Home / Nghệ Sĩ / Lâm Bích Nguyên – Nghệ sĩ mang áo lính

Lâm Bích Nguyên – Nghệ sĩ mang áo lính

NSƯT Lâm Bích Nguyên gây ấn tượng với tôi ngay lần gặp đầu tiên: Đẹp như một ngọn lửa trắng. Vâng, diễn viên múa đẹp mà không có ngọn lửa tâm hồn thì làm sao múa tính cách được. Tôi nghĩ thế. Lúc ấy Nguyên mới tốt nghiệp trường Nghệ thuật Quân đội về đầu quân cho đội Múa đoàn Nghệ thuật Quân khu 4 dù có khá nhiều lời dẫn dụ từ các đoàn Nghệ thuật lớn trong Nam ngoài Bắc muốn mời Nguyên về. Điều đó chứng tỏ Nguyên là một diễn viên đầy hứa hẹn cho trong tương lai. Có cán bộ một đoàn Nghệ thuật tận Sài Gòn đã cất công ra Hà Nội mời Nguyên về đoàn với cả lời hứa hẹn về tương lai, nhà cửa…

Nhưng Nguyên đã chọn mảnh đất Khu Bốn đầy kham khổ nhọc nhằn, nơi mà Nguyên đã sinh ra và lớn lên ở đấy: quê hương xô viết Nghệ Tĩnh. Mẹ Nguyên là một nhà giáo mô phạm trong việc nuôi dạy học trò và con cái. Từ nhỏ, cô bé Nguyên đã rất mê đọc sách. Hầu như “hở” ra ở đâu là thấy Nguyên đọc sách ở đó. Từ những cuốn sách truyền thống như Đội du kích thiếu niên Đình Bảng cho đến những thiên tiểu thuyết nối tiếng nước ngoài, Nguyên xem được khá nhiều. Cái thói đam mê đọc sách ấy khiến sau này trên dọc đường hành quân phục vụ bộ đội Nguyên đều mang theo sách nặng trĩu ba lô. Khi đoàn vừa nghỉchân là Nguyên lẻn vào một nơi khuất nào đó để… đọc sách. Những mẫu người điển hình, những cuộc đời vất vả với lí tưởng sống đẹp trong sách luôn ám ảnh Nguyên, xây đắp tâm hồn Nguyên trở thành một con người trân trọng vẻ đẹp và lòng nhân hậu.

Ngay từ những ngày đầu về Đoàn Nghệ thuật Quân khu 4, Nguyên đã được chọn tham gia nhiều tiết mục múa trong chương trình đang xây dựng. Hai điệu múa mà Nguyên ưng í nhất lúc đó là “Vũ khúc Hungari” và “Múa kiếm Nga”. Trong những vũ khúc ấy, Nguyên được giao vai múa solo hoặc dio. Với dáng người thanh thả và gương mặt tươi sáng, Nguyên luôn cuốn hút người xem bằng thân hình bốc lửa và cặp mắt hút hồn. Có một vẻ “tây tây” gì đó toát ra từ gương mặt người vũ nữ này, và vì thế khi nhập vai vào các thiếu nữ Tây, Nguyên đã rất thành công.

NS Lâm Bích Nguyên và con gái

Nhưng khi nhập vai những người lính, Nguyên cũng chứng tỏ là một diễn viên giàu cảm xúc chân thật. Ngay từ đợt tham gia Hội diễn Ca nhạc nhẹ và Múa Nhỏ Toàn quân đầu tiên, Nguyên đã sắm nhiều vai trong các điệu múa “Cánh võng” (biên đạo Mạnh Hà), “Bên suối” (biên đạo Ngọc Cường) và “Mừng nhà mới” (biên đạo Trọng Lanh). “Múa Cánh võng” và “Bên suối” đoạt Huy chương Bạc, múa Mừng nhà mới đoạt Huy chương Vàng. Lần đoạt giải Vàng đầu tiên này phải nói là Nguyên đã có một nỗ lực lớn để nhập vai solo nhân vật nữ miền núi. Đây là một điệu múa khai thác chất liệu dân gian Tày Hạy miền Tây Nghệ An khá độc đáo và sinh động. Mỗi lần Nguyên xuất hiện, sân khấu như sáng lên với những vũ điệu tưng bừng ngày hội, lại có khi uyển chuyển trữ tình như lắng lại nỗi niềm của người dân vùng cao bao năm khát khao ngôi nhà mới. Cứ thế, Nguyên tham gia nhiều điệu múa của thời quân đội đang đi vào chính qui hiện đại, lại vẫn phải dàn quân ra hải đảo biên cương Tổ quốc…

Rồi Nguyên yêu, rồi Nguyên lấy chồng. Chồng Nguyên cũng là diễn viên múa trong đoàn. Một “đêm tân hôn lịch sử”! 8 giờ tối đám cưới mới xong thì 1 giờ sáng được lệnh đi Lào phục vụ bộ đội Pha Thét và quân tình nguyện Việt Nam. Bỏ lại bộ áo cô dâu, mang vào bộ quần áo lính, cả hai vợ chồng ba lô lên vai cùng đơn vị đi về phía tiếng súng giữa thời bình. Đấy là vào mùa khô 1985. Rồi những đêm lửa trại, những ngày lội suối trèo đèo qua Pakxe, Phubia, Boloven thập thò giặc phỉ. Văn công đi đâu cũng phải có bộ đội đi theo bảo vệ, sẵn sàng chiến đấu. Hát và múa. Múa và hát. Có lần Nguyên đã bị ngất trong giữa chừng điệu múa. Có lần thấy các anh bộ đội đổi phiên “chốt chặn” về chưa được xem văn công, lại cùng đồng đội múa hát cho các anh xem ngoài chương trình phục vụ.

Rồi một chuyến đi Lào khác… Đấy là mùa khô 1987, khi đứa con đầu lòng của Nguyên chưa đầy 12 tháng. Nguyên đã phải “tập cai sữa” cho con để có thể gửi lại ông bà. Hai vợ chồng lại cùng Đoàn đi miền Tây phục vụ. Hai tháng trời ròng rã, vất vả, gian khổ dọc núi rừng Trung – Nam Lào đã khiến sức khỏe Nguyên giảm sút trông thấy. Đặc biệt là nỗi nhớ con cứ luôn thường trực trong lòng người mẹ trẻ. Chỉ khi nhập vai vào tiết mục là lòng yêu nghề lại tiếp thêm cho Nguyên ngọn lửa nhiệt tình phục vụ. Những người lính như in vào tâm khảm hình bóng người vũ nữ mang áo lính Lâm Bích Nguyên với những điệu múa đơn, múa đôi, múa tập thể luôn nổi bật trong những tiết mục mà họ ưa thích. Nhưng những ngày tháng gian khổ ấy đã làm Nguyên ngã bệnh. Chị gầy đi trông thấy, đến nỗi bạn bè thương mà gọi đùa: “Nhập xưởng Dược nấu cao được rồi“! Rồi hai tháng cũng trôi qua, trên đường về đơn vị, hình ảnh đứa con nhỏ mong mẹ cứ luôn hiện ra trước mắt chị. Càng về gần quê nhà, chị càng thấy hình ảnh con rõ nét, nó như đang dang hai cánh tay bé bỏng ra chực ôm chầm lấy mẹ. Và xe của Đoàn theo đường Tám đã về đến phía nam phà Bến Thủy lúc hai giờ sáng. Nhưng nước lũ mênh mông cuộn xiết, phà bị trôi, cả đoàn phải nằm lại phía nam sông, chỉ còn cách đơn vị chưa đầy 10 cây số. Lúc ấy chỉ còn vài chiếc xuồng nhỏ chở khách cần kíp qua sông. Nguyên đã quyết định xin phép Đoàn về trước vì con nhỏ. Chiếc xuồng cheo leo trên sóng lũ như sắp bị nhấn chìm. Nhưng cuối cùng Nguyên cũng đã tới được bờ bắc, vào nhà quen mượn xe đạp bươn về với con giữa đêm mưa mù mịt. Nhưng đứa con yêu đã lạ hơi mẹ, nó cứ khóc tướng lên… làm Nguyên cũng khóc theo.

Làm diễn viên một Đoàn Nghệ thuật Quân đội thì người nghệ sĩ phải luôn nhớ mình là một chiến sĩ. Những tháng ngày dong duổi biểu diễn phục vụ bộ đội đã đem lại cho Nguyên nhiều tình cảm sâu sắc. Nguyên nhớ lại những lần ra đảo xa biểu diễn, và nói rằng, nếu không đến tận đó thì không thể thương yêu cảm phục những người lính đến thế. Tôi được nghe Nguyên kể chuyện một lần ra đảo Trường Sa, chị đi cùng xuồng chở thư tới đảo Anh hùng Phan Vinh. Khi xuồng thư cập đảo, lính ùa ra đón thư nhà. Khi lá thư cuối cùng được phát đi, thấy mấy ngượi lính đứng lặng thẫn thờ, họ không có thư. Thế là vào doanh trại hát cho lính nghe. Dù không phải là ca sĩ, Nguyên cũng được yêu cầu hát. Và cái đàn ghi-ta của đảo chỉ còn một dây đã cùng Nguyên cất lên bài hát mà chị rất yêu thích:

“Có những giọt sương trắng rơi trên áo anh Có những giọt sương trắng rơi trên đầu súngCó những giọt sương trắng rơi tóc anh đọng lại Có những giọt sương trắng rơi trong tôi tình yêu…”

Vâng, người con gái 18 tuổi là Nguyên năm xưa tôi gặp, giờ đã rắn rỏi, trưởng thành. Vẻ đẹp trẻ trung ngày ấy như lại quay về trên gương mặt chị mỗi lần nói về nghệ thuật. Niềm đam mê nghệ thuật đã giúp Nguyên đeo đuổi nghiệp múa của mình. Gần đây chị đã tốt nghiệp xuất sắc khóa Huấn luyện Múa tại trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội. Trở lại Đoàn, Nguyên đã cùng đồng nghiệp mở lớp huấn luyện cho hàng chục học sinh múa, và tiếp tục tham gia sáng tác những tiết mục múa mới cho Đoàn. Tác phẩm múa đôi Đũa lệch của Nguyên đã từng đoạt giải tại Liên hoan múa chuyên nghiệp ít người do Hội Nghệ sĩ Múa VN tổ chức 1999, nay lại đoạt giải A của Hội Văn học Nghệ thuật Nghệ An. Nếu mở “kho” giải thưởng của Nguyên ra, sẽ gặp nhiều những huy chương vàng, huy chương bạc, những bằng khen giấy khen dọc hành trình cống hiến cho nghệ thuật của người diễn viên – chiến sĩ ấy. Huy chương vàng: Mừng nhà mới, Múa Tày Hậy, Người mẹ Vân Kiều… Huy chương bạc: Bên suối, Cánh võng, Ngã ba Đồng Lộc, Thăm lúa, v. v…

Năm 2007, Thượng tá Lâm Bích Nguyên được công nhận là Nghệ sĩ Ưu tú. Người nữ nghệ sĩ múa ấy gần 30 năm cống hiến, vẫn còn nuôi giữ mãi ngọn lửa đam mê sự nghiệp mà mình đã chọn từ khi còn niên thiếu. Gương mặt chị giờ đây vẫn sáng tươi như hứa hẹn cuộc hồi xuân cho những sáng tạo mới của người nghệ sĩ trọn đời mang áo lính…

Nhà thơ, Nhạc sỹ Nguyễn Trọng Tạo

Check Also

Nhảy múa cùng Lois Greenfield

Trong các loại hình nghệ thuật của thế giới thì múa là một nghệ thuật …