Home / Tư Liệu / Tips chụp ảnh: một số vấn đề khi chụp sân khấu

Tips chụp ảnh: một số vấn đề khi chụp sân khấu

Những khoảnh khắc chụp được trên sân khấu luôn là điều mong muốn và ưa thích của các tay máy. Bản thân những gì trình diễn trên đó đã rất nghệ thuật, rất đẹp và hay ho rồi nên việc mọi ngươì đổ xô đi chụp sân khấu, trong đó có cả tôi chả có gì khó hiểu.

Diễn viên múa Linh Nga trong DFS-6 “Bí ẩn của những linh hồn”

Nhưng chụp được 1 khoảnh khắc đẹp trên sân khấu cũng khá gian nan vì nó phụ thuộc vào trình độ cảm nhận nghệ thuật và hiểu biết, sở thích của mỗi ngươì chụp với thể loại đang biểu diễn ở trên kia. Bên cạnh đó, chụp sân khấu đòi hỏi kỹ thuật, máy móc phải ngon lành. Thiết bị kém một tí quả thực khó mà chụp sân khấu. Khó chư skhông phải không thể.

Ở đây tôi chỉ chia sẻ 1 ít kỹ năng liên quan nhiêù đến kỹ thuật còn về cảm nhận nghệ thuật hay kiến thức về mỗi loại hình biểu diễn thì chắc không đủ trình độ để khua môi múa mép.

1. Ánh sáng- và thông số kỹ thuật

Tất nhiên là tùy trường hợp cụ thể mà mỗi sân khấu có ánh sáng khác nhau (cái này tùy vào túi tiền của nhà tổ chức) nhưng nhìn chung trên sân khấu ánh sáng yếu, màu vàng, đỏ nhiều. Hồi xưa chụp phim rất khổ, khó mà tìm mua được phim ASA 800 hay 1600, mà lại phải mang filter blue trừ mất 1 1/3 khẩu nên chụp sân khấu toàn hỏng hết, cả cuộn may ra được 1,2 kiểu nhưng ngày nay máy số đã giải quyết nhanh gọn phần này, bạn cứ set ISO cao nhất có thể. Tại sao lại không set thấp nhất có thể, lý do là sau mấy tiếng chụp “mắt mờ tay run” rồi, tốc độ chậm quá dễ rung rinh lắm. Mà các máy bây giờ nhất là Canon khử noise rất tốt (Nikon D300, D3 cũng tốt chán) nên chả sợ bị vỡ hạt đâu.

Trên sân khấu biểu diễn như là múa, kịch, ca hát.. ánh sáng thường được làm để tạo khối, tạo mảng sáng tối nên giữa vùng tối nhất và sáng nhất chênh nhau nhiều, có khi tới cả 2 stop nên các bạn chụp chế độ AV hay TV lưu ý nếu đo sáng matrix thì nên trừ EV kha khá để có phơi sáng đúng. Chụp chế độ P hay full auto là mission impossible đấy nhé.

Tôi thì hồi trước hay chụp AV mode kết hợp với +/- EV nhưng sau thì hay chụp Manual và tôi khuyên các bạn nên chụp manual cho lành. Lý do là ánh sáng sân khấu thay đổi liên tục, chụp các chế độ tự động kia dễ bị hỏng khi ánh sáng phức tạp quá. Chụp M có lợi là khi bạn đã canh được ánh sáng chuẩn rồi, cứ tùy theo tình huống mà điều chỉnh. Như tôi dùng Canon, khi chụp M, vòng bánh xe điều khiển phía trước chỉnh tốc độ, bù trừ sáng thì cứ nhìn ánh sáng trên sân khấu thay đổi mà xoay theo, chả cần nhìn vào LCD nữa- ví như diễn viên đang ở vùng sáng “chuẩn” rồi mà chạy qua chỗ tối hơn, bạn đoán nó tôí hơn 1 stop chẳng hạn thì xoay 3 nấc, rất nhanh và hiệu quả.

Bạn nào chụp AV hay TV lưu ý khi chụp Fashion trên catwalk, quần áo của ngươì mẫu thay đổi cũng làm máy của bạn đo sáng khác đấy. Ví như đang chụp đồ diễn sậm màu, bạn đang trừ 1 stop chẳng hạn, cô ngươì mẫu sau đi ra mặc đồ trắng, cũng ánh sáng ấy bạn phải nhanh chóng tăng lên ít ra 1 khẩu, tức là về +/-EV=0 nếu không muốn ảnh tối om. Và ngược lại.

Khẩu độ mở thì tùy mọi ngươì, nhưng tôi cá là trong hầu hết các trường hợp bạn toàn phải mở khẩu lớn nhất, không phải để xóa phông đâu mà vì ánh sáng yếu. Cá nhân tôi thì hiếm khi mở hết vì sợ “bong” nét. nếu ống kính mở được F/2.8 thì tôi hay để 3.2-3.5, nếu mở được F/1.2 thì tôi để 2.0

2. Cân bằng trắng

Bài WB tôi đã nói rồi, các bạn có thể tìm lại xem cách hiệu chỉnh WB nhé. Vơí sân khấu thì nếu không có điều kiện test ánh sáng trước đó để đặt custom WB thì ta có thể dùng K để chỉnh. Thông thường các sân khấu ở ta làm đèn chất lượng thấp và cũng có thể do thói quen nên đèn vàng hơi nhiều, nhiệt độ trong quãng 2800K-3400K. Nên set và chụp thử rồi chỉnh cho đến khi vừa ý.

3. Điểm focus

One-shot là cách tôi hay dùng vì để các chế độ khác rất hay bị trượt nhất là khi để Ai Servo mà bạn còn di chuyển góc máy để lâý bố cục.

Trong một số trường hợp tối quá, bạn không thể focus được mà vê nét manual cũng khó vì tối, kinh nghiệm của tôi là tìm 1 vật nào đó ở khoảng cách tương đương rồi lấy nét, sau đó chỉnh qua lấy nét manual và chụp. Cũng có thể ước lượng khoảng cách từ chỗ chụp đến vật thể rồi lấy nét manual, trên ống kính của bạn đều chia khoảng cách 1,5m, 3m, 5m, 10m, vô cực…

4. Ống kính

Thường thì chụp sân khấu bạn không được di chuyển và tiếp cận sát sân khấu nên tele hay được dùng. Đương nhiên là ống kính 1 khẩu chụp đẹp hơn ống kính 2 độ mở và ống tele fix chụp đẹp hơn so với tele zoom.

5. Bắt chuyển động

Các bạn có thể xem lại phần perfect action mình đã viết trong tips trước kia. Múa, hát, nhạc, kịch đều có khoảnh khắc tốt nhất cho mình chụp, canh đúng lúc và bóp cò để có được hành động tốt nhất nhé. Lưu ý là khi biểu diễn trên sân khấu, trừ kịch thì các món khác đều có phần nhạc nền, diễn viên, ngươì mẫu múa hay hát hay diễn thơì trang đều hoạt động theo nhịp nhạc. Canh theo nhịp trống mà bấm đảm bảo bạn sẽ thành công. Nếu bạn có thêm kiến thức về múa thì sẽ giúp bạn rất nhiều khi bắt các động tác múa và các vũ đạo khác, ví như động tác đá atatus, ecarte (không biết viết thế đúng không) thì bạn cần chụp khi chân đã ra hết đà.

Chụp thơì trang thì đẹp nhất là ngươì mẫu đi trên runway, chân đá thẳng, tay vung.

Chụp hát thì đẹp nhất lúc ca sỹ lên cao trào, khẩu hình mở tốt

Chụp kịch thì khó hơn vì bạn phải chú ý theo từng tình tiết.

Bắt dính chuyển động thì coi như bạn đã thành công. Vơí tôi đôi khi hay thả 1 ít cảm xúc vào khi chụp nên thi thoảng cũng thử vơí tốc độ chậm, cũng hay hay nhưng cái này phải tùy nội dung, động tác và cảm xúc của nhân vật, của mình mà tỉ lệ thành công cũng ít.

6. Kinh nghiệm về cách chọn vị trí khi chụp sân khấu

– Chụp múa, chụp kịch, thời trang (catwalk): nên chọn vị trí chính giữa hoặc gần chính giữa

– Chụp hát: nên chọn 2 cánh, chếch 45-60 độ vì nêú bạn ở chính giữa micro sẽ che hết miệng ca sỹ, không còn đẹp nữa

7. Tìm tòi những cách thể hiện

Khi đã nắm vững kỹ thuật rồi, thỉnh thoảng cũng nên thử những thể nghiệm cho chính mình khi chụp, có khi sẽ mang lại hiệu quả tốt hơn. Cứ mạnh dạn mà thử. Giống như khi chụp cha con nhà Quyền Văn Minh, Quyền Thiện Đắc, tôi và chính bố con nhà họ rất thích tấm này

Tấm ảnh đủ để diễn tả về mối quan hệ cha-con, đồng nghiệp, sự tiếp nối “tre già măng mọc”.

Hy vọng là những gì viết ở trên giúp ích được phần nào cho các bạn mơí bước vào chụp sân khấu.

Check Also

Một số đặc điểm của múa dân gian

Việt Nam có 54 dân tộc. Mỗi dân tộc đều có những điệu múa dân …