng khi tôi đi rồi, người ta cũng chẳng diễn. Tôi cũng từng dạy miễn phí cho diễn viên của NH 1 tuần. Sau này, NH cũng gợi ý tôi dựng vở nhưng chỉ toàn là gợi ý chứ không có gì cụ thể rõ ràng cả. Tôi sẵn sàng làm nhưng phải có kế hoạch cụ thể tôi mới sắp xếp được. Làm Từ trường cho NH Giao hưởng Nhạc Vũ kịch TP.HCM, dù cát-sê chỉ mang tính tượng trưng (100 USD – PV) nhưng trong 5 tuần liên tiếp, cứ đến cuối tuần là tôi và Samuel đi cả 100km đến gặp nhau để bàn bạc, tập luyện, chuyện đó chẳng thành vấn đề khi NH báo chúng tôi trước 3 tháng.

* Các bạn anh như Nguyễn Phúc Hùng, Quách Phương Hoàng, Ngọc Văn, Ngọc Anh… đã về nước và có những dự án riêng của họ, anh cũng đã đến tuổi được coi là “ngưỡng” của diễn viên múa, anh đã nghĩ đến chuyện trở về chưa?

– Công việc bên kia như chất gây nghiện cho mình, tôi đang ở nơi có thể chia sẻ hết những gì mình muốn làm, không giới hạn. Về bây giờ tôi không biết sẽ làm gì. Thật ra thì về và vào một nhà hát nào đó không khó, nhưng quan trọng là làm gì. Tôi chỉ cần được múa, mà như thế thì ở châu Âu là tốt nhất. 35 tuổi, làm việc ở châu Âu đã 15 năm, nhưng đến lúc này tôi thấy vẫn tốt. Về mà đánh đổi một công việc nào đó chỉ cần được 50 – 60% công việc ở bên kia, tôi sẽ về ngay, nhưng nếu chỉ được 20 – 30% thì tôi không dám đánh đổi.

* Cảm ơn anh đã chia sẻ câu chuyện của mình.

Dương Vân Anh (thực hiện)

Check Also

Nhảy múa cùng Lois Greenfield

Trong các loại hình nghệ thuật của thế giới thì múa là một nghệ thuật …