Home / Nghệ Sĩ / Nghệ sĩ múa Thùy Chi: “Muốn được thỏa thích làm nghề”

Nghệ sĩ múa Thùy Chi: “Muốn được thỏa thích làm nghề”

Sau khi tốt nghiệp ngành biên đạo ở nước ngoài, về nước làm cô giáo dạy múa và dựng vở Ta đã ở đó (trình làng vào hai đêm 25 – 26/10 tới), Tạ Thùy Chi nói việc đó không nhằm khẳng định điều gì “phức tạp”, mà chỉ là dịp để nhìn lại nghề nghiệp của mình rồi… bước tiếp.

Cái bước tiếp của Tạ Thùy Chi hiện tại là xen giữa những giờ lên lớp là những giờ xuống sàn tập, giữa những buổi tập cho chương trình chuẩn bị công diễn, là những ngày đi lưu diễn nước ngoài. Sau khi mất mười lăm năm cho hai lần du học ngành diễn viên và biên đạo múa, ở xứ người, Tạ Thùy Chi nói, đến giờ cô mới có được những buổi xem phim, la cà và thỏa sức làm nghề theo cách mà mình muốn.

Mở cánh cửa về thời ta đã ở đó* Giữ cả hai vai trò biên đạo kiêm diễn viên trong chương trình Ta đã ở đó, có thể xem đây là sự trở lại của Tạ Thùy Chi – diễn viên múa, hay là cột mốc khẳng định Tạ Thùy Chi – biên đạo, sau thời gian chị du học?

– Chương trình lần này không mang ý nghĩa cá nhân, mà là cơ hội để tôi cùng biên đạo Ngọc Anh chia sẻ những cảm xúc, kỷ niệm của cả hai với người thân, bạn bè và rộng hơn là với khán giả. Nếu phải nói đến cột mốc nào đó thì có lẽ là xa nhà 15 năm rồi, chúng tôi cần có dịp để nhìn lại, cảm nhận và đi tiếp.

* Chủ động thực hiện một chương trình, phải chăng chị muốn thể hiện năng lực và cá tính của mình?

– Để thể hiện năng lực và cá tính của mình, tôi đã và sẽ là Thùy Chi. Đây là chương trình múa đương đại, mang tâm hồn và hơi thở hướng về quê hương. Những tạo hình độc đáo kết hợp giữa người và vật trong tác phẩm trên sân khấu sẽ mang đến cho người xem cơ hội được cảm nhận ở khoảng cách gần nhất về cơ thể, cộng hưởng về tinh thần khi xem những chuyển động múa mượt mà của những diễn viên chuyên nghiệp. Bằng những trải nghiệm của mình, tôi và Ngọc Anh muốn mở ra những cánh cửa trong tâm trí của khán giả về một thời đã qua, về nhịp sống đã làm cho mọi thứ bị chìm vào lãng quên và cùng nhớ về những khoảnh khắc hay những nơi mà “ta đã ở đó”.

* Chị học múa ở Trung Quốc, Ngọc Anh học múa ở châu Âu, hai người làm thế nào để vừa hòa hợp được hai phong cách, vừa thể hiện được nét riêng của mình?

– Thật ra, chính sự khác nhau về phong cách lại là yếu tố làm cho mọi thứ trở nên thú vị, phong phú hơn. Trên cái nền đa dạng về phong cách đó, cá tính riêng mới có bệ phóng để bật lên. Tôi và Ngọc Anh quyết định làm chương trình cùng nhau trên cái nền của sự đồng nhất trong tư duy, nên cách giải quyết vấn đề dù luôn đa dạng, nhưng mục đích cuối cùng vẫn giống nhau. Có một phát hiện thú vị: tôi là con gái mà lại thực tế hơn anh Ngọc Anh. Anh ấy là người sâu sắc và đa cảm nên hay bay bổng, mơ mộng. Tất nhiên, người kéo anh Ngọc Anh xuống là tôi dù luôn bị anh lườm yêu. (cười)

Luôn trong tâm thế khai hoang* Từng biểu diễn nhiều năm ở cả nước ngoài và trong nước, chị có rút ra được kinh nghiệm nào không?

– Cho đến bây giờ, kinh nghiệm tôi có được là: phải làm mới biết mọi việc như thế nào, nếu không thì kinh nghiệm của mình chỉ dừng ở lý thuyết. Vì thế, trước những điều mới, tôi luôn vào cuộc với tâm thế đi khai hoang cho chính mình. Khó có thể trình bày là tôi đã “rút” ra được điều gì. Kinh nghiệm là điều khó có thể viết ra thành chữ, nói ra bằng lời mà đôi khi chỉ là cách mình nhìn vấn đề, chọn cách xử lý.

* Chị từng tâm sự, mình thích làm diễn viên hơn để hòa mình vào vũ điệu, về sau chị lại khẳng định biên đạo là giấc mơ của đời mình. Giờ “ôm” hai vai, chị có nghiêng về vai nào không và đã tạm hài lòng hay sẽ tiếp tục khám phá?

– Tôi không nghiêng về vai nào cả, vì với vai trò nào tôi cũng đều được làm nghề múa. Thực ra, ngoài công tác biên đạo, công việc diễn viên, tôi còn là cô giáo dạy múa. Tôi đã đủ trưởng thành để hiểu được mình đang và sẽ làm gì tiếp. Những khám phá mới sẽ không ngừng được phát hiện, nhưng quy tắc chung của tôi là luôn hết mình cho mỗi vai trò.

* Nghệ sĩ múa có tên tuổi như chị thường được mời tham gia các chương trình, hoạt động nghệ thuật, còn nhiều nghệ sĩ ít tiếng tăm hơn phải kiếm sống vất vả, trong khi tuổi thọ nghề múa không cao, có lúc nào chị chạnh lòng khi nghĩ về nghề của mình?

– Nói không có lúc chạnh lòng thì có lẽ không phải là cuộc đời nữa rồi. May mắn là tôi luôn được gia đình, bạn bè và các anh chị đồng nghiệp thương yêu, giúp đỡ. Chính những động lực đó khiến mình phải mạnh mẽ hơn để cùng những người yêu nghệ thuật múa đi tiếp trên con đường còn dài.

* Được biết chị còn nhận được nhiều lời mời tham gia đóng phim, dẫn chương trình, chị cũng từng làm người mẫu ảnh thời trang… Với tố chất nghệ thuật sẵn có, biết đâu lại xuất hiện một Tạ Thùy Chi diễn viên, hay MC Thùy Chi, nếu chị gật đầu?

– Trong quá khứ tôi đã không dám gật đầu rồi, tương lai thì không biết thế nào. Có lẽ cứ để thời gian trả lời những câu hỏi dành cho tương lai. Chỉ biết khi nào bản thân thấy thoải mái và tự tin, khi đó chắc chắn tôi sẽ gật đầu.

Màu nghề nghiệp * Làm giảng viên Trường Múa Thành phố, tiếp nối công việc của mẹ chị, đó là sự kế thừa tự nhiên của con nhà nòi hay là sở thích, chủ đích của chị?

– Tôi tin ba yếu tố đó không thể thiếu cái nào. Nếu không có sự kế thừa năng khiếu từ gia đình, làm sao mình có thể bước chân vào con đường nghệ thuật? Nếu không là sở thích hay đam mê thì làm sao còn theo đuổi đến bây giờ? Và nếu như không có chủ đích thì mình làm tất cả những việc trên cho ai và vì ý nghĩa gì?

Tạ Thùy Chi trong ngày tốt nghiệp và cha – NSND Tạ Bôn

* Mẹ chị – Nhà giáo nhân dân Kim Dung, cha là NSND Tạ Bôn, anh trai là nghệ sĩ vĩ cầm Tạ Tôn, chị có một môi trường hoàn hảo để phát triển tài năng và được cả nhà tạo điều kiện để theo nghề. Nhưng kèm theo đó là áp lực và kỳ vọng, khi mới 12 tuổi chị phải sống một mình ở xứ người để học múa, về nước được hai năm rồi lại đi học biên đạo bốn năm mới quay về?

– Tất nhiên mọi việc đều có hai mặt. Tuy gia đình đưa ra định hướng ban đầu cho tôi, nhưng khi mình đã lớn và hiểu được vấn đề thì gia đình luôn trao cho mình quyền chọn lựa. Tôi hiểu được bố mẹ đã hy sinh thế nào khi phải quyết định xa con từ năm con 12 tuổi nên lại càng thấy trân trọng lòng yêu nghề mà bố mẹ và anh trai đã gửi gắm vào mình. Gia đình luôn là chỗ dựa vững chãi, là nguồn năng lượng dồi dào cho không chỉ tôi mà bất cứ người con nào.

* Có hai “phe” rõ ràng trong gia đình chị về mặt công việc, hai nghệ sĩ múa và hai nghệ sĩ đàn, hẳn không khí gia đình nhiều lúc cũng đậm màu nghề nghiệp? Con gái Tạ Thùy Chi có thân thiết và theo”phe” với cha, NSND Tạ Bôn không?

– Màu nghề nghiệp xuất hiện khắp nơi trong nhà tôi, có khi ngay cả trên bàn ăn của gia đình (cười). Tôi không theo phe của riêng bố mà bên nào đúng và có “lợi” thì tôi theo phe đó.

* Múa đã cho chị nhiều điều nhưng hẳn cũng đã lấy của chị nhiều thứ mà ít người biết, có thể là những vết sẹo trên cơ thể, thú vui riêng, thời gian giao lưu kết bạn… Giờ đã có thời gian hơn, chị có “lấy” lại những niềm vui cho mình?

– Ngày xưa còn đi học múa, tôi phải tuân theo kỷ luật trường lớp, phải đau, phải chấn thương vì múa, phải mất thời gian để tập múa. Còn bây giờ, điều tôi thấy mình lấy lại được lớn nhất là có thể thỏa thích làm múa theo cách của mình. Nếu không múa, một ngày của tôi sẽ là đọc sách, đi chơi với bạn bè, xem phim và la cà.

* Người bạn gái thân thiết cùng du học, cùng trưởng thành, cùng nổi tiếng với chị đã yên bề gia thất, chị có nghĩ đến gia đình nhỏ cho mình chưa?

– Tôi tin vào duyên số. Tất nhiên tôi sẽ chọn người hiểu, thông cảm và cũng yêu cái nghề mà mình đang theo đuổi.

Võ Tiến (thực hiện)
Ảnh: QUANG LÂM

Check Also

Nhảy múa cùng Lois Greenfield

Trong các loại hình nghệ thuật của thế giới thì múa là một nghệ thuật …