Home / Nghệ Sĩ / Liên hoan Ca, Múa, Nhạc chuyên nghiệp Toàn quốc đợt I: TƯNG BỪNG TRÊN NÚI RỪNG TÂY BẮC (Kì I)

Liên hoan Ca, Múa, Nhạc chuyên nghiệp Toàn quốc đợt I: TƯNG BỪNG TRÊN NÚI RỪNG TÂY BẮC (Kì I)

DÒNG NƯỚC MÁT TRÊN NÚI RỪNG HOA BAN: Trong bài phát biểu khai mạc Liên hoan Ca, Múa, Nhạc đợt I tại Sơn La, Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn Vương Duy Biên đã nói: “Để có được một nền văn hoá nghệ thuật vững vàng không thể thiếu những nghệ sĩ tài năng và khi họ bước ra sân khấu thì tràn đầy năng lượng, bản lĩnh và phải luôn tâm niệm rằng, công chúng luôn chờ đón sự cống hiến của những tài năng nghệ thuật…”. Đúng như vậy, và Đoàn ca múa nhạc thuộc Trung tâm Nghệ thuật và Tổ chức biểu diễn tỉnh Hải Dương đã làm được điều đó – Chương trình của đoàn đã thực sự như một dòng nước mát trên núi rừng tràn đầy hoa ban trắng…

Niềm vui của tập thể cán bộ, nghệ sĩ, diễn viên Trung tâm Nghệ thuật và Tổ chức biểu diễn Hải Dương khi kết thúc chương trình biểu diễn dự thi Tâm lý lo lắng, hồi hộp và chờ đợi cánh màn nhung sân khấu của Liên hoan Ca, Múa, Nhạc được bung mở là tâm trạng không chỉ riêng của tất cả các nghệ sĩ, diễn viên của các đoàn nghệ thuật tham dự liên hoan, mà còn là tâm trạng chung của tất cả bà con khán giả trên phố núi Sơn La. Cùng với nghi lễ, thủ tục trang nghiêm của đêm khai mạc cũng phần nào tạo nên không khí “trầm trầm”… Nhưng khi đoàn dự thi thứ 2 bước ra sân khấu với chủ đề “Hạ khúc sông quê” đã thực sự đẩy lên cao trào của ngày hội nghệ thuật – “Hạ khúc sông quê” làm nức lòng khán giả – tạo nên một dòng nước mát thắm đượm hồn quê dâng chảy ào ạt trên vùng đất hoa ban trắng…

Một cảnh trong tiết mục mở màn: “Hạ khúc sông quê”

Khán giả, các nghệ sĩ, diễn viên và Ban tổ chức đều ngỡ ngàng với một đơn vị nghệ thuật còn rất non trẻ về tuổi đời của quê hương có dòng sông Kinh Thầy uốn chảy quanh năm bên những rặng vải thiều dịu ngọt – một chương trình biểu diễn với đúng nghĩa nghệ thuật ca múa nhạc mà mục đích của nó là phục vụ công chúng – “Hạ khúc sông quê” của Hải Dương đã làm được điều đó, đã chinh phục mọi tầng lớp khán giả tại thành phố Sơn La. Tuy cuộc “thi” mới đi được 1/3 chặng đường nhưng “Hạ khúc sông quê” đã chứng tỏ một sức nặng thuyết phục, là một trong những ứng cử viên sáng giá nhất của liên hoan đợt I này. Tiếng vỗ tay tán thưởng của khán giả ầm vang khán phòng, lời chúc mừng thắm thiết của bạn bè, đồng nghiệp, những bó hoa tươi thắm khi kết thúc chương trình đã là giải thưởng lớn lao cho các nghệ sĩ đến từ Hải Dương.

Tiết mục mở màn “Hạ khúc sông quê” với phần âm nhạc của NSƯT Quang Vinh và hai biên đạo trẻ Văn Hiền – Thanh Nam đã được các diễn viên: Vũ Thuý – Duy Khánh – Quỳnh Hoa – Đoàn Hùng – Phương Thảo – Huy Hưởng và Duy Hùng mang đến cho người xem quang cảnh của một vùng quê yên bình nhưng gian lao, vất vả, lại trải qua những cuộc chiến tranh khốc liệt của quân giặc xâm lăng. Nhưng con người của làng quê ấy vẫn bứt phá đi lên để quyết tâm xây dựng quê hương mình. Đặc biệt làng quê ấy vẫn thế – vẫn toát lên một bản sắc đậm đà cốt cách Việt Nam. Sau gian lao vất vả, sau chiến tranh tàn phá, làng quê Việt vẫn yên bình, nhàn nhã và con người vẫn tươi vui để gắn bó, đoàn kết xây dựng quê hương…Âm nhạc, vũ đạo của “Hạ khúc sông quê” bắt đầu cho mạch nguồn nghệ thuật chảy suốt cả chương trình, cuốn hút khán giả.

Nối theo dòng chảy ấy là ý chí tự lực, tự cường, kiên trung, bất khuất để bảo vệ bờ cõi, xây dựng đất nước của Trần Hưng Đạo đã được ca sĩ Mạnh Hùng tái hiện rất thành công qua tác phẩm của Tuấn Phương “Anh Linh Đức Thánh Trần“; rồi “Bến đợi” không chỉ có “đợi ở bến sông” mà khán giả còn bị NSƯT Ngọc Bích thông qua ngôn ngữ múa “tặng” cho sự đợi chờ trong tình cảm, đợi chờ cho ánh đèn gợi mở tâm hồn quê hương… Các tiết mục khác như: múa “Những vầng trăng nghiêng“; ca khúc “Chiếu nhạc hồn quê“; hoà tấu gõ “Nhịp chài“… đều để lại cảm xúc sâu nặng trong lòng khán giả…

Tiết mục thứ hai “Anh Linh Đức Thánh Trần” do Mạnh Hùng thực hiện

Phần biểu diễn của Đoàn ca múa nhạc – Trung tâm Nghệ thuật và Tổ chức biểu diễn tỉnh Hải Dương khép lại đã làm cho nhiều khán giả nuối tiếc, bởi đã lâu lắm rồi họ mới được thưởng thức một chương trình ca múa nhạc hay và chuyên nghiệp đến vậy. Họ còn tiếc nuối bởi không biết khi nào mới có được buổi diễn của Hải Dương. Trong khán phòng có một khán giả đã thốt lên: “Các nghệ sĩ Hải Dương làm tôi xúc động quá, anh em nghệ sĩ biểu diễn vào ngày hôm nay là đúng vào ngày lịch sử – ngày 7/5 giải phóng Điện Biên Phủ mà tôi từ một thanh niên nhà quê nơi vùng đồng bằng duyên hải Bắc bộ tình nguyện vào bộ đội chống Pháp, đi qua Sơn La tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, giải phóng Điện Biên rồi thì ở lại Sơn La xây dựng kinh tế mới. Chương trình của Hải Dương làm cho tôi nhớ lại tất cả, nhớ dòng sông quê, nhớ tiếng ru hời của mẹ, nhớ lại thời kì chiến tranh, nhớ cả tiếng con gà mái ghẹ đang cục ta cục tác… Nhớ quá, càng nhớ càng yêu quê hương mình, yêu quê hương đất tổ lại càng thêm yêu quê hương thứ hai là Sơn La“.

Ca sĩ Bình Thanh với ca khúc thể hiện rất xuất sắc “Dòng sông ký ức”

“Những vầng trăng nghiêng” của Văn Hiền – Thanh Nam

Tốp ca nam với “Điệp khúc thuyền chài”

Tác phẩm múa “Bến đợi” của NSƯT Ngọc Bích

Ca sĩ Hồng Anh với “Chiếu nhạc hồn quê”

“Ngược dòng sông quê”

Tối ngày 7/5, khán giả Sơn La lại được đón nhận chương trình của Đoàn nghệ thuật Thái Nguyên và Cao Bằng.

ĐỨC TRẦN – LÊ THUỶ – LY LY

Check Also

Nhảy múa cùng Lois Greenfield

Trong các loại hình nghệ thuật của thế giới thì múa là một nghệ thuật …